Rùa kêu cứu
Theo thống kê của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), từ năm 2005 đến nay đã xảy ra 434 vụ săn bắt, buôn bán và vận chuyển trái phép các loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Trong đó có 163 vụ buôn lậu, tổng trọng lượng ước tính hơn 25 tấn rùa, tương đương số lượng hơn 3.000 cá thể rùa. Trên thực tế, con số này còn cao hơn gấp nhiều lần. Ngay tại Trung tâm cứu hộ rùa Cúc Phương cũng đã xảy ra những vụ mất trộm rùa với số lượng lớn. Ðiển hình là vụ mất 124 con rùa thuộc nhiều loài quý hiếm trong năm 2003.
Một trong những hành động tiếp tay cho các vụ buôn bán rùa trái phép chính là việc mua và nuôi rùa cảnh. Nhiều người cho là nuôi rùa trong nhà sẽ may mắn vì rùa là loài sống lâu. Việc nuôi rùa như một thú chơi sinh vật cảnh đã không còn là chuyện hiếm gặp. Có cầu ắt có cung. Rùa được bán công khai từ cổng trường học đến các gian chợ. Học sinh thấy con rùa "ngộ ngộ" mua về chơi thử. Người lớn nghe bảo nuôi rùa thì trường phúc trường thọ cũng mua về "cho hợp phong thủy". Nhưng chơi rùa mãi cũng chán, bỏ đi, chơi thứ khác. Nuôi mãi mà rùa yếu sắp chết, thấy điềm gở thì phải nhanh nhanh đem cho hoặc vứt vào xe rác. Nhiều người đã mua và nuôi rùa như thế.
Một con rùa, bất kể là loài quý hiếm có tên trong sách Ðỏ hay không, cũng là một sinh vật hoang dã. Nuôi nhốt rùa vốn đã là việc làm thay đổi nghiêm trọng môi trường sống tự nhiên của chúng, hơn nữa lại còn làm mất đi một mắt xích trong chuỗi thức ăn tự nhiên. Những cá thể rùa sống đơn độc trong các gia đình khó lòng ghép đôi để sinh sản sẽ làm mất đi ít nhất hai thế hệ rùa trong tự nhiên. Cái giá đó là quá đắt cho một tình yêu rùa rất ích kỷ của con người. Rùa đã kêu cứu nhưng dường như con người vẫn còn thờ ơ.
Nhân giống và ấp nở nhân tạo rùa
Từ thực trạng trên, những người yêu rùa, có nhiệt huyết bảo tồn và giữ nguồn gien các loài rùa quý đã quyết định nghiên cứu, nhân giống và ấp nở nhân tạo rùa. Gần mười năm, Trung tâm cứu hộ rùa nước ngọt Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện công việc nhân giống rùa và đạt được những thành công bất ngờ. Nhiều giống rùa quý đã lần lượt ra đời trước sự ngạc nhiên của những người bảo tồn rùa thế giới. Trong đó thành quả đáng kể nhất là cho ấp nở thành công loài rùa Trung Bộ, vốn được thế giới cho là tiệt chủng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Từ việc không còn rùa Trung Bộ trong tự nhiên, giờ đây chúng ta đã lưu giữ được hơn 100 cá thể và tương lai sẽ còn nhiều hơn thế. Ông Bùi Ðăng Phong, phụ trách trung tâm, cũng là người trực tiếp làm công tác ấp nở rùa cho biết: "Hiện nay trung tâm đã tiến hành nhân giống thành công bảy loài với trên dưới 100 trứng nở mỗi năm".
Cũng là nuôi rùa nhưng các nhân viên của Trung tâm cứu hộ rùa ở Cúc Phương lại bảo "phải chăm chút kỹ lắm, hơn cả nuôi con mọn". Rùa ở đây được ấp trong những lồng kính rải xốp và cỏ lác để giữ nhiệt và độ ẩm. Trứng rùa khi ấp hơn 30 độ thì nở ra rùa cái, còn dưới 28 độ thì nở ra rùa đực. Vì thế việc ấp trứng không chỉ đơn giản để rùa nở được mà còn phải kiểm tra nghiêm ngặt để cân bằng lượng rùa đực và cái. Rùa nở ra từ lúc nuôi trong hộp nhựa đến lúc thả vào bể rồi đem ra rừng là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức. Ngày nào các nhân viên cũng phải kiểm tra thức ăn, đo mực nước để không cao quá 2 cm so với mai rùa, dọn bể thả bèo để rùa không bị ký sinh gây bệnh,... Nuôi vất vả như thế nhưng cũng phải đợi 60 đến 70 năm mới hy vọng có được một con rùa trưởng thành - thành quả cuối cùng cho một lần nhân giống rùa.