Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyển đổi mô hình DNNN : Không chỉ là thay “áo mới”

Đây là ý kiến của ông Vũ Ngọc Tự - Chủ tịch HĐQT TCty chè VN (Vinatea) bên lề cuộc hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với DNNN trước và sau chuyển đổi” vừa được PV phối hợp với Câu lạc bộ DNNN, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương tổ chức.

Ông Tự cho biết, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi từ mô hình TCty sang Cty TNHH một thành viên, Vinatea đã xử lý các khoản công nợ xấu phải thu, nợ vay ODA, bù lỗ tồn đọng của các đơn vị thành viên... thực hiện các chính sách đối với người nhận khoán vườn cây theo Nghị định 135 như: trị giá vườn cây khi chuyển đổi, phân chia giá trị tăng thêm, thực hiện các chính sách của Nhà nước, trong đó có trị giá đất, chính sách thuê đất đối với DN, chính sách đối với lao động dôi dư, vấn đề bổ sung vốn điều lệ, vay vốn ngân hàng... đồng thời tính các phương án khả thi để chuyển đổi. Sau chuyển đổi, Vinatea đã đặt ra những vấn đề như huy động vốn cho thực hiện phương án trong bối cảnh có nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương án để đảm bảo lợi nhuận (cổ tức) trên cơ sở cân đối nâng cao đời sống người lao động. Với người lao động, ổn định tư tưởng làm cho người lao động nhanh chóng hội nhập, chấp nhận cơ chế quản lý mới. Tiếp tục sắp xếp lao động theo mô hình cổ phần...

- Từ 1/7, về hình thức các DN dân doanh và DNNN sẽ cùng trên một “sân chơi”. Điều này tạo ra bước ngoặt gì, thưa ông ?

Nếu nói cùng sân chơi giữa các DN thì chúng tôi đã thực hiện rồi, quan hệ TCty với các Cty liên kết thì không thể là cấp trên - cấp dưới được mà phải là quan hệ bình đẳng theo Luật DN. TCty cũng là một bạn hàng, một người góp vốn với Cty liên kết đó, cùng thực hiện theo Luật DN. Hiện nay TCty chè VN đã chuyển đổi mô hình Cty mẹ, Cty con (Cty mẹ là cơ quan văn phòng và 7 chi nhánh; 3 Cty con có 12 Cty liên kết). Trong cơ chế chuyển đổi này, chúng tôi xác định không phải là "Bình mới, rượu cũ" mà phải là "Bình mới, rượu mới".

Tuy nhiên, để đảm bảo mô hình này thực sự là mới thì cũng còn nhiều vấn đề, TCty cũng sẽ cố gắng cùng với các đơn vị, cơ quan quản lý thực hiện tốt mô hình này.

- Ông nói là còn nhiều vấn đề. Vậy với tư cách “người trong cuộc”, theo ông, vấn đề chính ở đây là gì?

Như tôi đã nói ở trên, chúng tôi đã thực hiện hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con, vì vậy theo tôi chuyển mô hình sang hoạt động theo Luật DN vấn đề đặt ra khác nhau căn bản là tổ chức hoạt động của Cty mẹ như thế nào? Vấn đề này chúng tôi cũng vừa xây dựng xong. Tôi cho rằng đây có thể coi là "Bộ luật" nội bộ trong một DN, xây dựng ra hàng loạt quy chế hoạt động.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo điều kiện rất tốt để chúng tôi chuyển đổi, ví dụ ngay ở tên TCty chè, nếu theo quy định hiện nay phải là: Cty TNHH một thành viên - TCty chè VN, nếu gọi như vậy chúng tôi sẽ mất thương hiệu Vinatea đã có từ lâu. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị đặt tên là: TCty chè VN - Cty TNHH một thành viên, vừa giữ được thương hiệu, vừa đảm bảo việc thay tên, đổi họ, chuyển sang mô hình mới.

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đã khẳng định: việc chuyển đổi DNNN chỉ thực chất
khi những quản trị DN, cơ chế quản lý nhân sự, lương... thực sự thay đổi
 
Chúng tôi xác định việc chuyển thành Cty TNHH một thành viên là bước đệm để  thực hiện CPH, sở dĩ chưa cổ phần hoá được vì chưa đủ điều kiện, đặc biệt về tài chính. Hiện nay không tính giá trị quyền sử dụng đất thì tính giá trị lợi thế vị trí địa lý của đất, ở Vinatea nếu tính vào thì không thể lên được phương án CPH, bởi CPH phải đảm bảo lợi nhuận, đảm bảo cổ tức.

