Giữa bạt ngàn các cửa hàng ăn theo trương biển "Made in Vietnnam" đang mọc lên như nấm trên thị trường, người ta khó có thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Một cửa hàng Made in Vietnam chính hãng ở phố Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, HN). |
Nổi danh trong một vài năm trở lại đây bởi giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp, các sản phẩm của chuỗi cửa hàng Made in Việtnam đang dần khôi phục lại được định kiến của người tiêu dùng (NTD) VN về chất lượng hàng nội và ngày càng chiếm được cảm tình của NTD. Thế nhưng, giữa bạt ngàn các cửa hàng ăn theo trương biển "Made in Vietnnam" đang mọc lên như nấm trên thị trường, người ta khó có thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Ăn theo thương hiệu
Trên thực tế, cần khẳng định ngay, hiện trên thị trường, các cửa hàng trưng biển "Made in Vietnam" chính hiệu, ra đời đầu tiên, duy trì được niềm tin NTD bấy lâu nay là chuỗi 14 cửa hàng của thương hiệu Vietbrothers (được lập từ 2003, đã đăng ký bản quyền từ 2008).
Đây là chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng thời trang của các thương hiệu quốc tế được gia công bởi các công ty uy tín trong nước xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Mỹ.
Các cửa hàng của chuỗi Vietbrothers có chung một biển hiệu với logo thống nhất, có nhân viên mặc đồng phục phục vụ khách hàng và giá các mặt hàng đều được niêm yết công khai chung. Còn lại, một loạt các cửa hàng khác ăn theo thương hiệu "Made in Vietnam", cũng trưng biển tương tự với nền màu đen, chữ trắng... nhưng không theo quy chuẩn thống nhất của chuỗi hệ thống Vietbrothers đều là các shop tư nhân tự phát.
Các shop tự phát là nơi bày bán "thập cẩm" đủ thứ hàng, không chỉ hàng Việt, mà còn có hàng xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông hoặc Campuchia. Người mua đến với những cửa hàng này rất dễ bị hớ khi không những không mua được sản phẩm như ý, mà giá cả chênh lệch nhau tới chóng mặt.
Trộn lẫn hàng Trung Quốc và hàng gia công
Thử làm một vòng khảo sát qua một số cửa hàng bán quần áo trên các tuyến phố Cầu Giấy, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng..., người mua sẽ hoa mắt trước vô vàn cửa hiệu mang biển "Made in Vietnam". Trong số những sản phẩm được bày bán, bên cạnh những mặt hàng VNXK là rất nhiều loại không có nhãn mác.
Cũng không thiếu quần áo dán nhãn mác các hãng nước ngoài lớn như: Calvin Klein, Louis Vuitton, Puma... với giá "bèo" từ 150.000 - 500.000 đồng, đủ biết chúng được nhập lậu. Nhìn thoáng qua cũng biết là hàng "nhái" với chất lượng kém - chất vải bạc màu, đường may ẩu, logo không sắc nét... Sẽ không khó khăn lắm khi tìm thấy nhiều sản phẩm trên cổ áo gắn "Made in Vietnam", nhưng ở sườn áo vẫn còn nguyên nhãn mác "Made in China".
Không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc, các cửa hàng còn nhập ngay từ những nơi may gia công trong nước. Hàng nhái thường được sản xuất dưới hình thức ăn theo các mẫu mã của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như MNG, Limited Too, GAP, Levis... rồi may tại những cơ sở sản xuất nhỏ với số lượng lớn.
Chị Nguyễn Thu Lan (Khương Trung, quận Thanh Xuân, HN) - một thợ may tự do, chuyên nhận hàng may gia công - cho hay: "Hằng tháng, tôi đều nhận được các đơn hàng may các sản phẩm như áo sơmi, quần âu và may theo mẫu quốc tế được đưa. Tôi cũng không biết những sản phẩm may này sẽ được họ đưa đi đâu bán".
Một chủ cửa hàng tự nhận là chuyên hàng Made in Vietnam trên phố Nguyễn Trãi, giao dịch chủ yếu qua mạng Muare - cho biết, đa phần các cửa hàng tự phát đều nhận lấy mối từ trong miền Nam, càng có nhiều tiền càng "ôm được nhiều mẫu". Dù là hàng hoá toàn gắn những nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng không rõ có phải được gia công bởi các công ty có uy tín hay không.
(Theo Sơn Lâm - Mai Ka/TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com