Biểu đồ tăng giá xăng từ đầu năm 2009 đến nay |
Giá xăng dầu thế giới từ đầu tháng 7 đến nay có xu hướng giảm. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh tăng mạnh từ 500 đồng/lít lên 700 đồng/lít ngày 1/7/2009, giá xăng trong nước lại chưa có động thái giảm giá. DĐDN có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
Ông Thoả cho rằng, trước khi chấp thuận để DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 1/7/2009 (tăng từ 500 đồng/kg đến 700 đồng/lít), Liên bộ đã tính toán, cân nhắc và đã sử dụng các công cụ tài chính khác như: tạm dừng trích Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu và kéo dài thời gian trả nợ khoản tạm ứng từ ngân sách nhà nước 1.000 đồng/lít xăng; giảm thuế nhập khẩu. Sau đó, đồng ý để DN tăng giá (khoảng 5%) đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu. Theo báo cáo của DN, sau khi điều chỉnh tăng giá và sử dụng các công cụ tài chính như vậy, thì tại thời điểm đó, kinh doanh xăng, dầu tiếp tục có khó khăn.
- Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu trên thế giới đang xu hướng giảm, những khó khăn của DN chắc chắn đã được giảm bớt, vậy sao giá xăng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thưa ông ?
Bình quân giá xăng dầu thế giới nửa tháng gần đây cho thấy, từ ngày 30/6 đến ngày 13/7/2009, giá xăng dầu thị trường thế giới giảm từ 0,8% đến 8,6% so với giá bình quân tháng 6/2009 tuỳ theo từng chủng loại nhiên liệu, trong đó giá dầu thô giảm nhiều hơn giá dầu thành phẩm, đặc biệt giá dầu mazut giảm không đáng kể (giảm 0,8%). Mà việc tính giá xăng dầu trong nước phải được tính giá dầu thành phẩm chứ không phải giá dầu thô.
Phải nói rằng, tuy giá xăng, dầu thị trường thế giới hiện nay có giảm, nhưng giá xăng dầu ở VN vẫn còn thấp hơn giá của một số nước trong khu vực tại thời điểm hiện nay. Cụ thể: giá xăng của VN thấp hơn từ 376,5 đồng/lít đến 5.647,6 đồng/lít tuỳ theo mỗi nước; giá diesel của VN xấp xỉ với giá diesel của Thái Lan, nhưng thấp hơn của một số nước trong khu vực từ 1.191 đồng/lít đến 4.888 đồng/lít . Và với giá thế giới bình quân 14 ngày đầu tháng 7 như trên, giá, thuế, phí phải nộp như hiện hành (thuế nhập khẩu xăng: 20%, diesel: 20%, dầu hoả: 30%, mazut: 25%), tính cả khoản tạm ứng từ ngân sách nhà nước 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng mà Bộ Tài chính đã tạm ứng cho DN vay để DN tự xử lý số lỗ kinh doanh xăng từ năm 2007 đến năm 2008) chưa tính mức lãi để lại cho DN (tối đa 300 đ/l,kg) và chưa tính mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu, thì theo tính toán của Liên bộ Tài chính - Công Thương, lỗ lãi kinh doanh các mặt hàng xăng dầu với con số cụ thể là: Xăng: lỗ 179 đồng/lít; dầu diesel 0,05%S: lãi 136 đồng/lít; dầu hoả: lãi 750 đ/lít; dầu mazut: lỗ - 591 đồng/kg.
- Chưa nói đến những mặt hàng DN phải chịu lỗ, ngay cả những mặt hàng có lãi như dầu diesel 0,05%S hay dầu hoả mà ông vừa nói ở trên thì thời gian tới sẽ điều chính giảm không, thưa ông ?
