“Chính phủ vừa ban hành nghị định 41/CP về cho vay hộ nông dân. Mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là số tiền cho vay tín chấp với nông dân sẽ được tăng lên và lãi suất được kéo xuống thấp hơn. Liên Việt là ngân hàng đầu tiên triển khai nghị định này với địa bàn trọng tâm là đồng bằng sông Cửu Long”.
TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Liên Việt cho biết.
TS.Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Liên Việt
Thưa ông, hiện nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long đang có nhu cầu tập trung vào những lĩnh vực gì nhất?
Nhu cầu vốn lớn nhất của nông dân ĐBSCL vẫn là sản xuất. Vào thời điểm gối vụ, nhà nông rất thiếu tiền để mua nguyên vật liệu sản xuất. Họ phải đem bán lúa non (mua phân bón nợ với giá cao, bán lúa trước cho tổ chức thu mua với giá rẻ) và thay vì đến vay ngân hàng, nhiều người lại vay qua cò mồi hoặc tín dụng đen, chưa tiếp cận được với vốn rẻ.
Cái khó nhất của nông dân hiện tại là xây dựng phương án kinh doanh sử dụng vốn vay. Vì thế, chúng tôi sẽ gắn cho vay với tư vấn phương án kinh doanh. Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai cho vay ở 3 tỉnh tại ĐBSCL, sắp tới, sẽ đi sâu thí điểm tại địa bàn tỉnh Hậu Giang, trước khi nhân rộng.
Dự kiến, tổng số tiền cho nông dân khu vực ĐBSCL vay từ nay đến năm 2013 sẽ vào khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng. Tất nhiên, đây không hoàn toàn là cho vay ưu đãi mà bao gồm cả cho vay doanh nghiệp sản xuất hàng hóa liên quan sản phẩm nông nghiệp.
NH Liên Việt sẽ là trung gian giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhà khoa học và hộ sản xuất.
Ngân hàng sẽ hạ lãi suất như thế nào khi cho nông dân vay vốn?
Thời điểm hiện tại, nông dân đang vay với lãi suất 14 - 15%/năm. Ngân hàng sẽ tính toán trừ lùi từng thời điểm. NH Liên Việt dự kiến sẽ dành 2% trên tổng dư nợ cho vay hộ nông dân ở từng xã, phường dùng làm nguồn hỗ trợ lãi suất cho nông dân nghèo và dùng làm kinh phí trả công lao động cho hội cựu chiến binh ở các xã, phường tham gia hoạt động trong tổ vay vốn.
Trong năm 2010, LienVietBank đã có kế hoạch giải ngân tại khu vực ĐBSCL khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 300 tỷ đồng cho hộ nông dân vay trực tiếp, tức là sẽ có khoảng 10.000 hộ nông dân được cho vay và hỗ trợ lãi suất. Việc hỗ trợ lãi suất này đã đựơc tính toán kỹ, sẽ không ảnh hưởng gì đến “sức khoẻ” của ngân hàng. |
Số tiền cấp bù lãi suất sẽ được trả khi hộ nông dân trả hết nợ ngân hàng (tương đương giảm khoảng 2% lãi suất so với lãi suất thị trường từng thời điểm).
Ngày 22-4, chúng tôi ký kết với Hội Cựu chiến binh hợp tác về quy trình giải ngân vốn đến hộ sản xuất và thu hồi vốn. Chúng tôi sẽ dựa vào tổ chức này để xác nhận các hộ có nhu cầu sản xuất kinh doanh thật với các thông số như thời điểm này họ vay bao nhiêu; bao lâu có thể điều chỉnh lãi suất/lần. Phải làm sao để nông dân được hưởng lãi thật.
Bên cạnh, chúng tôi sẽ kết hợp với công ty bảo hiểm để có thể nghiên cứu sản phẩm bảo hiểm tiền lãi cho nông dân, nếu nông dân không trả được thì họ sẽ trả thay cho ngân hàng.
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp và sản phẩm bảo hiểm lãi suất? Có vẻ như DN vẫn không mặn mà với bảo hiểm vì có nhiều rủi ro ?
Không phải bảo hiểm không mặn mà mà do chính ngân hàng không kết hợp tốt. Ngân hàng sợ đưa vào thì lãi suất tiền vay lại phải nhích lên. Nông dân cũng sợ lãi cao không dám vay.
Về bảo hiểm, hiện chúng tôi đã liên hệ với một số công ty bảo hiểm và nhận thấy các doanh nghiệp bảo hiểm rất quan tâm đến nông dân, trong đó Công ty Bảo hiểm Thái Sơn đã xung phong đi đầu góp phần giúp nông dân và ngân hàng “đi vay và cho vay”.
Có nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau nhưng chúng tôi quan tâm đến 2 sản phẩm. Một là được sự thỏa thuận của hộ nông dân, ngân hàng sẽ bỏ một ít tiền ra mua bảo hiểm về vốn vay đó. Chi phí bảo hiểm sẽ tính vào gốc hoặc lãi cho vay nếu có trục trặc gì, bảo hiểm sẽ trả cho ngân hàng.
Trước mắt, ngày 22-4, Công ty Bảo hiểm Thái Sơn-GMIC thuộc tập đoàn Xuân Thành sẽ ký kết với ngân hàng Liên Việt và tỉnh Hậu Giang về việc “Bảo hiểm từ thiện về con người cho các hộ vay vốn tại Ngân hàng Liên Việt ở Hậu Giang”.
Nếu mô hình bảo hiểm được nhân rộng, chúng tôi sẽ mạnh dạn cho nông dân vay tiếp.
(Theo Ánh Mai // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com