Với Vinatea, việc chuyển đổi này gần như không gặp khó khăn, cái khó nhất hiện nay mà chúng tôi gặp phải là trên thực tế, với đặc thù của ngành chè phát triển ở trung du, miền núi, nơi có nhiều khó khăn, là cây xoá đói giảm nghèo nhưng sản xuất kinh doanh chè lợi nhuận lại rất ít, thu nhập thấp nên đời sống người làm chè còn nhiều khó khăn. Đây là điều khó nhất mà chúng tôi đang trăn trở, để giải quyết được "bài toán" này, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước

- Nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc chuyển sang mô hình Cty TNHH một thành viên chỉ là việc "thay tên, đổi họ" chứ không có nhiều thay đổi về chất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào ?

Nhận xét đó tôi cho là  cũng có phần đúng! Nhưng theo tôi, thay đổi nhiều nhất khi chuyển sang mô hình Cty TNHH một thành viên là điều lệ. Chẳng hạn, trước đây chúng tôi có trưởng ban kiểm soát nhưng nay không còn nữa, hay HĐQT trước đây có rất nhiều quyền, còn hội đồng thành viên hiện nay cũng vẫn có những quyền đó nhưng phải xin ý kiến chủ sở hữu, nếu được chấp thuận thì mới được thực hiện. Đây là điều thay đổi căn bản.

Một ví dụ nữa, trước đây chúng tôi có 181 tỷ đồng. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, tôi có thể quyết định ngay dự án đầu tư tới 90 tỷ. Nay cũng vẫn quyền đó nhưng phải xin ý kiến của chủ sở hữu. Và như vậy, sau chuyển đổi vấn đề quản trị DN cũng khác đi, không như trước đây cứ đưa ra HĐQT là quyết được. Điều lệ mới đã quy định rõ, anh được quyền quyết nhưng phải xin ý kiến chủ sở hữu trước.

Bên cạnh đó, có thể thấy vai trò của chủ sở hữu hiện nay mới đúng nghĩa là "ông chủ". Nếu như trước đây, các ngành đều có thể can thiệp vào Vinatea, thì nay chỉ có Bộ Nông nghiệp và PTNT mới có quyền. Tất cả mọi vấn đề muốn làm phải xin ý kiến chủ sở hữu trước.

- Nhiều người cho rằng, DNNN vốn đã có tiềm lực mạnh cộng với với những lợi thế sẵn có nên ngại chuyển đổi. Điều này liệu có đúng ?

Tôi cho rằng, với việc chuyển đổi này Nhà nước đã có một chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho DN phát triển. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, tác động của khủng hoảng kinh tế vừa qua, ngành chè gặp nhiều khó khăn. Việc khắc phục cũng không thể "ngày một, ngày hai", hay nói là sau chuyển đổi DN sẽ mạnh lên ngay. Theo tôi nói như vậy là không có căn cứ.

Theo tôi, trong cơ chế thị trường không thể có chuyện DN "kê cao gối ngủ" nhờ cơ chế. Cơ chế chỉ là đường hướng cho DN phát triển. Tuy nhiên DN đó có phát triển hay không là do sự vận động của chính họ.

- Vậy, với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinatea, ông có kiến nghị, đề xuất gì khi các DNNN nói chung và Vinatea nói riêng chuyển đổi cơ chế hoạt động ?

Tôi cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi riêng cho các DN nông nghiệp đặc thù có nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh những cây, con có hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cơ chế trị giá đất phù hợp. Nên điều chỉnh lợi thế đất qua tiền thuê đất hàng năm để tạo điều kiện cho DN có khó khăn tính được phương án chuyển đổi.

Đồng thời, cho phép thực hiện Nghị định 110 lần 2 đối với DN đã sắp xếp lần một (chuyển đổi mô hình Cty mẹ - Cty con hoặc Cty TNHH một thành viên) khi thực hiện cổ phần hoá.

- Xin cảm ơn ông !
 
