Ông Trần Quang Vũ - Tổng giám đốc điều hành Vinashin |
Trả lời PV chiều 7/7, Tổng giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ thừa nhận sai lầm khó tha thứ của tập đoàn, song cho biết ban lãnh đạo không ngờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại nặng nề đến vậy.
Sau nhiều năm gắn bó với ngành công nghiệp tàu thủy, ông Vũ chính thức nhận nhiệm vụ điều hành tập đoàn vào đầu tháng 7, khi Vinashin vừa quyết định tái cơ cấu và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Chủ tịch Phạm Thanh Bình vì thiếu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Thời gian dành để trả lời phỏng vấn báo chí cũng chiếm một phần không nhỏ trong vài ngày lên nắm quyền của ông.
- Các cơ quan chức năng kết luận Vinashin đã đầu tư quá dàn trải, còn nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý dự án, công nợ, dòng tiền. Bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình bị đề nghị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong huy động và sử dụng vốn Nhà nước, đẩy tập đoàn đến bờ vực phá sản. Tập đoàn thấy các kết luận này thế nào?
- Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ được thông tin qua báo chí. Nhưng cán bộ công nhân viên chúng tôi rất buồn. Bắt đầu từ con số 0 trong ngành đóng tàu, anh Bình đã tạo ra Vinashin như ngày hôm nay, có thể đóng được những con tàu lớn hiện đại. Chúng tôi hết sức kính trọng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm từ mấy tháng nay, chúng tôi có biết việc này. Nhưng việc ra kết luận khiến chúng tôi hết sức choáng váng. Chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về những điều mà Ủy ban nêu lên và quả thật là chúng tôi thấy nó nặng nề với cá nhân chủ tịch của chúng tôi. Tuy nhiên ban lãnh đạo chúng tôi cũng xác định kiểm tra và thanh tra là công việc thường nhật phải làm, đặc biệt với những nơi có vấn đề bất ổn. Chúng tôi đón nhận kết luận này và khi được thông báo chính thức, Chủ tịch Phạm Thanh Bình chắc chắn có buổi giải trình kiểm điểm trước đảng ủy tập đoàn, đảng ủy khối.
- Theo ông đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành có phải là nguyên nhân chính gây khó khăn cho Vinashin?
- Đó cũng là một nguyên nhân. Nhưng tôi cho rằng vấn đề đó cần nhìn một cách sâu sắc hơn. Ngành công nghiệp tàu thủy phát triển từ những cơ sở rất lạc hậu, chỉ có khả năng đóng những con tàu 3.000-5.000 tấn. Vinashin bắt đầu từ Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy và sáp nhập một số đơn vị về với số vốn ít ỏi 400 tỷ đồng. Và thực chất Vinashin phát triển trên nền tảng chỉ là tổ hợp đóng tàu, chứ chưa sản xuất được các vật tư thiết bị cho ngành công nghiệp tàu thủy, tất cả đều phải nhập. Mặt khác, toàn bộ vốn đầu tư của Vinashin chủ yếu đi vay, với lãi suất kém ưu đãi.
Khi Vinashin bắt đầu đóng tàu thì thị trường rất tốt, tàu tranh nhau đóng, các đơn đặt hàng rất nhiều. Đỉnh điểm có lúc chúng tôi ký được trên 5 tỷ USD hợp đồng, thậm chí 10 tỷ USD. Điều đó tạo cho chúng tôi một tham vọng lớn là nhanh chóng xây dựng Vinashin thực sự mạnh, cạnh tranh với thế giới, có các nhà máy hiện đại và sản xuất được 70% thiết bị đóng tàu.