Về nguyên tắc, từ ngày 1/7/2007 giá xăng thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do giá thế giới liên tục tăng cao, DN kinh doanh xăng dầu đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn định giá xăng theo yêu cầu của Chính phủ. Chính vì vậy đã phát sinh lỗ kinh doanh xăng trong năm 2007 và 2008 với tổng số lỗ khoảng 4.040 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã tạm ứng cho DN vay 4.038,5 tỷ đồng. Theo báo cáo của DN, đến nay, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối mới trích để hoàn trả ngân sách được khoảng 38% so với số Bộ Tài chính tạm ứng. Như vậy, số tiền mà các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối còn nợ và phải tiếp tục hoàn trả ngân sách nhà nước để tự xử lý số lỗ kinh doanh xăng của đơn vị mình trong thời gian tới còn khoảng 2.508 tỷ đồng (tương đương 62%).
Từ tình hình trên, để đảm bảo thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, thực hiện đúng Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 07/6/2009 của Văn phòng Chính phủ, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ thực hiện điều hành giá theo các nguyên tắc nhất quán điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá có lên, có xuống theo biến động của giá thế giới (vấn đề này đã được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương thống nhất); Đảm bảo mức giá bán lẻ xăng, dầu của VN tương đương với mặt bằng giá của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Lào, Campuchia để góp phần ngăn ngừa và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới; khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả xăng dầu trong sản xuất, tiêu dùng; Thực hiện nguyên tắc chia sẻ giữa Nhà nước, DN và người dân.
Hiện mới có Ptrolimex có văn bản kiến nghị đề nghị với Tổ liên bộ giám sát giá xăng dầu theo dõi thêm trong khoảng 20 ngày, và cũng đề nghĩ trước hết ưu tiên các khoản DN trả nợ ngân sách 1000 đồng/lít xăng mà nhà nước đã cấp cho họ để họ kinh doanh. |
Trường hợp trong thời gian tới giá xăng, dầu thế giới tiếp tục chiều hướng giảm, sau khi xin ý kiến Thường trực Chính phủ, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp với barem thuế đã công bố; Tiếp tục để DN trích 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng để hoàn trả số tiền ngân sách đã ứng cho DN tự xử lý số lỗ kinh doanh xăng; Tiếp tục trích Quỹ Bình ổn giá đối với một số mặt hàng có điều kiện do giá thế giới giảm để tạo nguồn lực đáp ứng cho yêu cầu bình ổn giá khi giá thế giới tăng trở lại; Thực hiện giảm giá đối với mặt hàng xăng dầu nào nếu có điều kiện (sau khi đã áp dụng các biện pháp nêu trên).
- Như vậy, một khi Quỹ Bình ổn xăng dầu chưa đi vào hoạt động và chưa đủ nguồn lực thì giá xăng dầu khó có thể giảm ngay cả khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, thưa ông ?
Với các nguyên tắc như tôi nói ở trên, có thể có trường hợp giá bán lẻ trong nước đối với một hoặc một vài mặt hàng xăng, dầu không giảm ngay; tuy nhiên, việc điều hành như vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn về lâu dài cho cả người dân, DN và Nhà nước như: Hình thành được Quỹ Bình ổn giá, có nguồn lực để chủ động ổn định giá, hạn chế việc phải tăng giá cao đột biến như năm 2008, hạn chế được tác động kéo theo đối với các mặt hàng khác và nền kinh tế. Đây là tiền đề để điều hành giá xăng dầu thực sự theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nâng cao tính chủ động, tính minh bạch trong hoạt động của DN kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Và đặc biệt khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, góp phần ổn định nguồn thu của NSNN.
- Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khi giá xăng thế giới tăng thì các DN không ngần ngại tăng giá xăng dầu, còn khi giá xăng dầu giảm thì DN lại không giảm tương ứng, cụ thể là đã nửa tháng trôi qua mà chưa DN nào động tĩnh gì về vấn đề giảm giá ? Điều đó đã thể hiện tính thị trường chưa, thưa ông ?
Nếu nhìn lại thì không phải cứ lần nào giá dầu thế giới tăng, DN yêu cầu là giá xăng dầu trong nước tăng ngay. Trong thời gian gần đây thì việc tăng giảm giá xăng dầu trong nước đều tính bình quân khoảng 20 ngày sau khi giá xăng dầu thế giới tăng có sự tính toán. Thậm chí đã có những thời điểm 3 lần giá xăng dầu thế giới lên, tuy nhiên chúng ta lại không cho tăng giá xăng dầu.
