Đây là câu hỏi được Bộ Thông tin và Truyền đặt ra, tìm câu trả lời từ việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp viễn thông, CNTT hàng đầu của Việt Nam trong buổi toạ đàm về thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam sáng 23/12 tại Hà Nội.
Những con số khả quan
Theo bản báo cáo Hiện trạng và Định hướng phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam do Vụ Công nghệ thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, toàn ngành công nghiệp CNTT Việt Nam luôn có mức tăng trưởng trên 20-25% từ năm 2000 trở lại đây. Tổng doanh thu năm 2008 đạt 5,22 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2007.
Ước tính, năm 2009 tốc độ tăng trưởng sẽ giảm hơn so với năm 2008 song vẫn đạt được gần 20% với mức doanh thu toàn ngành khoảng 6,26 tỷ USD. Bản báo cáo cho thấy công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính đang chiếm tỷ trọng lớn, doanh thu bình quân trên mỗi lao động cao, song đây lại là lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, tỷ suất lợi nhuận ít hơn nhiều so với ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số.
Ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình trong vòng 10 năm tới 35%. Năm 2008 doanh thu đạt 680 triệu USD trong đó nội địa là 470 triệu USD và xuất khẩu đạt 210 triệu USD. Dự báo năm 2009 sẽ đạt tới 880 triệu USD.
Mặc dù thời gian phát triển chưa lâu, nhưng ngành công nghiệp nội dung số còn có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn. Sự phát triển của công nghiệp nội dung số được đánh giá là bủng nổ với tốc độ tăng trưởng trên 55%/năm. Nếu như năm 2008 doanh số đạt 440 triệu USD thì dự báo năm 2009 sẽ đạt 700 triệu USD. Các lĩnh vực chính đem về doanh thu cho ngành này là nội dung số cho mạng di động; nội dung số trên Internet; giải trí điện tử và thương mại điện tử.
Ngành công nghiệp nội dung số được đánh giá hứa hẹn còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi mà Internet băng thông rộng và di động 3G đang bắt đầu phát triển ở Việt Nam.
Nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng
Công nghiệp CNTT Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, thực sự trở thành một ngành kinh tế, được ghi nhận trên bản đồ CNTT thế giới… tuy nhiên, đại diện của Vụ Công nghệ thông tin cũng phải thừa nhận, tới giờ, vẫn chưa có được chính sách thực sự hiệu quả để thị trường trong nước trở thành bàn đạp cho việc hình thành các doanh nghiệp lớn đủ sức cạnh tranh để tiến ra nước ngoài.
Nếu như ngành công nghiệp điện tử, phần cứng hiện chiếm tỷ lệ khá cao trong ngành công nghiệp CNTT, tuy nhiên giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn, lắp ráp là chủ yếu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, chưa có đầu tư vào công nghệ lõi.
Còn công nghiệp phần mềm, dù tốc độ phát triển tương đối nhanh nhưng quy mô ngành vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa có những sản phẩm trọng điểm, cốt lõi của Việt Nam.
Công nghiệp nội dung số hứa hẹn tương lai rộng mở nhưng vẫn phát triển theo xu hướng thị trường, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ mang tính giải trí. Hiện giờ các sản phẩm nội dung số nhập ngoại vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các sản phẩm được phát hành. Các dịch vụ về nội dung cho giáo dục, y tế điện tử, hành chính công chưa phát triển và chưa được đầu tư đúng mức.
Lời giải nào hợp lý?
Biết rằng những gì đã đạt được dù khả quan song vẫn chưa xứng với tiềm năng thực sự có thể, mục tiêu mà ngành công nghiệp CNTT đặt ra còn nhiều hơn thế, kỳ vọng lớn hơn thế. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán này lại không phải dễ dàng. Ngay trong buổi toạ đàm, đã có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau được các đại biểu đưa ra.
Đại diện của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam bảo vệ quan điểm của mình với 4 toa tàu quan trọng của đoàn tàu Công nghiệp CNTT bao gồm công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số và công nghiệp viễn thông, nên chọn cách phát triển công nghiệp phần cứng - đây là cách nhanh nhất để có thể kéo cả đoàn tàu tiến về phía trước. Theo vị đại diện này, nếu ưu tiên phát triển công nghiệp phần cứng và đưa các giá trị gia tăng của phần cứng vào phát triển, chắc chắn cả ngành công nghiệp CNTT sẽ đi lên rất nhiều.
Không phủ nhận việc phải chú trọng phát triển công nghiệp phần cứng, song với ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, để phát triển được công nghiệp phần cứng trước hết phải kiểm soát được lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Cũng phải lưu ý rằng, nếu muốn phát triển công nghiệp phần mềm mạnh thì Việt Nam phải có những công ty phần mềm mạnh. Cùng với đó, các dự án đầu tư của Chính phủ cho ngành công nghiệp này cần phải có sự cam kết để doanh nghiệp yên tâm triển khai thực hiện.
Được biết, hiện giờ, quan điểm, mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong từng giai đoạn đã được vạch ra. Theo đó, từ năm 2011 đến 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động gia công xuất khẩu phần mềm. Mở rộng sang các dịch vụ gia công quy trình dựa trên nền CNTT; tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển để có một số sản phẩm phần mềm, nội dung cốt lõi, thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh. Bước đầu chuyển từ lắp ráp các sản phẩm phần cứng - điện tử sang sản xuất linh kiện, phụ tùng, đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm; Giai đoạn 2016 - 2020 còn được đặt ra nhiều mục tiêu hơn trong đó chú trọng đầu tư và phát triển các sản phẩm CNTT gắn kết cả phần cứng và phần mềm mang thương hiệu Việt.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã khẳng định tại buổi toạ đàm, một trong những việc lớn mà ngành công nghiệp CNTT Việt Nam thực hiện trong thời gian tới đó là phải chuyển hẳn, chuyển mạnh nhận thức về phát triển công nghiệp CNTT. Không làm việc này Việt Nam khó mà có thể tiến nhanh, làm chủ và phát triển thương hiệu Việt Nam.
Thiết nghĩ, với sự đồng lòng từ phía cơ quan quản lý tới các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp, dù các ý kiến còn chưa thống nhất song với quan điểm xây dựng, phát triển, ngành công nghiệp CNTT sẽ sớm tìm ra được một hướng đi, chiến lược đúng đắn trong thời gian tới.
(Theo Vnmedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com