Trong khi đó, Vinashin khi có uy tín và thuận lợi, lại thành công trong việc phát hành trái phiếu quốc tế. Chúng tôi phát hành liên tục 2 đợt 750 triệu, rồi 600 triệu USD. Và còn lên kế hoạch phát hành 2-3 tỷ USD cho năm 2008-2009 để phục vụ các dự án đóng tàu. Khi tiền về, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hấp thụ, chẳng lẽ gửi ngân hàng rồi trả lãi nước ngoài. Và chúng tôi đi đến quyết định táo bạo là xây dựng nhanh chóng các dự án để hoàn thành thủ tục lấy đất đai. Cho nên mới có rất nhiều khu công nghiệp ở khắp nơi như vậy. Chúng tôi cắt một phần vốn lưu động trong kế hoạch đóng tàu để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, với hy vọng đến 2008-2009 phát hành được trái phiếu, có tiền để bù đắp trở lại cho đóng tàu.
Nhưng chúng tôi không may là gặp cơn đổ vỡ tài chính. Không có vốn mới để bù đắp cho các dự án đóng tàu. Trong khi vốn đóng tàu được mượn tạm cho các dự án, nhưng dự án dậm chân tại chỗ. Các dự án cứ nằm đó, lãi vay vẫn phải trả, lại nuôi bộ máy trông nom nó. Trong khi tàu cũng không có vốn để đóng, chậm bàn giao, không có nguồn thu. Hai cú này khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn. Và chúng tôi chảy máu rất mạnh trong hai năm vừa rồi.
- Nhưng ngoài dự án phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, Vinashin còn đầu tư bất động sản, tài chính?
- Khi thị trường khởi phát, rất nhiều ngành nghề nhìn thấy lợi nhuận, kích thích người kinh doanh. Thật ra bất cứ ai cũng thế thôi, không chỉ riêng chúng tôi là doanh nghiệp, và khi thị trường đổ rất nhiều người chết dở. Nhưng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của chúng tôi không nhiều, chỉ 6-7% trong tổng tài sản hơn 90.000 tỷ đồng.
- Vậy đâu là nguyên nhân chính đẩy Vinashin tới cơ sự như ngày hôm nay?
- Bắt đầu từ lúc nào Vinashin cảm nhận được khó khăn đang đến với mình và vào thời điểm đó Vinashin đã làm gì để giải quyết khó khăn?
- Mấy hôm nay anh Bình rất mệt, tôi chưa tham vấn anh ấy điều này. Nhưng thực tế là một số người trong ban lãnh đạo chúng tôi đã cảm nhận câu chuyện này từ năm 2007. Tại hội nghị tổng kết 2007, đã có những ý kiến đề nghị tăng cường quản lý, thậm chí thay đổi phương pháp quản lý.
Đến 2008, có nhiều ý kiến tranh luận về mô hình quản lý và đỉnh điểm của nó là cuối 2008 đầu 2009, đã có những tranh luận gay gắt. Một bên vẫn tham vọng mở ra, bởi cho rằng nếu thị trường ổn định trở lại, tiền huy động được thì lấy dự án đâu ra mà làm. Một đằng cho rằng mình đang mất uy tín, ai cho vay nữa, nên bán nhanh đi để co cụm tập trung cho sản xuất chính.
Đáng ra phải quyết định ngay từ 2008, nhưng chúng tôi suy nghĩ quá dài, tôn trọng ý kiến của nhau quá lâu, dẫn đến đầu 2010 mới quyết định bán tất cả các tài sản không cần thiết, tập trung lại cho sản xuất chính. Nhưng lúc đó nó đã trở nên hơi muộn.
- Nhưng thực tế từ giữa năm ngoái, vấn đề nợ của Vinashin đã được dấy lên trên diễn đàn Quốc hội, dư luận lo lắng, thậm chí đối tác kéo đến đòi nợ ngay trước trụ sở. Tại sao Vinashin không nhìn nhận nghiêm túc ngay từ lúc đó để có biện pháp kịp thời?
- Lúc đó chúng tôi vẫn hy vọng thị trường ấm trở lại và có thể huy động được vốn. Đó là nguyên nhân chính chúng tôi không ra tay.