Bà Nguyễn Kim Toàn - Vụ trưởng Vụ đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ : Trao quyền tự chủ cho DN

Việc chuyển đổi này trên tinh thần trao quyền tự chủ nhiều nhất cho DN. Chủ sở hữu nhà nước sẽ chỉ là một “ông chủ” duy nhất có chức năng giám sát, kiểm soát chứ không phải như trước: bộ, ban ngành nào cũng có thể là một “ông chủ” trong cùng một DN. Để đảm bảo giám sát chặt chẽ nhưng không ảnh hưởng tới quyền tự quyết của DN, sẽ giám sát cơ chế báo cáo tài chính, tình hình đầu tư... nếu can thiệp quá sâu DN sẽ không chủ động đầu tư, mất cơ hội kinh doanh

Việc chuyển đổi này, tên riêng của DN vẫn giữ. Đây là thương hiệu riêng, ví dụ tập đoàn TKV, tập đoàn Dầu khí... Đây là tên riêng, còn loại hình là Cty TNHH, về mặt pháp lý là Cty TNHH, còn tên riêng vẫn giữ nguyên.

Hiện còn 51 DN chưa chuyển đổi là do kinh doanh thua lỗ hoặc do vốn chưa đủ (điển hình là Nông trường Sông Hậu). Hơn nữa, điều mà DN vướng trước tiên là chưa có sự thống nhất, liên kết khi đăng ký kinh doanh. Vướng thứ hai chính là việc đổi tên DN, các DN trước khi chuyển đổi thì nhiệm vụ chính là phải ban hành được điều lệ để hoạt động theo mô hình chuyển đổi mới.

TS Trần Tiến Cường - Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ: Nhiều vướng mắc liên quan đến đất đai

Vấn đề lớn hiện nay nằm ở các tập đoàn, Cty lớn đang vướng mắc nhiều liên quan đến đất đai, tài sản trên đất... không dễ gì chuyển đổi được. Việc xác định thành viên của DN cũng còn bàn cãi. Lâu nay các DNNN hoạt động chẳng khác nào các UBND dù có ông chủ tịch đó nhưng chỉ là danh nghĩa, còn trách nhiệm vẫn cứ chạy lòng vòng. Cho nên nếu chúng ta có cố gắng chuyển đổi được đúng hạn 1/7 thì cũng chỉ là cố cho ra cái quyết định chuyển đổi, còn chuyển như thế nào, thực hiện ra sao thì tính sau.

Hơn nữa, địa vị pháp lý độc lập, tính “pháp nhân”, tăng quyền của Cty TNHH một thành viên và bình đẳng quyền với các DN khu vực tư nhân yêu cầu đảm bảo tính chủ động, chuyên nghiệp và trách nhiệm của chủ sở hữu. Khi Cty nhà nước chuyển sang Cty TNHH một thành viên cần khắc phục tình trạng nhiều đầu mối, tính thụ động, chỉ đạo của cấp trên diễn ra ở Cty nhà nước trước đây.

Ông Phạm Quang Tuyến - Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao: Khó nhất là giải quyết chế độ lao động

Khó khăn nhất của DN sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang Cty cổ phần đó là vấn đề giải quyết lao động dôi dư. Lao động dôi dư một phần do sát nhập một số phòng ban, đơn vị để hiệu quả hơn, một phần do việc đầu tư đổi mới công nghệ. Công nghệ càng hiện đại, số cán bộ công nhân sẽ càng giảm do vậy việc giải quyết  công ăn việc làm cho người lao động là vấn đề không nhỏ đối với DN. Từ nay đến 2013, Cty sẽ đầu tư các dự án xây dựng dây chuyền sản xuất axít sunfuric, phát điện, sản xuất đạm SA và NPK hàm lượng cao... với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.

Khi chuyển đổi mô hình, mọi vấn đề về phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư... đều được nghị quyết đại hội đồng cổ đông thông qua. Hiện Cty đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục nhằm sớm đưa cổ phiếu ra HoSE.

(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • CEO Vinashin: "Chúng tôi chảy máu rất mạnh trong hai năm vừa rồi"
  • Tỉ phú Adelson muốn đầu tư sòng bài tại Việt Nam
  • Tôi cũng muốn xóa độc quyền
  • Tránh thiệt hại từ các vụ kiện và rào cản thương mại: Đối diện hay chấp nhận ?
  • Nửa cuối năm 2010 : USD có xu hướng tăng
  • Lưới điện thông minh (Smart Grid): Giải pháp cho tương lai
  • “Bắt tay” với đối tác nước ngoài
  • Nam Cường đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn đón đại lễ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao