Khi lập hợp đồng vận tải quốc tế không thể tách ra thế nào là cước mua vào và cước bán ra |
Như DĐDN đã thông tin, các DN đã rất bức xúc khi Bộ Tài chính yêu cầu tách riêng giá bán cước và giá mua cước để thu thuế.
TGĐ Cty CP kho vận miền Nam - Hoàng Quyến cho rằng: Dịch vụ vận tải quốc tế (VTQT) là dịch vụ toàn chặng từ nước ngoài về VN và ngược lại. Do đó, việc tách riêng giá bán cước và giá mua cước để áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước VTQT như Công văn 15448/BTC-TCT nêu là không hợp lý. Thuế suất thuế GTGT đối với cước VTQT áp dụng giữa các hãng tàu, hãng hàng không và các đơn vị cung ứng dịch vụ cước VTQT không thống nhất, vì các hãng tàu, hãng hàng không được hưởng mức thuế suất 0% đối với chặng VTQT, trong khi các Cty kinh doanh dịch vụ cước VTQT phải chịu mức thuế suất GTGT 10% trên chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước. Đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành logistics VN nói chung và các Cty giao nhận vận tải nói riêng.
Đồng tình với ông Quyến, ông Nguyễn Nam Tiến – TGĐ Cty Vinalink còn khẳng định: Công văn này không thực tế là ở chỗ hình thức thanh toán quyết định đo lường như thế nào ? Điều này rất vô lý, vì nếu không thanh toán qua ngân hàng thì không được áp dụng thuế suất 0%. Vậy nếu khách hàng mang tiền mặt đến thanh toán chả lẽ DN từ chối không nhận. Quan trọng hơn, thông tư này trái luật ở chỗ là thuế suất 0% áp dụng cho VTQT phải do Quốc hội quyết định, chứ không phải Chính phủ, Quốc hội quyết định loại dịch vụ nào thuế suất bao nhiêu %. Hướng dẫn của Chính phủ cũng phải đúng theo luật chứ không thể nói hình thức thanh toán quy định thiếu sót. Ông Tiến còn bức xúc: “Tôi thấy trong công văn này không xuất hiện một từ nào đề mua bán cước mà chỉ nêu hoạt động phân khúc. Như vậy xem các DN như “cò”, vì các văn bản trước đây đều ghi vận tải trực tiếp hay gián tiếp được gọi chung là VTQT đều không chịu thuế GTGT. Hơn nữa, khi lập hợp đồng không thể tách ra thế nào là cước mua vào và cước bán ra. Dịch vụ không phải mua rau, mua 5 ngàn đồng về bán 7 ngàn đồng. Hoạt động của DN đâu phải hoạt động từ cảng đến cảng hay từ sân bay đến sân bay, vì tham gia VTQT đâu phải chỉ một hãng tàu hay một hãng hàng không mà còn nhiều đơn vị khác nữa. Vấn đề nữa là đối với ngành khác trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng, còn dưới thì thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi dịch vụ VTQT bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng cho dù số tiền nhỏ hơn rất nhiều so với 20 triệu đồng. Như vậy thật vô lý.
Theo ông Đào Trọng Khoa – GĐ Cty Giao nhận Biển Đông: Công văn số 15448/BTC-TCT ngày 2/11/2009 của Bộ Tài chính mâu thuẫn với các CV mà BTC đưa ra trước đó. Không chỉ có vậy, với CV 15448/BTC-TCT thì các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại như: Không thể xuất hóa đơn GTGT trong đó thể hiện giá vốn và giá chênh lệch cho khách hàng; không thể suất hóa đơn thể hiện 2 mức thuế xuất khác nhau, như vậy các DNVN sẽ không cạnh tranh được với các hãng tàu, Cty giao nhận nước ngoài. Từ những khó khăn trên, DN chúng tôi mong muốn Chính phủ cho thực hiện theo tinh thần của CV 12987/BTC-TCT là toàn bộ cước VTQT thuế suất thuế GTGT 0%, không phân biệt cung ứng trực tiếp hay thuê lại và không phân biệt thanh toán qua ngân hàng hay tiền mặt. Ông Nguyễn Văn Vinh – GĐ Cty cổ phần SDB VN : VTQT là dịch vụ toàn chặng từ nước ngoài về VN và ngược lại, kể cả chặng nội địa vì VTQT bao gồm cả chặng nội địa, do đó việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% chênh lệch giữa giá bán và giá mua cước VTQT là bất hợp lý. Trong khi đó, căn cứ theo Thông tư số 129/2008/TT-BTC và Luật thuế GTGT thì cước VTQT được hưởng thuế suất thuế GTGT là 0%. Như vậy Công văn số 15448/BTC-TCT của Bộ Tài chính chưa phù hợp với luật về thuế GTGT. |
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com