- Tại sao Vinashin không báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan để cùng tìm giải pháp? Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Vinashin đã không báo cáo trung thực về những khó khăn tài chính cũng như hoạt động đầu tư?
- Thường thì doanh nghiệp báo cáo lên rất ít khi đầy đủ. Và cũng có thể có những vấn đề tế nhị chưa giải quyết được, hay vướng mắc mà chưa muốn báo cáo. Ủy ban cho rằng vấn đề đó là báo cáo không trung thực thì cũng có phần đúng.
Việc có báo cáo hay không, tôi chưa rõ, vì mới nhận bàn giao. Nhưng tôi cảm nhận là các đồng chí lãnh đạo lúc đó đã lo lắng nhưng vẫn chờ cơ hội thị trường tài chính phục hồi để thực hiện tham vọng của mình. Cuối cùng chúng tôi đã không gượng dậy nổi. Biết thế thì lúc đó chúng tôi thà mất mặt một tí, xấu hổ một tí và chấp nhận thua cuộc trong ngắn hạn, giải quyết nhanh từ đầu 2008 thì chắc chắn không có vấn đề gì.
- Vinashin có tâm phục khẩu phục với yêu cầu tái cơ cấu, khi phải chuyển giao cả những dự án thuộc ngành nghề chính của mình?
- Tôi thấy hết sức bình thường. Nếu chúng ta thực sự có nền kinh tế thị trường, phát triển và chuyên nghiệp thì việc tái cơ cấu, tách ra nhập vào là hết sức bình thường. Bất cứ một cơ sở sản xuất nào cũng phải tự điều chỉnh theo thời tiết của thị trường, tình hình chính trị và kể cả việc thay đổi nhân sự cao cấp. Khi Chính phủ quyết định, Petrovietnam và Vinalines đều là các tập đoàn của nhà nước, tài sản của nhà nước chuyển giao, thì các tập đoàn cũng không nên vì lợi ích cục bộ của mình.
Việc chuyển giao được thực hiện trên nguyên tắc Vinashin giảm bớt dự án dở dang và giảm bớt dự án, công ty không thuộc ngành nghề của mình, làm cho Vinashin nhẹ nhàng đi để có thể di chuyển được. Riêng nhà máy đóng tàu Dung Quất, Vinashin từng kỳ vọng rất nhiều sẽ trở thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng loại tàu 500.000 tấn, lớn nhất thế giới. Nhưng nó đang trong quá trình xây dựng. Để hoàn thiện Vinashin cần một lượng tiền rất lớn chưa kể nguồn vốn để đóng tàu mà chủ yếu là tàu trên 100.000 tấn cho tới 350.000 tấn. Mỗi tàu 100.000 tấn là 100 triệu USD, tàu 350.000 tấn là hơn 200 triệu USD. Với tình hình hiện nay chúng tôi thừa nhận chưa thể đủ lực để đầu tư tiếp. Mà nếu cứ để đấy thì một lượng vốn lớn phải nằm chờ. Trong khi Tập đoàn Dầu khí đang phải đặt nước ngoài đóng tàu lớn, chúng tôi cho rằng họ có tiềm lực và có nhu cầu.
- Vậy hướng đi sắp tới cho phần còn lại của Vinashin là gì?
- Vinashin hoàn toàn không mất đi sức mạnh như mọi người suy nghĩ. Việc chuyển giao các dự án chỉ là giảm lượng mỡ dư thừa để chúng tôi đi nhanh hơn.
Chính phủ đang yêu cầu chúng tôi điều chỉnh chiến lược và việc này sẽ hoàn tất trong hai tháng nữa. Chúng tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu, chế tạo các thiết bị cho ngành công nghiệp tàu thủy. Vinashin tiếp tục rà soát những gì không cần thiết và tập trung lực để thúc đẩy những vùng trọng điểm.
