Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thủy điện Hòa Bình - trụ cột của hệ thống điện quốc gia

Toàn cảnh công trình thủy điện Hòa Bình.
Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn nhất hiện nay ở nước ta, là niềm tự hào, đánh dấu những bước đi đầu trên chặng đường CNH, HÐH. Công trình là biểu tượng của tình hữu nghị cao đẹp giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây.

Nhà máy có tám tổ máy với tổng công suất 1.920 MW, mỗi năm cung cấp cho đất nước trung bình hơn 8,16 tỷ kW giờ điện, là công trình điện quan trọng bậc nhất của đất nước trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Sau 21 năm vận hành tổ máy 1, nhà máy đã sản xuất hơn 130 tỷ kW giờ điện, tham gia cắt hơn 100 trận lũ lớn, bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Mặc dù nhiệm vụ phát điện đứng ở vị trí thứ hai song có vai trò cực kỳ quan trọng bởi Thủy điện Hòa Bình có công suất lớn mang tính quyết định, là trụ cột cho hệ thống điện Việt Nam. Những năm trước khi chưa có Thủy điện Hòa Bình, hệ thống điện Việt Nam vừa nhỏ, vừa manh mún, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị cắt điện luân phiên. Từ khi khởi động tổ máy đầu tháng 12-1988 với công suất 240MW, hệ thống điện miền bắc nhanh chóng được cải thiện và khi cả tám tổ máy đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu điện năng ở miền bắc, bắt đầu tình trạng thừa điện. Ðến tháng 5-1994, khi đường dây 500 kV bắc-nam đi vào vận hành, điện Hòa Bình đã cung cấp điện cho miền trung, miền nam, bảo đảm cho đường dây này vận hành ổn định và an toàn. Nhà máy còn tự hào là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân vận hành cho các công trình điện của đất nước như Thủy điện Yaly, Tuyên Quang, Sơn La..., là nơi thực tập cho một số trường đại học chuyên ngành.

Chức năng chính của Thủy điện Hòa Bình là điều tiết nước chống lũ và tưới, tiêu cho đồng bằng, với dung tích hồ chứa 9,5 tỷ m3, trong đó dung tích phòng lũ 5,6 tỷ m3, dung tích hữu ích để khai thác năng lượng là 5,65 tỷ m3,  khả năng điều tiết nước chống hạn, chống lũ sông Ðà được nâng lên, giảm bớt sự tàn phá của thiên tai. Những năm gần đây thiên tai diễn biến phức tạp, như trận lũ ngày 7-1-2003 có đỉnh lũ là 5.300 m3/giây, trong điều kiện hồ chứa Hòa Bình đang tích nước ở mức cao để phục vụ phát điện mùa khô. Trước tình hình đó, nhà máy đã bám sát diễn biến thời tiết, phối hợp chặt chẽ với trung tâm dự báo quốc gia và xử lý đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho hạ du. Mỗi năm, Thủy điện Hòa Bình cắt từ bốn đến sáu trận lũ lớn. Giá trị giao thông đường thủy của công trình cũng rất to lớn, nhờ đó mà tuyến giao thông đường thủy Hà Nội, Việt Trì, Sơn La hơn 300 km được cải thiện. Thủy điện Hòa Bình hài hòa cảnh quan thiên nhiên, trở thành một công trình kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch quan trọng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

Theo thiết kế, khi nhà máy vận hành 100% công suất có thể sản xuất mỗi năm 8,1 tỷ kW giờ điện, tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân, cùng với một số điều kiện khách quan nên sản lượng điện hai năm gần đây luôn vượt thiết kế: năm 2007: 9,1 tỷ kW giờ; năm 2008: gần 10,1 tỷ kW giờ, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, góp phần quan trọng để EVN hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Thành cho biết, nhà máy đang áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa (gồm hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang) nhằm giải quyết tốt hai nhiệm vụ phát điện và điều tiết chống lũ, chống hạn một cách hiệu quả nhất. Thông thường, mực nước tích trong hồ trước thời điểm bắt đầu mùa lũ phải duy trì ở mức 90 m Ỷ 2 m, nhờ phối hợp vận hành liên hồ cùng kinh nghiệm vận hành nhiều năm, nhà máy có thể duy trì mức nước tăng thêm 2 m thành 94 m, bảo đảm mực nước cao khi vận hành vào mùa khô, song đòi hỏi đội ngũ vận hành phải có kinh nghiệm theo dõi, xử lý các tình huống phát sinh, người lãnh đạo phải quyết đoán, có tinh thần trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm. Hiện nay, đập chính được gia cố lõi sét thêm 2 m thành 122 m để tăng khả năng chống thấm, do đó công trình có khả năng chống lũ cực hạn tới 49 nghìn m3/giây.

