Hãy thử bỏ gánh nặng quản lý theo “đầu tàu” và phát huy ưu điểm của mô hình “con cua”. Đó là chiêu thức cạnh tranh mà ông Đỗ Thanh Năm – Chủ tịch, Giảm đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ Chiến lược Win – Win chia sẻ.
- Việc đưa ra lý thuyết “con cua” trong quản trị doanh nghiệp vào thời điểm này chắc phải có nguyên do của nó, thưa ông? Từ bỏ thói quen điều hành kiểu “đầu tàu” đâu có dễ, nhất là khi điều đó thể hiện vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp?
Ai cũng biết con cua có 8 cái chân và 2 cái càng. Mặc dù chỉ di chuyển theo chiều ngang, nhưng mỗi lúc di chuyển, 8 chân và 2 càng phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và đồng bộ. Nếu không may mất đi 1, 2 càng hoặc chân, sự di chuyển của chúng vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Nếu ví doanh nghiệp là con cua, lãnh đạo là 2 cái càng, các phòng ban và nhân viên là những cái chân, thì hoạt động của doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất nhịp nhàng và đồng bộ. Vậy tại sao chúng ta không vận dụng ưu điểm của con cua vào việc quản lý nhằm phát huy tối đa khả năng đóng góp của từng cá nhân, phòng ban vào sự phát triển chung của doanh nghiệp?
Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, Win-Win nhận thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và lớn vẫn quản lý theo mô hình đầu tàu. Lãnh đạo vừa xác định hướng, vừa chạy mở đường, vừa kéo theo một nhóm nhân viên phía sau, sẽ không thể nào chạy nhanh và cũng không đủ sức để tham gia cuộc chạy đua đường dài. Có những lúc lãnh đạo thiếu sáng suốt, chắc chắn đầu tàu sẽ chạy lệch, dẫn đến toàn bộ nhân viên đều đi "trật đường ray". Và đến khi lãnh đạo muốn tìm người thay thế mình, thì không có ai có thể đứng ra đảm đương công việc.
Với năng lực, tiềm năng vốn có, nếu quản lý theo mô hình con cua, doanh nghiệp sẽ có một kết quả kinh doanh tốt hơn hiện tại rất nhiều. Hơn nữa, với mô hình quản lý con cua, cán bộ nhân viên mới trở thành tài sản thật sự của doanh nghiệp, và doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
- Nói được phải đi đôi với làm được. Lý thuyết ông đưa ra khá hấp dẫn, vậy còn thực tế ở chính Win-Win, áp dụng mô hình “con cua” mang lại điều gì?
Năm 1998, tôi may mắn làm việc chung cùng ông Gérard Lettelier – TGĐ xi măng Sao Mai (Holcim) về hoạch định chiến lược, và nhận được lời khuyên của ông “Theo nghề tư vấn chiến lược, cậu sẽ thành công”. Tôi quyết định chọn nghề này và dành ra 10 năm để chuẩn bị, xây dựng đội ngũ của mình. Theo dự định, vào năm 2008, đội ngũ nhân sự của tôi từ nước ngoài về lại Việt Nam, tôi mới thành lập công ty. Tuy nhiên, đến năm 2006, nhu cầu tư vấn rất nhiều, tôi tiến hành thành lập công ty sớm hơn dự định. Thú thật, trong 2 năm đầu, tôi quản lý theo mô hình đầu tàu – tất cả chỉ dựa vào cá nhân tôi. Giữa năm 2008, đội ngũ nhân sự trưởng thành từ quá trình làm việc cho các công ty tư vấn chiến lược ở các nước phát triển trở về, tôi bắt đầu triển khai mô hình con cua. Mỗi ngày, tôi dành một giờ để chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn mà tôi đã trải qua khi tư vấn tại Việt Nam, và tìm cách kết nối các “viên ngọc sáng” thành “một viên ngọc lớn và sáng hơn” bằng cách nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của từng người, bố trí phù hợp để mọi người hỗ trợ với nhau một cách tốt nhất trên cơ sở đánh thức tiềm năng con người. Chưa đầy hai tháng huấn luyện, với năng khiếu bẩm sinh, tư duy nhạy bén được đào tạo từ các nước phát triển, đội ngũ của Win-Win trưởng thành rất nhanh. Những nhân viên nào hội đủ những yếu tố cần thiết cho một chuyên gia tư vấn thành công (đủ năng lực giúp khách hàng thành công), tôi tiến hành trao quyền, tạo “8 chân cua” vững chắc cho Win-Win. Từ năm 2009, mỗi tuần, tôi dành ra một ngày để đến các trường đại học, chọn các sinh viên xuất sắc nhất, có tư duy nhạy bén và đưa về Win-Win đào tạo, từng bước tạo ra nhiều “con cua” nối tiếp nhau, sẵn sàng đảm nhận các dự án lớn của khách hàng.