Trong chiến lược phát triển dài hạn, chúng tôi không quá tự ti khi rơi vào tình cảnh hiện nay, bởi chúng tôi có trình độ, có tay nghề và được các chủ tàu biết đến. Tất nhiên cần phân tích nghiêm túc và kiểm điểm các tồn tại để lược bỏ nó và xây dựng lại hệ thống quản lý.
- Trong chiến lược sắp tới, kế hoạch vay mới và trả nợ cũ sẽ như thế nào khi mà niềm tin nơi các nhà cho vay đã bị lung lạc ít nhiều?
- Vinashin hoàn toàn không mất tiền. Đơn giản là tiền vay về được chuyển thành đất, thành tàu đang đóng dở dang. Trước hết chúng tôi phải đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, tiếp tục duy trì sản xuất để tạo nguồn thu. Và chúng tôi phải thanh toán công nợ, giảm bớt tiến tới chấm dứt nợ với các nhà thầu, các nhà cung cấp vật tư. Chúng tôi nợ họ lâu quá, chúng tôi lấy làm tiếc vì việc này làm cho họ rất khó khăn. Và điều quan trọng nhất chúng tôi hiểu rằng không nên dựa dẫm, mà chúng tôi phải đứng lên đi bằng đôi chân của mình.
- Ông có tin ngân hàng và các nhà cho vay tiếp tục cấp vốn cho Vinashin sau cú ngã ngựa vừa qua?
- Chúng tôi đang mất uy tín, các ngân hàng không cho vay. Chúng tôi phải làm lại từ đầu và điều quan trọng nhất là phải bắt đầu xây dựng lòng tin, không có lòng tin là mất hết. Phải bắt đầu ngay từ lúc này, dũng cảm làm việc, nhìn nhận khuyết điểm, xây dựng lại hệ thống, hoạt động rõ ràng, minh bạch. Không hy vọng lấy lại niềm tin ngay lập tức, điều đó là không khả thi. Mà phải bắt đầu bằng hành động của mình, bằng cam kết của ban lãnh đạo và thái độ làm việc của mọi người. Và chúng tôi tin rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lấy lại niềm tin.
- Từ hôm có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Thanh Bình đã báo cáo gì với ban lãnh đạo tập đoàn?
- Ban lãnh đạo chưa nhận được thông báo chính thức của Ủy ban. Tuy nhiên, Chủ tịch Bình cũng đã trao đổi với chúng tôi là nghiêm túc chấp nhận các quyết định của Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên là anh ấy rất buồn, nhưng anh ấy vẫn làm việc muộn và đến các cơ sở.
- Cá nhân ông đánh giá thế nào về công và tội của ông Bình với Vinashin?
- Về công thì tôi cho rằng với những năm tháng khởi đầu khó khăn như vậy, không có anh Bình sẽ không có Vinashin. Còn về tội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và sắp tới là cơ quan thanh tra sẽ phân định rõ ràng.
- Về phần mình, được giao chèo lái Vinashin khi con tàu này đang mắc cạn, cảm giác của ông thế nào?
- Tôi cho rằng Vinashin đang gặp nhiều vấn đề. Ngoài Chủ tịch Phạm Thanh Bình, chúng tôi đều có khuyết điểm. Tôi được anh Bình giao trách nhiệm điều hành doanh nghiệp, trước mắt làm thế nào để bình ổn tập đoàn, sau đó xây dựng chiến lược phát triển. Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó lấy lại tên tuổi cho Vinashin. Nhưng chúng tôi cũng cảm giác không quá nặng nề.
Việc làm kiểm điểm là đương nhiên, bản thân tôi cũng đang viết kiểm điểm theo yêu cầu của Thủ tướng. Nhưng chúng tôi tâm niệm còn điều hành ngày nào chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện vừa qua và phải làm hết sức mình.
Tôi nghĩ mình cũng có lỗi và chấp nhận mọi hình thức xử lý kỷ luật mà không phàn nàn điều gì. Vì nếu tôi là cán bộ, tại sao tôi không quyết liệt can ngăn anh Bình để không cho điều đó xảy ra.
(Theo VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com