Tôi muốn nhấn mạnh là không phải là giá xăng dầu thế giới hôm nay tăng, hay giảm thì giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng, giảm ngay. Bởi chúng ta không thể nhập được giá tăng ngay mà cũng không thể nhập được khi giá giảm ngay trong ngày. Thường xăng dầu nhập về VN có độ trễ khoảng 15 – 20 ngày do chúng ta phải đàm phán, ký hợp đồng, mở LC, vận chuyển... Nên kể cả khi DN có yêu cầu đề nghị tăng giá chỉ trong vài ngày khi giá thế giới điều chỉnh thì Tổ liên bộ về giá xăng dầu cũng không bao giờ chấp thuận.
- Vậy ông giải thích thế nào trước việc dư luận vừa qua cho rằng, so giá xăng dầu bây giờ với thời điểm giá đầu thô đỉnh điểm là 147 USD/thùng thì giá đã giảm khoảng 50%, tuy nhiên giá trong nước mới giảm 25%?
Tất cả những cơ cấu, yếu tố hình thành giá ở mỗi một thời kỳ khác nhau, chính sách điều tiết khác nhau. Vì vậy, không thể giá thế giới tăng, giảm bao nhiêu thì giá trong nước tăng giảm tương ứng bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ giá, thuế (có lúc chúng ta lùi thuế xuống 0%, nhưng giai đoạn này thì thuế mặt hàng xăng là 20%, cao hơn hẳn so với thuế áp dụng ở thời điểm giá dầu thô đỉnh điểm 147 USD/thùng), phí xăng dầu lúc đó cũng chỉ có 500 đồng, giờ là 1.000 đồng...
Bên cạnh đó, mức tăng giảm cũng phải tính toán trên cơ sở xem xét đến yếu tố tính đỉnh điểm của dầu thô 147 USD/thùng chỉ diễn ra trong thời điểm 1 ngay ở phiên giao dịch giữa giờ mở cửa buổi sáng và giờ đóng cửa buổi chiều. Chúng ta không thể lấy giá giao dịch đỉnh điểm đó để làm căn cứ phản ánh giá xăng dầu trong nước mà phải tính giá xăng dầu thành phẩm và tính bình quân.
- Vậy, việc dự trữ trong khoảng thời gian dài có là nguyên nhân xăng dầu trong nước giảm chậm lại so với với diễn biến giảm giá xăng dầu của thế giới không, thưa ông ?
Với nguyên tắc xăng dầu phải đảm bảo an ninh năng lượng thì dự trữ xăng dầu khẳng định là không thể không có. Thử hình dung TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội chỉ thiếu xăng 1 ngày thì tình hình sẽ như thế nào ? Vì vậy, để bình ổn thị trường trong mọi hoàn cảnh thời tiết thiên tai, dịch bệnh... xảy ra thì chúng ta phải có khoản dự trữ tối thiếu (và khoản dự trữ xăng dầu tối thiểu 20 ngày đã là tính toán rất cân nhắc để có thể xử lý được những tình huống bất ổn có thể xẩy ra), chứ không phải do chúng thích dự trữ cao, để rồi có lúc nhập cao, dân tình phải gánh chịu về giá.
-Nhưng ở một khía cạnh khác, dường như công tác dự báo giá xăng dầu của chúng ta còn hạn chế, dẫn đến việc người dân và DN phải gánh chịu về giá xăng dầu, thưa ông?
Xăng dầu là mặt hàng diễn biến phức tạp mà không một tổ chức dự báo khoa học nào trên thế giới có thể tính toán chính xác. Bởi nó không chỉ phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, cung cầu, tài chính tiền tệ, mà còn phụ thuộc vào yếu tố chính trị. Chính vì những biến động ngoài phạm vi của các yếu tố kinh tế nên rất khó dự báo.
- Xin cảm ơn ông
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com