Trong tương lai không xa, người Việt Nam sẽ được sử dụng loại pin cho chiếu sáng, điện thoại, máy tính, xe đạp... mà không cần nạp điện.
Đây chính là loại pin do tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, phòng vật liệu mới và cấu trúc nano, thuộc Viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu, sản xuất.
Sản xuất pin nhiên liệu trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Thái Ngọc.
Để có thể làm chủ loại pin có nhiều ưu việt này, tiến sĩ Tuấn bắt tay vào nghiên cứu pin nhiên liệu sử dụng cồn methanol. Sau 2 năm với không ít lần thất bại, ông cho ra đời nhiều loại cấu trúc pin sử dụng nhiên liệu methanol với hiệu suất chuyển hóa điện năng đạt gần 50%. Kết quả thử nghiệm cho thấy, chỉ cần 3ml methanol pin có thể thắp được một bóng đèn LED 20mW trong thời gian 4 giờ.
Theo tiến sĩ Tuấn, pin nhiên liệu methanol có tính ứng dụng và khả thi cho các thiết bị cầm tay: máy nghe nhạc, điện thoại, máy tính... thậm chí cho cả xe hơi. Đặc biệt, pin có ưu điểm: nhiệt độ làm việc thấp, an toàn trong tồn trữ, vận chuyển, thời gian hoạt động của pin vẫn cao.
Một điểm nổi trội của pin nhiên liệu chính là ứng dụng công nghệ nano và các vật liệu không gây nguy hại. Pin có tuổi thọ hàng chục năm, khi không còn sử dụng có thể tái chế gần như hoàn toàn và các chất thải sau quá trình chuyển hóa điện năng chỉ là nước. Do vậy, có thể nói đây là loại pin sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn đang hoàn thành nghiên cứu ứng dụng để có thể thương mại hóa sản phẩm này sử dụng cho điện thoại di động và máy tính xách tay. Tiến tới, ông sẽ nghiên cứu để sản xuất pin nhiêu liệu cho xe buýt và taxi.
Theo báo Khoahoc
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com