Công nhân vận hành máy sản xuất thùng carton tại nhà máy của Công ty Đông Nam Việt. Ảnh Uyên Viễn. |
Công ty TNHH Bao bì Đông Nam Việt, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất bao bì, thùng carton sóng, đã làm các thành viên trong Hiệp hội Bao bì Việt Nam (Vinpas) bất ngờ khi kể ra thất bại trong việc áp dụng phương pháp 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, sẵn sàng, sâu sát) vào năm 2006. Bại không nản, gần ba năm sau họ đã vượt qua “cái bóng của chính mình” và triển khai thành công 5S, đồng thời trở thành đơn vị đầu tiên của Vinpas áp dụng thí điểm thành công hệ thống sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing).
Quyết tâm trong sự chủ quan
Năm 2006, tức sau ba năm thành lập, Đông Nam Việt lần đầu tiên áp dụng 5S nhằm loại bỏ những lãng phí trong quá trình sản xuất. Cũng trong năm đó, công ty còn áp dụng hệ thống quản lý ISO 9000, phiên bản 2000.
Điều trớ trêu là khi bắt đầu tự thực hành 5S, thay vì hàng tuần lãnh đạo công ty phải cử người xuống nhà máy giám sát thì họ lại quên làm việc này. Một phó giám đốc công ty nhớ lại: “Mang tiếng là triển khai 5S nhưng những người có trách nhiệm lại lúng túng, không biết triển khai như thế nào cho hợp lý. Công nhân thì toàn là dân quê nên cũng chẳng hiểu gì về 5S để áp dụng vào công việc. Ở các tổ sản xuất cũng không gắn bảng hiển thị trực quan để theo dõi quy trình vận hành, vận chuyển, hàng tồn, nguyên liệu… Do đó, thất bại là tất yếu”.
Nghiền ngẫm suốt hai năm sau đó về “bài học đầu tiên”, tháng 7-2008, Đông Nam Việt triển khai thực hiện 5S lần hai. Những sai sót ở lần áp dụng trước không còn lặp lại, dù không nhờ đến đơn vị tư vấn.
Sự thành công lần này, theo ông Lê Trung Quân, Phó giám đốc sản xuất, là do lãnh đạo và nhân viên đều đồng lòng hưởng ứng, hàng tuần đều tổ chức đánh giá lại cách triển khai. Từ kết quả ban đầu, nhà máy, kho xưởng… đều được sắp xếp thoáng đãng, môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, tâm lý của cán bộ công nhân làm việc thoải mái hơn trước, năng suất tăng lên. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thỏa mãn. Bởi lẽ vẫn mất nhiều thời gian cho quy trình sản xuất, công nhân tốn nhiều thời gian di chuyển trong lúc làm việc, các công đoạn sản xuất phải chờ đợi nhau, chưa có tiêu chuẩn hóa công việc …
Nhẫn nại để thành công
Với kết quả ban đầu của Đông Nam Việt, dù chưa trọn vẹn, đầu năm 2009, “công ty mẹ” là Tổng công ty Liksin (TPHCM) đã đề xuất với Vinpas chọn một trong 120 doanh nghiệp thành viên Vinpas thí điểm mô hình sản xuất tinh gọn.
Ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Vinpas, cho biết sở dĩ hội chọn Đông Nam Việt vì đơn vị này đã thực hiện được ISO 9000:2000 và công cụ quản lý 5S. “Đây là đơn vị có năng lực tầm trung về doanh thu, thương hiệu và nhân lực, ngành nghề sản xuất lại không quá phức tạp, sản phẩm chỉ ở mức vừa phải, cung đường di chuyển cũng không quá xa, cách TPHCM khoảng 70 ki lô mét”, ông Sang nói. Với tổng số lao động khoảng 150 người, doanh thu năm 2008 của Đông Nam Việt đạt gần 62 tỉ đồng.
Tháng 4-2009, Đông Nam Việt chính thức triển khai mô hình sản xuất tinh gọn nhằm loại bỏ tất cả những lãng phí trong quá trình sản xuất. Ông Lê Trung Quân cho biết mục tiêu của công ty là tăng năng suất lao động 8-10%, giảm tồn kho 30%, xây dựng hệ thống quản lý theo 5S và quản lý trực quan.
