Luật Quản lý thuế được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Qua hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện, công tác quản lý thuế đã có những chuyển biến tích cực...
Nhưng thực tế áp dụng vẫn còn một số bất cập.
Luật Quản lý thuế mới bước đầu đi vào cuộc sống
Sau thời gian thực thi Luật Quản lý thuế (Luật QLT), các cấp chính quyền, các tổ chức liên quan như Kho bạc Nhà nước, Hải quan, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác… có nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý theo Luật QLT.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, thực hiện Luật QLT đã đề cao quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế qua việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Ý thức của người nộp thuế đã được nâng cao thể hiện qua tỷ lệ vi phạm pháp luật thuế thấp hơn so với trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ có 1.041 tờ khai hải quan (chiếm tỷ lệ 0,06%) có vi phạm về các thủ tục thuế.
Bước đầu có thể nói rằng, Luật QLT đã đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân và người dân đón nhận và thực hiện. Cụ thể là kết quả thu ngân sách ở hầu hết các địa phương chuyển biến tốt. Tổng thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2007 tăng 31,5% so với 6 tháng đầu năm 2007 (khi chưa thực hiện Luật QLT). Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2008 tăng 37,8% so với cùng kỳ năm 2007.
Một số bất cập
Theo các chuyên gia, vướng mắc lớn nhất hiện nay của cả người nộp thuế và cơ quan thuế là chưa có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ việc khai thuế "điện tử" nên người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế (bản giấy) cho cơ quan thuế.
Hơn thế nữa, việc cập nhật, trao đổi hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ thực hiện quản lý thuế còn yếu, độ tin cậy không cao. Luật QLT có quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi công tác trong quản lý thuế, nhưng trong thời gian đầu thực hiện chưa có những chế tài cụ thể về trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan. Ngay trong nội bộ ngành Tài chính (Kho bạc - Thuế - Hải quan), hệ thống thông tin cũng chưa được vận hành thông suốt nên chưa phát huy được quy định về việc thu nộp thuế theo trình tự và phối kết hợp cưỡng chế thuế giữa cơ quan Thuế và cơ quan Hải quan. Đáng chú ý là hệ thống thông tin chưa đầy đủ, như thiếu thông tin thuế nội địa... dẫn đến việc đánh giá doanh nghiệp chưa toàn diện. DN có thế tự tra cứu tình trạng nợ thuế trên Website Hải quan và biết việc nợ thuế của mình theo tờ khai, sắc thuế, từng trạng thái nợ (trong hạn, quá hạn, cưỡng chế)… Nhưng hệ thống đường truyền chưa tốt, việc cập nhật theo dõi nợ thuế chưa kịp thời, đôi khi gây khó khăn cho cả DN và cơ quan Hải quan.
Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là vấn đề con người. Ở một số nơi, cách nghĩ, cách làm của một số công chức, viên chức chưa theo kịp với quá trình đổi mới; vẫn làm việc, quản lý theo cách cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng với cơ chế quản lý mới.
Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh - Lê Kiên Trung:
“Trong hơn một năm thực hiện Luật Quản lý thuế, nảy sinh một số vấn đề còn bất cập. Một số quy định của Luật tạo thuận lợi cho người nộp thuế rất nhiều nhưng lại không tạo điều kiện để cơ quan quản lý thuế thực thi nhiệm vụ. Ví như, trong luật quản lý thuế quy định 6 bước cưỡng chế, nhưng thực chất, đó không phải các bước, mà là các phương pháp khác nhau, ví như là phương pháp qua ngân hàng để cưỡng chế tài sản DN hoặc siết nợ, siết tài sản DN. Các phương pháp này không liên quan đến nhau, nhưng lại buộc cán bộ phải thực hiện theo tuần tự. Vì vậy, trong khi thực hiện, cán bộ bị vướng và bị bó nhiều. Theo tôi, cần phải cho phép áp dụng các phương pháp thích hợp, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện phù hợp, không nên bắt buộc cứng nhắc việc thực hiện tuần tự theo các bước (mà thực chất lại là các phương pháp). Hiện nay, chúng ta đang cải tiến các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng chúng ta lại quên mất rằng, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần phải được tạo thuận lợi. Tạo thuận lợi cho DN là tốt, nhưng nếu không thuận cho cơ quan pháp luật thì việc thu thuế sẽ khó, dẫn đến tiền thuế của nhà nước dành để phục vụ cho đại bộ phận dân chúng lại không được đảm bảo”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính – Đỗ Hoàng Anh Tuấn:
“Về vấn đề 6 bước cưỡng chế của Luật QLT, quả thực đã gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực thi. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, khi thực hiện, cần phải có sự linh hoạt, giống như trước một đám cháy, không thể nguyên tắc đến mức lại phải qua đúng các bước xếp hàng, nhìn vào gáy nhau, quay phải, quay trái… rồi mới đi dập lửa mà phải vào ngay vị trí để thực hiện nhiệm vụ. Hiện Luật QLT cũng đang dần đi vào cuộc sống, tôi đề nghị các đồng chí chủ động phối hợp với Vụ Pháp chế của Bộ Tài chính để xem xét, liệu có thể kiến nghị Bộ trưởng ban hành nghị quyết điều hành mà vẫn tạo điều kiện cho anh em cán bộ thực thi tốt nhiệm vụ được không? Bộ và Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ những vấn đề còn vướng để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực thi đúng pháp luật, đảm bảo thu thuế đúng và đủ”.
( Theo Tổng cục Hải Quan )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com