Từ chối mức lương hậu hĩnh của một tập đoàn chuyên kinh doanh khách sạn ở Úc, ông Trần Đạt Duy quyết định về Việt Nam.
Hiện ông là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Du lịch Kiên Giang; Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Thành công với nhiều dự án du lịch, nhưng dự án 1.000 ha mía tại Tứ giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Giang) làm ông mất ăn mất ngủ nhiều nhất.
Ông Trần Đạt Duy trên ruộng mía ở Tứ giác Long Xuyên -Ảnh: Hồng Lĩnh |
Sinh ra ở Bạc Liêu, năm 1983 Trần Đạt Duy đang học chuyên toán năm thứ nhất tại Đại học Tổng hợp TPHCM, cùng lớp với Lê Bá Khánh Trình đến từ Quốc học Huế thì sang Úc.
Ở Úc, ông Duy khi đó vừa học vừa làm thêm, rửa chén bát cho nhà hàng, cắt cỏ. Sau đó, Duy học Đại học Quản trị kinh doanh.
Năm 1985, Duy chuẩn bị ra trường thì một tập đoàn chuyên kinh doanh khách sạn đã chọn Duy để tài trợ học bổng giúp học thêm hai năm nữa nhưng khi ra trường phải phục vụ ít nhất 5 năm cho tập đoàn.
Đến năm 1992, Duy quyết định về Việt Nam với mong muốn làm cái gì đó cho quê hương.
Từ năm 1995, khi Chính phủ thực hiện Chương trình một triệu tấn đường. Ông Đạt Duy làm môi giới bảo lãnh về tài chính. Hồi ở Úc ông đã có tìm hiểu về mía đường. Có thể nói, trên thế giới khó có quốc gia nào có thể cạnh tranh về giá cả với ngành mía đường ở Úc.
Thế nhưng, ông Duy cho rằng áp dụng phương pháp sản xuất của Úc vào Việt Nam rất khó, vì cái sai của mình từ khâu qui hoạch. Nhà máy đường mà xây gần khu đô thị, dân cư, không có vùng nguyên liệu thì làm sao hoạt động hiệu quả.
Ông Duy tự nhủ, giá như nhà máy đường Kiên Giang hồi ấy xây dựng tại Tứ giác Long Xuyên thì hay biết bao. Bây giờ di dời tốn kém gần bằng đầu tư nhà máy mới.
Qui hoạch khoảng 10.000 ha nguyên liệu quanh nhà máy, bố trí dân cư, lao động, tạo thành một vùng chuyên canh, sản xuất liên hoàn, khép kín, giảm chi phí vận chuyển.
Nhà máy đường Kiên Giang xây dựng xong, thiếu nguyên liệu, lãnh đạo tỉnh này đã nhờ ông Duy đầu tư phát triển cây mía tại Tứ giác Long Xuyên, ông đã nhận 1.000 ha đất tại đây.
Sau đó ông Việt kiều đã đầu tư bờ bao, hệ thống kinh mương, tưới tiêu, điện với tổng chi phí gần 40 tỷ đồng. Năng suất mía bình quân 60 tấn/ha. Khoảng 200 lao động thường xuyên làm việc ở trang trại.
Trước khi trồng 1.000 ha mía ở Kiên Giang, ông Duy chung vốn với anh em trồng 300 ha tại Tây Ninh, 200 ha tại Phú Yên và 600 ha tại Bình Thuận.
“Khi tôi lập dự án 1.000 ha mía, một số doanh nghiệp cũng xin tỉnh cấp đất trồng mía, thực tế chẳng ai trồng mía cả. Trồng được cây mía trên đất này cũng chua lắm. Mùa khô phải bơm nước vừa tưới cho mía vừa ngăn không cho phèn xì lên. Mùa mưa lại bơm nước ra để chống úng, rửa phèn…”- Ông Duy nhớ lại.
Theo ông Duy thì đầu tư cho nông nghiệp, nhất là cây mía mà nói có lợi ngay là không thể. “Cũng có người gạ tôi bán lại cả trăm tỷ đồng nhưng tôi không bán”.
Sắp tới, ông Duy dự kiến xây dựng khu du lịch trên vùng Tứ giác Long Xuyên, trong đó có vườn cây ăn trái, hồ cá, và đặc biệt là các sản vật mùa nước nổi.
(Theo Hồng Lĩnh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com