PV. Báo Bình Dương đã trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Becamex IDC - đơn vị đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn...
- Ông có thể cho biết đôi nét về chủ trương hình thành con đường huyết mạch này?
- Theo định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Để đáp ứng nhu cầu kết nối vùng và giúp Bình Dương trở thành cửa ngõ huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tây nguyên, các tỉnh miền Đông Nam bộ đến sân bay, cảng biển quốc tế của TP.HCM, UBND tỉnh và Công ty Becamex IDC quyết định đầu tư dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn theo hình thức BOT. Dự án này là bước đột phá mới trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sau sự thành công dự án BOT đầu tiên của tỉnh là quốc lộ 13.
- Được tỉnh tin tưởng giao thực hiện dự án trong 4 năm, về phía chủ đầu tư, ông có ý kiến gì?
- Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có chiều dài khoảng 30km với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, đây là con đường rất quan trọng trong thời kỳ mới để bảo đảm cho kinh tế của Bình Dương tiếp tục phát triển bền vững. Dự án đã được Chính phủ phê duyệt đưa vào kế hoạch chính thức và được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Becamex IDC xây dựng con đường này với thời gian 4 năm. Trong điều kiện ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế, công việc sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo Công ty Becamex IDC quyết tâm đóng góp xây dựng con đường này để bảo đảm phát triển kinh tế tỉnh nhà trong thời kỳ mới. Thay mặt chủ đầu tư, tôi cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra, thi công công trình đúng chất lượng, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công để không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.
- Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn khi hoàn thành sẽ tác động về giao thông như thế nào cho vùng kinh tế trọng điểm?
- Quy hoạch của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Chính phủ phê duyệt, định hướng này cũng rất rõ ràng kể cả những đấu nối để liên thông với các vùng trong và ngoài vùng trọng điểm, kể cả gắn liền với cảng biển và sân bay quốc tế trong tương lai. Tôi cho rằng xây dựng con đường này cũng là thực hiện theo định hướng chung để nhằm nối kết, liên thông trong vùng kinh tế trọng điểm để đóng góp cho việc phát triển kinh tế cũng như gắn kết ở ngoài vùng được thuận lợi hơn.
- Ý nghĩa của con đường Mỹ Phước - Tân Vạn đối với tỉnh nhà ra sao, thưa ông?
- Việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và không ngừng của Bình Dương. Theo quy hoạch, tuyến đường đi xuyên qua các khu công nghiệp phía bắc cũng như phía nam, nghĩa là đã tính toán trong phương án tất cả những hàng hóa liên thông đến các nhà doanh nghiệp ở các KCN của Bình Dương trong tương lai đều sẽ thông qua con đường này nối kết với cảng quốc tế rất thuận lợi.
Dự án này không những góp phần to lớn cho việc ổn định thu hút đầu tư mà còn làm thay đổi diện mạo mới của tỉnh nhà trong thời gian tới, điều này thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn mới, đưa Bình Dương trở thành thành phố loại 1 theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo TRỌNG MINH // Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com