“Lúc không còn một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) độc quyền mua bán điện nữa, điều đó quá tốt. Tôi nghĩ, thị trường điện phải tiến đến như thế và phải tiến nhanh, đừng để tạo ra bức xúc trong xã hội trong khi mình hoàn toàn có thể giải quyết được”- Ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị EVN, trao đổi với báo chí hôm 6-7.
Doanh thu ngành điện giảm một, xã hội mất ba
Nói về những thiệt hại do cắt điện trong thời gian qua, ông Đào Văn Hưng cho hay: Theo kinh nghiệm trên thế giới, cứ mất một đồng doanh thu của điện, tương đương 2,5-3 đồng thiệt hại cho nền kinh tế. Còn ở ta, có những cái không tính ra tiền bạc được. Ví dụ, đang mùa nóng mà mình cắt điện, gây bức xúc trong xã hội, ngành điện mất đi sự ủng hộ của xã hội thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Vấn đề này không chỉ gây ảnh hưởng riêng EVN mà còn ảnh hưởng tới hơn 40 nhà đầu tư về điện trên cả nước.
Còn việc thống kê thiệt hại do cắt điện, phải thống kê đến từng hộ tiêu thụ bị thiệt hại thì mới chính xác được. Nên để một cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp thì kết quả mới khách quan. Việc chỉ đạo của Chính phủ cho thống kê thiệt hại là việc cần thiết, để nhìn nhận lại việc thiếu điện gây hậu quả như thế nào, từ đó, làm cho dân hiểu, cộng đồng chung trách nhiệm để tháo gỡ việc này.
Thưa ông, EVN vừa phát lệnh từ 1-7 sẽ không cắt điện luân phiên tại các địa phương, trừ trường hợp bất khả kháng. Nhưng nhiều địa phương vẫn bị cắt điện?
Trên tinh thần chuỗi thống kê nhiều năm, chúng tôi đưa ra chỉ đạo như vậy. Chỉ đạo đó có thể đúng trong thời điểm này, nhưng vài tuần sau nữa thì có thể khác, vì hoàn toàn phụ thuộc thời tiết. Lệnh của Tập đoàn không có gì thay đổi. Tôi có nhận được thông tin một số nơi vẫn cúp điện, nhưng hầu hết là do sự cố lưới, do đường dây, trạm biến áp, rơ le quá tải. Còn Tập đoàn không chỉ đạo cắt điện. Chúng tôi là một doanh nghiệp lớn, khi đã công bố trước quốc dân đồng bào như thế rồi thì phải giữ lời.
Sẵn sàng cho thuê lưới điện
Thưa ông, nhìn lại bức tranh cắt điện trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân sâu xa là do EVN độc quyền?
Đến thời điểm này EVN đã cổ phần hóa tới 9 nhà máy điện, như Phả Lại, Cát Bà, Vĩnh Sơn, Sông Hinh… Hiện chúng tôi còn lại 18 trong tổng số hơn 40 nhà máy điện trong cả nước (kể cả của PVN, TKV…) và công suất 9.000/19.000 MW, chiếm khoảng 47% công suất cả nước. Nhưng nhìn xa hơn nữa, trong tổng sơ đồ VI, EVN được giao làm 35% về nguồn và 100% về lưới (được Chính phủ giao độc quyền truyền tải), 65% còn lại là từ các nhà đầu tư khác. Như vậy, cộng số hiện có và số dự án đang đầu tư, tính đến 2015, EVN còn 37,5%. Với con số trên, thì EVN không giữ vai trò độc quyền khâu phát, chỉ giữ độc quyền trong khâu truyền tải.
Ông Đào Văn Hưng. |
Dư luận đặt nhiều câu hỏi là EVN đứng ra mua điện của các nhà máy phát, rồi bán lại cho các Cty điện lực. Về việc này, phải nói là năm 2007, EVN đã đưa ra mô hình là không nên để khâu mua bán điện trong EVN mà thành lập một Cty cổ phần mua bán điện riêng. Trong đó, có Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than và khoáng sản, Tổng Cty Xi măng, Tổng Cty Thép…, nhưng dư luận lúc ấy không đồng tình, vì vậy không thành lập được.
Nhưng đến nay, việc dư luận gay gắt như vậy cũng nên nghiên cứu, theo hướng khâu mua bán điện không thuộc EVN. Nếu làm được điều đó chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Khâu phát, khâu mua bán điện không còn độc quyền nữa, xã hội sẽ nhìn nhận ngành điện khách quan hơn, minh bạch hơn.
Hiện nay nhiều nhà máy điện vừa và nhỏ của tư nhân muốn bán điện, nhưng chỉ mỗi EVN là người mua, vậy có dẫn tới sự ép giá, nhũng nhiễu?
Như tôi nói, nếu chuyển khâu mua bán điện ra một đơn vị độc lập thì sẽ giải tỏa hết những rào cản trên. Còn việc bán điện của các nhà máy điện vừa và nhỏ, vấn đề là họ bán với giá nào. Nếu giá của họ mà mình mua cao, thì chính người dân phải chịu. Chẳng hạn nhà nước quy định, mức lợi nhuận của anh chỉ 12%, thì mình phải đấu tranh mức đó để người dân được hưởng lợi. Còn các ông ấy đòi mức lợi nhuận tới 20% thì ngành điện mua được không? Chúng tôi mua được, nhưng tiền đó người dân phải trả.
Ông nghĩ sao khi hết cảnh một mình EVN độc quyền mua điện?
Điều đó quá tốt. Tôi nghĩ, thị trường điện phải tiến đến như thế và phải tiến nhanh, đừng để những gì mà mình cảm thấy tạo ra bức xúc trong xã hội, trong khi mình hoàn toàn có thể giải quyết được. Hồi làm nhà máy thủy điện Cần Đơn (Bình Phước), tôi nói EVN sẵn sàng cho mượn lưới điện, anh chỉ cần trả phần chi phí bảo dưỡng, và lấy lưới điện đó bán cho dân ở địa phương. Hay mới đây anh Hòa (Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc TKV- PV) đề nghị kéo một lưới điện riêng cho khu vực mỏ, chúng tôi đồng ý ngay. Chẳng lý do gì mà mình không đồng ý, mình không làm được thì để họ làm chứ.
(Theo Phạm Anh // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com