- Ông đã từng thử mang lý thuyết “con cua” vận dụng trong đời sống thường ngày?
Doanh nghiệp là cơ thể sống, gồm nhiều con người có mục tiêu chung. Muốn có được con cua, thì các thành viên phải được kết nối theo mô hình con cua. Những cán bộ nhân viên nào có điều kiện làm việc theo mô hình này, sẽ gặp rất nhiều thuận lợi trong công việc hằng ngày và cuộc sống gia đình. Trong mô hình con cua, có kế hoạch làm việc theo ngày, theo tuần... Nếu mỗi ngày, chúng ta tạo cho mình thói quen - dành ra 5 phút để viết kế hoạch làm việc một cách khoa học cho ngày sau, cho tuần sau của mỗi gia đình, thì mọi thành viên trong gia đình biết công việc của nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau, tiết kiệm trong công việc, tăng thêm thời gian trao đổi, nghỉ mát cùng nhau… Như vậy, gia đình sẽ hạnh phúc hơn. Nhờ kế hoạch, gia đình sẽ so sánh mục tiêu đặt ra và kết quả đạt được của từng công việc, từ đó tìm ra giải pháp gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc. Như vậy, mức độ thành công sẽ cao hơn.
- Thực ra tôi vẫn băn khoăn, liệu “con cua” có đủ sức soán ngôi “đầu tầu”?
Không hẳn là như vậy, mà cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng. Trong mô hình con cua, có lúc cũng cần mô hình đầu tàu, vì mô hình đầu tàu giải quyết tốt bài toán tình thế, tình huống khẩn cấp. Doanh nghiệp nên cố gắng chuyển đổi mô hình đầu tàu sang mô hình con cua bằng tinh thần đổi mới và sự quyết tâm cao độ của mình. Lãnh đạo doanh nghiệp phải làm sao để các “toa tàu” trong “đoàn tàu” tự cung cấp nhiên liệu, tự tạo động lực cho mình, hoạt động nhịp nhàng và cộng hưởng với nhau.
- Khi lý thuyết về mô hình con cua được Win – Win tư vấn cho doanh nghiệp, họ đã đón nhận thế nào, thưa ông?
Với mô hình con cua, đội ngũ nhân viên chia sẻ bớt gánh nặng cho lãnh đạo, hiệu quả làm việc cao hơn, lãnh đạo có nhiều thời gian để suy nghĩ và tập trung cho những công việc quan trọng. Những doanh nghiệp nào có văn hóa đổi mới, hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững, rất thích mô hình này. Ví dụ, tại công ty CP cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu (BWACO) – một đơn vị hoạt động hiệu quả trong ngành cấp nước tại Việt Nam, khi triển khai mô hình này, từ Ban lãnh đạo đến toàn cán bộ nhân viên đều thể hiện sự quyết tâm hết mình bằng cách từng bước thay đổi thói quen trong quản lý và lãnh đạo. Sau thời gian thực hiện, một kết quả thật bất ngờ. Đến bây giờ, gần hết các công ty cấp nước ở Việt Nam thường đến BWACO để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm.
- Là một người chuyên tư vấn cho doanh nghiệp, vậy ông có khi nào nghe lời tư vấn của một nhà tư vấn khác?