“Tuần đầu tiên áp dụng “Lean” và đánh giá công tác quản lý trực quan, Đông Nam Việt chỉ đạt được 10 điểm “ân huệ”/100 điểm”, ông Quân nói với giọng hóm hỉnh. Mọi thử thách vẫn đang chờ ở phía trước. Lần này, lãnh đạo công ty đã cử một số thành viên ban giám đốc tham gia ban dự án sản xuất tinh giản, đồng thời tham gia khóa huấn luyện hai ngày mỗi tuần với nhân viên, trưởng các bộ phận. Để bổ sung cho phần lý thuyết học được, ban dự án còn quay phim, chụp ảnh quy trình làm việc trước và sau khi vận dụng sản xuất tinh giản. Hàng tuần, ban đều có buổi họp về “Lean” để rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cho tuần sau, đồng thời còn tổ chức chấm điểm các hoạt động 5S và quản lý trực quan, xây dựng tiêu chuẩn làm việc cho nhân viên.
“Trước đây nhà máy chỉ sản xuất được 2.500 thùng đựng thanh long/ca. Sau ba tháng áp dụng sản xuất tinh giản song song với 5S, năng lực sản xuất đã được cải thiện rất nhiều, đạt 4.000-5.000 thùng/ca, đáp ứng yêu cầu về thời gian của khách hàng”, ông Quân cho biết. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, chuyên viên tư vấn “Lean” của Công ty ManaGene, có những doanh nghiệp khi triển khai “Lean” thường không thể hiện được sự đột phá trong cách thể hiện, họ thích làm theo những gì mà đơn vị tư vấn đưa ra hoặc không có sự định hướng cho nhân viên. Đối với Đông Nam Việt thì hoàn toàn khác. Ông Tuấn kể: “Sau khi hướng dẫn lý thuyết cách cải tiến tại tổ máy sóng, hai tuần sau tôi trở lại nhà máy của Đông Nam Việt, thật bất ngờ, ban dự án và nhân viên đã thể hiện sự đột phá của mình ở những chi tiết mà tôi chưa hề đề cập đến. Họ chuyển đổi ca và chuẩn bị thời gian sản xuất hàng ngày, giúp hiệu suất sử dụng máy tăng 8,95%, tạo ra giá trị làm lợi trên 500 triệu đồng/năm”.
Tại nhà máy của Đông Nam Việt, mỗi tháng trôi qua, các bộ phận thành phẩm, bán thành phẩm, tổ máy sóng, kho bãi… đều thể hiện được sự đổi mới vì số lượng, thông tin được cập nhật, công khai mỗi ngày, góp phần làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho, tiết kiệm không gian và tăng khả năng quay vòng của đồng vốn… Cụ thể, sau khoảng ba tháng thực hiện sản xuất tinh gọn tại các bộ phận, kết quả là giảm tồn kho giấy cuộn, giảm tồn kho vật tư, kho thành phẩm, tăng năng suất bộ phận dán hông và đóng kim thùng carton, tổ máy sóng, tổ máy in… giá trị làm lợi đạt gần 1 tỉ đồng/năm.
Theo ông Cao Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty, tính đến cuối tháng 8-2009, năng suất lao động tại Đông Nam Việt đã tăng 5-10% theo từng khâu, giảm tồn kho từ 30,56-52,41%, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý 5S và hệ thống sản xuất tinh giản. Năm 2009, công ty đặt kế hoạch doanh thu 70 tỉ đồng. Ông Quang cho rằng: “Kết quả đạt được lớn nhất, là đã xây dựng được tinh thần tự giác của mỗi công nhân, ý thức tiết kiệm, vệ sinh công nghiệp…”.
“Thực hiện sản xuất tinh gọn không phải là bỏ ra thật nhiều tiền để mua máy móc, điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết cách tận dụng những gì đang có thật hiệu quả. “Lean” không sợ những người không biết làm mà chỉ sợ người không muốn làm”, ông Tuấn nhận định.
Trước sự thành công của Đông Nam Việt, ông Nguyễn Ngọc Sang cho biết sắp tới Vinpas sẽ tổ chức hội thảo về ứng dụng sản xuất tinh gọn vào sản xuất bao bì, đồng thời mở khóa đào tạo cho hội viên và các doanh nghiệp trong ngành in và bao bì về sản xuất tinh gọn.
(Theo Tường Nguyên // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com