Trước sự bức xúc của người dân về xăng dầu kém chất lượng, pha tạp chất thời gian qua, trong buổi đối thoại trực tuyến chiều 6/1, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận một phần trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này.
Ôm không xuể?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, trách nhiệm quản lý chất lượng xăng dầu khi nhập khẩu được giao cho ngành Khoa học và Công nghệ. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nguồn cung ứng, phân bổ chỉ tiêu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Bộ Kế hoạch&Đầu tư, không được để đứt nguồn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, ranh giới này không rõ ràng và có đan xen, để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh không đảm bảo chất lượng xăng dầu, có phần trách nhiệm của Bộ Công Thương. "Nếu cơ quan chức năng kiểm tra xác định nguyên nhân từ xăng dầu dẫn đến cháy nổ các phương tiện vận tải, Bộ xin nhận trách nhiệm". Bộ trưởng Công Thương trần tình.
Ông Hoàng cho biết, việc giám sát kinh doanh, chất lượng xăng dầu, lực lượng chức năng không thể làm xuể, không thể bao quát hết. Bộ Công Thương rất mong nhận được phản ánh của người tiêu dùng khi phát hiện các cá nhân, tổ chức có sai phạm.
Nhắm thời điểm hợp lý để tăng giá điện!
Cũng tại buổi đối thoại trực tuyến, vấn đề giá điện, chuyện kinh doanh lỗ lãi của ngành điện và xăng dầu, cùng mức thu nhập được xem là cao của các DNNN đã được người dân đặt ra chất vấn Bộ trưởng Công Thương.
Ông Hoàng lý giải, hiện nay VN luôn gặp căng thẳng cung cấp điện, nhất là vào mùa khô. Nhu cầu sử dụng điện rất cao, VN là xếp vào những nước có nhu cầu điện tăng, bình quân 15%/năm trong 10 năm qua. Và hiệu suất sử dụng điện năng thấp, chúng ta phải đầu tư 2-2,5 đơn vị điện để tăng trưởng GDP 1- 1,5%. Do giá rẻ, nên không khuyến khích được tiết kiệm điện, ngành điện khó thu hút đầu tư, không khuyến khích đổi mới công nghệ của các DN.
Trước khi tăng giá điện, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tính toán và báo cáo Chính phủ có thể tăng trên 10%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như vậy chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát nên chỉ tăng 5% vào tính biến động đầu vào như xăng dầu, nhân công... Thời điểm ngành điện quyết định điều chỉnh giá 5% giá điện là tương đối hợp lý. Bởi theo ông Hoàng, sau một thời gian chỉ số CPI tăng chậm lại, khả năng nhìn thấy có thể thực hiện được chỉ tiêu khống chế lạm phát ở mức 18% và cách xa thời điểm Tết nguyên đán Nhâm Thìn, tỉ lệ điều chỉnh thấp.
Bộ Tài chính kiểm tra khách quan về giá xăng
Liên quan đến vấn đề Bộ Tài chính đưa ra kết luận, nếu không có khoản chênh lệch tỉ giá và khoản chi phí vượt định mức thì DN xăng dầu, trong đó có Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ lãi. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn nói: "Tôi tiếp thu ý kiến mang tính chất phê bình của nhân dân đối với hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực xăng dầu. Kết quả kiểm tra xăng dầu vừa qua của Bộ Tài chính đã phản ánh khách quan.
Bốn năm qua, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đều lỗ, trừ năm 2009 là lãi". Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết, việc Petrolimex khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nói có lãi, bởi vì đó là khoản lãi tổng kinh doanh gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, còn riêng xăng dầu thì lỗ.
Riêng về chi phí hoa hồng đại lý, mức 600 đồng/lít xăng được Bộ Tài chính ban hành từ lâu. Hiện nay, mức đó không đảm bảo cho các đại lý có thể tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh. Nhưng do một bên là nhiệm vụ chính trị không được để đứt nguồn hàng và một bên là duy trì hoạt động của các đại lý, buộc DN phải chi vượt lên mức. Khoản này DN phải chịu, không được hạch toán vào giá xăng dầu cho người dân.
Ông Hoàng thừa nhận, trong một vài thời điểm, điều hành xăng dầu có nhiều ý kiến nội bộ khác nhau nhưng khi trình Chính phủ thì ý kiến đó là thống nhất, không có chuyện mâu thuẫn giữa Công Thương-Tài chính.
(VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com