Rất nhiều, từ đủ lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ở Win-Win, chúng tôi hay nói với nhau: “Trời sinh chúng ta ra có 2 lổ tai và một cái miệng, nên áp dụng theo đúng tỉ lệ đó: nghe hai, nói một”. Chúng tôi kết hợp nhiều mô hình với nhau: mô hình quản lý tri thức, mô hình “người hùng” ở mỗi vài trò, mô hình con cua. Với mô hình con cua, trong con cua lớn, có nhiều con cua nhỏ, nên các thành viên trong công ty là chuyên gia tư vấn của nhau, phản biện cho nhau. Tôi là người hạnh phúc nhất vì được tư vấn nhiều nhất. Bên cạnh đó, Win-Win có sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước ở từng lĩnh vực riêng, ngành nghề riêng. Với những dự án lớn, chúng tôi mời tư vấn nước ngoài phản biện, góp ý, cho lời khuyên... Ngược lại, các nhà tư vấn ngoại khi triển khai cho khách hàng tại Việt Nam, họ nhờ chúng tôi phản biện, góp ý, chia sẻ.
- Chuyển sang câu chuyện cạnh tranh trong kinh doanh, ông nghĩ thế nào khi các nhà tư vấn ngoại hiện vẫn chiếm được uy tín hơn các nhà tư vấn nội?
Ở các nước phát triển, ngành tư vấn phát triển từ rất lâu. Các công ty tư vấn nước ngoài đã có một thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệp và xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng. Nhận biết được điều này, nên tôi đã dành ra 10 năm để chuẩn bị, đưa người của mình ra các nước phát triển và làm việc ở công ty tư vấn để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong tư vấn, mấu chốt của thành công là sự sáng tạo của nhà tư vấn, mà sáng tạo thì không thể nói là tư vấn ngoại hay tư vấn nội, và các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận biết được vấn đề này. Nhìn vào đội ngũ tư vấn của Win-Win, sẽ thấy một sự kết hợp tinh túy giữa ngoại và nội.
- Tuy nhiên, vẫn cần một chiến lược nào đó để các doanh nghiệp tìm đến với các nhà tư vấn nội?
Mỗi tuần tôi dành ra một ngày để đến các trường đại học, chọn các ứng cử viên để đào tạo, từng bước tạo ra nhiều “con cua” nối tiếp nhau. |
Trong ngành tư vấn, cách quảng bá tốt nhất là làm sao để khách hàng truyền miệng lẫn nhau. Chúng tôi áp dụng nguyên tắc 1 - 5 (đưa toàn bộ chi phí quảng bá thương hiệu vào việc tạo ra chất lượng tốt nhất cho khách hàng, để chính khách hàng đó tìm cho mình ít nhất là 5 khách hàng khác). Muốn thành công trong ngành tư vấn, chất lượng của từng hoạt động tư vấn phải gắng liền với yếu tố nhân văn trong chất lượng đó. Chính cách làm này đã góp phần cho sự thành công của Win-Win ngày nay.
- Đó là chiến lược của Win – Win, còn đối với các doanh nghiệp muốn đi tới thành công, ông sẽ tư vấn thế nào?
Suy cho cùng, thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp đều xuất phát từ chiến lược. Chiến lược đúng hay sai lại xuất phát từ những con người hoạch định và vận hành. Doanh nghiệp cần đầu tư thời gian và công sức để có cho mình một chiến lược đúng. Đối với chiến lược phát triển, nên hướng tới cạnh tranh động. Đối với chiến lược kinh doanh, nên hướng tới việc tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Khi xây dựng chiến lược, không nên nhìn thương trường bằng đôi mắt thường mà phải nhìn thương trường bằng khối óc và trí tưởng tượng. Để có một chiến lược đúng và quá trình triển khai hiệu quả, thì từ ý tưởng chiến lược đến mô hình quản lý hỗ trợ cho chiến lược phải đúng. Nghĩa là mọi yếu tố cấu thành chiến lược phải đúng. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có con người đúng, và sử dụng đúng con người.
Cần lưu ý thêm, mô hình chiến lược nên chọn theo dạng mở, luôn điều chỉnh theo sát thực tế, theo những thay đổi của môi trường kinh doanh. Trong quá trình thực hiện chiến lược, các công đoạn như giám sát, phản hồi rất được doanh nghiệp chú trọng.
Làm được như thế, doanh nghiệp có một chiến lược hiệu quả, mô hình quản lý phù hợp, đội ngũ nhân sự tinh gọn, phản ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường. Như vậy, cuộc chạy đua đường dài của doanh nghiệp mới được đảm bảo sự thắng lợi.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Hải Nam // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com