Có mặt trên các bưu kiện hay thậm chí cả trên mình những con bò ở Ấn Độ; được cấy trên cơ thể những khách VIP của một số quán bar ở Tây Ban Nha, nó còn được gắn vào trẻ em như là một phần của các biện pháp giám sát chống bắt cóc tại Philippines... Và gần đây nhất, nó đã được cấy vào cơ thể của nhiều quan chức Chính phủ Mexico vì lý do an ninh và chống tha hóa. Sắp tới, có thể nó sẽ được dùng cho những di dân và khách thợ đến Mỹ để làm việc theo mùa...
Cả thế giới bị theo dõi
Những con chip nhỏ bé (microchip) vốn khá quen thuộc, nó hay được cấy vào động vật hoang dã để theo dõi hoạt động sống của chúng phục vụ nghiên cứu khoa học. Thế nhưng gần đây, nó đã trở thành một công cụ mới khá hữu hiệu của chính phủ một số nước trong lĩnh vực kiểm soát, an ninh, chống tham nhũng, phòng chống khủng bố...
Đi đầu trong việc sử dụng microchip vào các lĩnh vực mới này phải kể đến Mexico. Tổng chưởng lý Rafael de la Concha và gần 160 quan chức cao cấp ngành luật của Mexico là những người đầu tiên tình nguyện cấy microchip vào dưới da cánh tay trong khuôn khổ một kế hoạch nhằm vào khả năng giải thoát an toàn nếu họ bị bắt cóc đồng thời để kiểm soát họ khi ra vào các khu vực an ninh tối mật. Thời gian qua, đã có một số quan chức cao cấp bị bắt cóc đồng thời cũng có hàng loạt quan chức khác bị đồng tiền làm lóa mắt, không ngần ngại đánh cắp thông tin để bán cho những băng nhóm tội phạm có tổ chức. Với việc cấy chip, Chính phủ Mexico hy vọng sẽ giám sát chặt chẽ những ai thâm nhập bất hợp pháp vào các file nhạy cảm.
Đây là một kỹ thuật cấy vi mạch theo phương thức “nhận dạng tần số sóng radio-RFID” vào cơ thể người. Thiết bị nhỏ bé này được bảo vệ trong lớp vỏ thủy tinh hoặc silicol, có thể có nhiều khả năng, phụ thuộc vào phần mềm cài đặt. Giá của nó khoảng 150 - 200USD, khi cấy lên cánh tay, cổ hay bả vai chỉ để lại một vết sẹo nhỏ rất khó phát hiện. Khi ra vào các trụ sở an ninh có chế độ bảo mật nghiêm ngặt, thiết bị kiểm soát chuyên dụng sẽ nhận ra nhanh chóng các con chip này qua tín hiệu radio, nhờ đó mà người ta ngay lập tức xác định được nhân thân người mang chip.
Theo ông Antonio Aceres, Tổng Giám đốc của Solusat - Công ty phân phối vi mạch tại Mexico, một số nhân viên an ninh khác cùng các thành viên quan trọng trong quân đội và cảnh sát Mexico đã được cấy chip này. Chip cũng được một số doanh nghiệp sử dụng để theo dõi vị trí và sự di chuyển của nhân viên. Sắp tới có thể Văn phòng Tổng thống cũng áp dụng biện pháp an ninh trên. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Ông Aceves còn cho biết thêm: Công ty của ông đã tạo ra những con chip đời mới được kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh GPS, giúp xác định vị trí của bất kỳ người nào mang chip dù họ ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào. Sau sự kiện tấn công khủng bố 11.9, chính những khó khăn trong việc tìm kiếm và nhận diện nạn nhân đã khiến công ty quyết định cải tiến để có thể cấy thiết bị này trên người. Những con chip sẽ cung cấp cho người quản lý những thông tin cần kiểm soát, bao gồm cả những thông tin nhạy cảm. Ở Mexico, các chip định vị hệ thống toàn cầu cũng đã được gắn trên đồ trang sức quý thậm chí trên cả quần áo. Tháng 3 vừa qua, chính quyền Mexico đã phá một đường dây bắt cóc trẻ em nhờ nạn nhân có mang trong mình con chip có chức năng định vị.
Một thị trường đầy tiềm năng
Có thể nói, thị trường tiềm năng của những vi chip hiện đang phát triển nhanh chóng, một phần là nhờ sự hỗ trợ và đồng thuận của các Chính phủ, đặc biệt là Chính phủ một số nước châu Á. Chẳng hạn Công ty Bưu chính Ấn Độ India Post đã lên kế hoạch chi khoảng 2.300 triệu Rupee/năm cho hệ thống kiểm soát bằng vi chip với nhiệm vụ theo dõi việc vận chuyển bưu phẩm và thư tín. Chính quyền bang Gujarat thuộc miền Tây Ấn Độ cũng thông báo đang điều tra việc triển khai gắn vi chip theo dõi trên 150.000 con gia súc nhằm ngăn chặn việc gian lận trong vay nợ hoặc đòi bồi thường từ bảo hiểm gia súc. Tại Trung Quốc, việc đẩy mạnh ứng dụng của chip theo dõi trong Olympic 2008 diễn ra tại Bắc Kinh cũng là cơ hội thuận lợi để phát triển rầm rộ công nghệ này.
Còn tại Mỹ, mới đây, Bill Christensen, ký giả tờ báo mạng Live Science đã tiết lộ: Chính phủ Hoa Kỳ đang dự định sẽ cấy các con chip này vào cơ thể của các di dân và khách thợ nhằm kiểm soát và ngăn ngừa khủng bố. Bài báo viết như sau: Tổng thống Colombia Alvaro Uribe trong một chuyến thăm Hoa Kỳ đã lưu ý thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jeff Sessions (Alabama) và Arlen Specter (Pennsylavania) rằng các microchip có thể được sử dụng để theo dõi những người thợ làm việc theo mùa. Ngay sau đó, thượng nghị sĩ Specter đã phát biểu trước Quốc hội rằng: “Tổng thống Uribe đã từng gợi ý chúng ta nên cân nhắc việc cấy những con chip thật nhỏ vào cơ thể của những người thợ Colombia trước khi họ được phép vào Hoa Kỳ làm việc theo mùa”.
Trong khi một số chủ trương của các “anh lớn” và giới lãnh đạo đề xuất việc mở rộng sử dụng microchip gắn lên người thì nhiều người thuộc phe tự do hay thường dân lại thẳng thừng từ chối biện pháp này. Họ cho rằng đó là một hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư và tự do cá nhân. Hiện tại những người sử dụng lao động tại California sẽ bị coi là vi phạm pháp luật nếu ép buộc nhân viên của mình cấy microchip. Ngày 12.10.2007, Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger đã ký bản Dự luật thượng viện 362, nghiêm cấm giới chủ cấy chip vi mạch để kiểm soát người lao động. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2008. Trước California, hai bang Wisconsin và North Dakota cũng đã ban hành luật cấm như trên.
(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com