Một viện nghiên cứu năng lượng tại Ấn Độ, đã phát động chương trình sử dụng đèn treo dùng năng lượng mặt trời để đem ánh sáng điện tới cho hằng triệu người ở nông thôn. Hiện tại gần 400 triệu người tại Ấn Độ chưa có điện để sử dụng.
Khi màn đêm đổ xuống thì mọi sinh hoạt hầu như ngưng đọng tại hàng ngàn ngôi làng trên khắp Ấn Độ. Lý do là vì các làng đó không có điện mà dân chúng thì không đủ khả năng tài chánh để dùng đèn dầu hỏa quá lâu.
Nhưng khuôn mẫu sinh hoạt kéo dài từ bao đời này đã thay đổi tại khoảng 40 làng, nơi nhà cửa tại nông thôn đã bắt đầu sử dụng đèn năng lượng mặt trời do Viện Nghiên Cứu Năng Lượng có trụ sở tại New Delhi gọi tắt là 'TERI' chế tạo. Những làng vừa kể bắt đầu có đôi chút rộn ràng của sinh hoạt, ngay cả khi màn đêm đã rơi xuống. Trẻ em học bài buổi tối, các tiệm buôn còn mở cửa và phụ nữ tiếp tục làm việc nhà.
Những chiếc đèn này giá hơn 100 đô la và như vậy là quá đắt để dân làng có thể mua. Vì vậy dân quê thuê đèn này để sử dụng với giá khoảng 5 cent một ngày. Những đèn năng lượng mặt trời này có thể soi sáng một một căn nhà nhỏ ở thôn quê khoảng bốn giờ đồng hồ, và có thể được 'sạc' lại điện từ một tấm hứng năng lượng mặt trời.
Dự án đem đèn năng lượng mặt trời tới khắp thôn quê Ấn Độ nằm trong sáng kiến của viện TERI có tên là 'Ánh Sáng Cho Một Tỷ Người'. Theo ước tính thì hiện nay có khoảng một tỷ rưỡi người trên thế giới không có điện để sử dụng. Một phần tư của số người này sinh sống tại Ấn Độ.
Nhà hoạt động môi trường R.K. Pachauri, lãnh đạo viện TERI và là Chủ tịch ủy ban liên chính phủ về khí hậu thay đổi của Liên Hiệp Quốc, nói rằng, dự án này có tiềm năng to lớn để thay đổi đời sống nhiều người.
Ông Pachauri nói: "Khi mặt trời lặn rồi thì một số đông dân chúng thôn quê không nhìn thấy gì khác ngoài bóng tối. Giờ đây chúng ta phải chờ để thiết lập các nhà máy nhiệt điện, nới rộng mạng lưới điện tới thôn quê và với mức nghèo khổ của dân chúng hiện nay thì tôi không dám chắc là mọi người có đủ khả năng tài chánh để mắc điện vào nhà hay không. Nhưng kỹ thuật ngày nay cho phép chúng ta đem lại ánh sáng cho những ngôi nhà này qua việc sử dụng các loại đèn và đuốc dùng năng lượng mặt trời. Chúng tôi tin rằng đây là điều mà xã hội loài người phải cấp bách theo đuổi. Và riêng Ấn Độ thì lại càng phải cấp bách theo đuổi."
Ông Pachauri nói rằng, viện TERI đã chỉ thực hiện bước khởi đầu khiêm tốn và cần sự ủng hộ của mọi người để có thể đem lại ánh sáng cho 75 triệu ngôi nhà tại Ấn Độ hiện chưa có điện để sử dụng.
Ông Pachauri nói rằng, đèn năng lượng mặt trời cũng sẽ giúp giaỉ quyết vấn đề ưu tiên mới nhất của thế giới là khí hậu thay đổi. Khí carbon dioxide do đèn dầu hỏa thải ra không nhưng gây phương hại cho sức khỏe dân chúng thôn quê mà còn làm tăng thêm khí thải carbon trong khí quyển.
Ông đưa ra ý kiến rằng một phần ngân khoản mà chính phủ dành cho việc trợ cấp giá dầu hỏa tăng cao có thể được sử dụng để cung cấp đèn năng lượng mặt trời cho các làng.
Viện TERI không phải là cơ quan đầu tiên phát triển đèn năng lượng mặt trời. Chính phủ Ấn Độ cũng đã chế tạo đèn năng lượng mặt trời, nhưng vì chi phí quá cao nên đèn này chưa tới được với dân nghèo.
Chính phủ Ấn Độ nói rằng họ muốn bớt lệ thuộc vào những nguồn năng lượng quy ước như than đá và dầu hỏa, và dồn mọi nỗ lực để thúc đẩy việc phát triển năng lượng mặt trời tại nước họ.
( Theo VOA )
Bài thuộc chuyên đề: Ấn Độ - Thông tin kinh tế
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com