Năm 2009, Thủy điện Hòa Bình được giao kế hoạch sản xuất 8,9 tỷ kW giờ điện, đến nay, nhà máy đã đạt sản lượng 7,9 tỷ kW giờ. Tuy nhiên, theo dự báo thủy văn thì năm nay lượng nước về hồ Hòa Bình sẽ ít hơn mọi năm, cho nên từ ngày 8-9, nhà máy đã đóng toàn bộ các cửa xả để tích nước cho sản xuất. Ðiều khó khăn cho bất cứ một nhà máy thủy điện nào là sản lượng điện phụ thuộc vào lượng nước về hồ, tức phụ thuộc thiên nhiên. Muốn đạt sản lượng kế hoạch và dự trữ nước cho năm 2010, mực nước trong hồ phải duy trì ít nhất ở mức 116,5 m, trong khi hiện nay, mực nước trong hồ chỉ khoảng 114 m, thấp hơn khoảng 2,7 m so yêu cầu bởi lượng nước về hồ rất ít... Hơn nữa, theo kế hoạch, tháng 5-2010, Nhà máy thủy điện Sơn La sẽ tích nước để cuối năm phát điện tổ máy 1, do đó trong khoảng từ một tuần đến 10 ngày, nước hầu như không về hồ Hòa Bình, càng khó khăn cho việc tích nước sản xuất. Trường hợp nhà máy phải vận hành ở mực nước chết (khoảng 80 m), khi đó nước đục hơn, hệ thống làm mát không hoạt động, tua-bin chạy bị nóng, không khí lọt vào cùng với nước dễ làm các cánh tua-bin bị xâm thực. Nếu phát điện theo đúng kế hoạch được giao thì chắc chắn năm 2010, công ty không bảo đảm được kế hoạch phát điện mùa khô và chống hạn. Do đó, công ty phải tính tới phương án đề nghị EVN điều chỉnh kế hoạch sản lượng năm 2009.

Ðể bảo đảm an toàn cho công trình, hằng năm, một hội đồng tư vấn an toàn về đập do bộ trưởng chủ trì họp hai lần đánh giá về địa chất, quan trắc công trình, thủy lợi, động đất... Giám đốc Nguyễn Văn Thành đánh giá: Thủy điện Hòa Bình là công trình đặc biệt nên được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, theo dõi chặt chẽ và sát sao. Nhờ đó, nhà máy được vận hành ổn định, an toàn, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát điện, điều tiết chống hạn và lũ. Thiết bị của phía bạn thiết kế và chế tạo vận hành qua hàng chục năm vẫn tốt và ổn định, nhất là hệ thống tua-bin. Mỗi năm, nhà máy đại tu luân phiên hai tổ máy. Các quy trình bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều thiết bị đã chạy quá tuổi thọ quy định, cần phải được sửa chữa, thay thế, trong đó có những thiết bị mà LB Nga, U-crai-na không còn sản xuất nữa. Cách đây năm năm, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã yêu cầu đơn vị chuẩn bị phương án thay thế các thiết bị. Theo đó, một số thiết bị phụ trợ đã được chế tạo trong nước như bộ kích thích tổ máy bằng bán dẫn, bộ làm mát máy phát do Công ty Bách Khoa chế tạo đã được thay thế và sử dụng ổn định. Do đó, về lâu dài, các bộ, ngành và doanh nghiệp cơ khí cần xây dựng một chương trình cụ thể nhằm chế tạo, sửa chữa và bảo dưỡng những thiết bị chính để nhà máy chủ động sản xuất trong những năm tiếp theo.

(Bài và ảnh: Hà Thanh Giang// Báo Nhân dân điện tử)

  • Quảng cáo, Du học ( Cty Nam Phú có nhiều ưu đãi )
  • Công ty TNHH TM- DV - SX T.P.L ( CRYSTAL)
  • Nghề đại lý thuế: Vướng vì... thiếu hướng dẫn
  • Eurowindow : Khẳng định thương hiệu hàng đầu
  • FutaCorp: “Chất lượng là danh dự”
  • Cạnh tranh bằng uy tín và chất lượng sản phẩm
  • Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Tự tin ra biển lớn
  • Đeo đuổi sản xuất ôtô thương hiệu Việt
  • Làm ăn với bạn, hãy là chính mình
  • Cái khó của sự kiên nhẫn
  • Thay đổi để đón cơ hội
  • Ðầu tư chiều sâu ở xi-măng Hoàng Thạch
  • Ứng dụng công nghệ mới ở Danapha
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao