Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

GE tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài tại Việt Nam

Bà Nguyễn My Lan- CEO GE Việt Nam
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, trải qua 18 năm phát triển, GE Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn My Lan - CEO GE Việt Nam khẳng định: Việt Nam không chỉ là một thị trường cho các sản phẩm của GE, mà còn là nguồn quan trọng cung cấp vật tư linh kiện phục vụ hoạt động sản xuất của GE trên toàn cầu và thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp trong nước.  
 
Bà My Lan cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường năng lượng tái tạo tiềm năng của khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, không có nhiều nước có nguồn gió dồi dào như tại Việt Nam. Ngoài năng lượng gió, Việt Nam còn có năng lượng mặt trời, đặc biệt là ở phía Nam, khu vực chiếm số ngày nắng trong năm rất cao. Thêm nữa, Việt Nam còn có tiềm năng sản xuất điện từ các nguồn chất thải sinh học và đặc biệt là trấu. Việt Nam là một nước nông nghiệp nên lượng trấu sau mỗi vụ mùa gặt là rất lớn, đây là một tiềm năng chưa được đánh giá và khai thác phù hợp, hiện tại nguồn nguyên liệu này vẫn đang bị lãng phí.

- Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có tiềm năng về thủy điện, còn về năng lượng tái tạo, kinh phí đầu tư ban đầu rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại quá lâu?

Thủy điện đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành điện của Việt Nam, tuy nhiên hầu hết các dự án thủy điện lớn tại Việt Nam hiện nay đã được khai thác hoặc đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, trong tương lai sẽ chỉ còn các dự án thủy điện nhỏ. Vì vậy, mặc dù vẫn còn tiềm năng để phát triển, Việt Nam không thể chỉ dựa vào thủy điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển của đất nước. Còn đối với việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, tôi cho rằng, đã là năng lượng sạch thì bao giờ chi phí đầu tư ban đầu cũng cao hơn vì công nghệ cao hơn, lại thân thiện với môi trường hơn. Nếu nhìn ở khía cạnh đầu tư, năng lượng sạch bao giờ cũng “ngốn” nhiều vốn hơn các nguồn năng lượng truyền thống khác, nhưng nhìn về mặt tổng thể, cộng thêm chi phí môi trường thì điều đó cũng không hẳn.

Chi phí cho môi trường là chi phí thường xuyên, bất kể đất nước nào cũng phải trả. Trong khi đó, đầu tư cho năng lượng sạch lại là xu hướng mà thế giới đang tiến tới.

- Tháng 10 năm ngoái, GE đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược dài hạn với Bộ Công thương, cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực năng lượng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo nhân lực trình độ cao... Vậy, xin bà cho biết, những tiến triển trong hoạt động đầu tư của GE kể từ lễ ký kết quan trọng này ?

Trong biên bản ghi nhớ được ký với Bộ Công Thương  tháng 10 năm 2010, GE cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành năng lượng và công nghiệp phụ trợ thông qua đầu tư vào những hoạt động của GE tại Việt Nam. Tôi rất vui vì một phần trong biên bản ghi nhớ đó đang được thực hiện. Đó là việc mở rộng nhà máy sản xuất máy phát điện tuabin gió của GE tại Hải Phòng, đồng thời mở rộng sản xuất các thiết bị linh kiện khác. Thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất của nhà máy tại Hải Phòng, chúng tôi đã thực hiện một phần cam kết trong biên bản ghi nhớ đề cập tới. Thứ nhất, là mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Thứ hai, là tạo công ăn việc làm chất lượng cao cho người lao động Việt Nam. Hiện tại, nhà máy sản xuất tại Hải Phòng đang có 400 cán bộ công nhân viên. Từ giờ đến cuối năm, con số này sẽ nâng lên thành 600. Thứ ba, thông qua công việc sản xuất của GE, chúng tôi cũng tạo điều kiện và cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước cung cấp các linh kiện, gián tiếp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Tiêu chí lựa chọn các đối tác cung cấp linh kiện của GE rất cao, mang tính toàn cầu. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm của họ, đáp ứng được tiêu chuẩn của GE thì tôi hoàn toàn tin tưởng, họ sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của các nhà sản xuất nước ngoài khác.

- Hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang ở mức phát triển rất thấp. Ý kiến của bà về vấn đề này?

Theo tôi, các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đều đang tập trung để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư trong ngành công nghệ cao. Mỗi một nhà sản xuất đều có những tiêu chí riêng khi lựa chọn nơi đầu tư, trong đó, công nghiệp phụ trợ là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định. Nếu ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển hơn nữa thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam và giúp các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam mở rộng sản xuất tốt hơn. Còn trong trường hợp không phát triển thì rất khó để Việt Nam có thể cạnh tranh được với các nước bởi hiện tại, chúng ta vẫn thiên về lắp ráp, việc sản xuất những mặt hàng đòi hỏi công nghệ cao chưa phải là mạnh, hầu như vẫn phải nhập khẩu nhiều.

- GE được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ tiên tiến. Vậy, những yếu tố nào giúp tăng cường sự phát triển của GE tại Việt Nam, thưa bà?

GE mong muốn là đối tác lâu dài của Việt Nam. Không chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư, GE còn có đóng góp quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực. Trong vòng từ 5 đến 30 năm tới, những thế hệ nhân lực mà GE đang hỗ trợ sẽ là lực lượng lao động chính hay là những người quản lý của GE trong tương lai. GE còn hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam thông qua việc đào tạo, cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú. Việc cố gắng kết nối các trường đại học trong nước với các trường đại học uy tín trên thế giới cũng không nằm ngoài mục đích nâng cao năng lực của sinh viên Việt Nam trong các lĩnh vực mà nước ta chưa thực sự chú trọng. Một minh chứng cụ thể là dự án hợp tác giữa Đại học Quốc gia- Tp. Hồ Chí Minh với Đại học Duke (Hoa Kỳ) và Quỹ GE trong chương trình Thạc sĩ chính sách công về bảo vệ môi trường dành cho các sinh viên Việt Nam.

Đối với nguồn nhân lực tại GE, khi chúng tôi tuyển nhân viên vào, chúng tôi đều có những chương trình đào tạo để đảm bảo nhân viên đạt được những trình độ nhất định vừa đáp ứng được yêu cầu của GE vừa nâng cao trình độ của họ. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình thực tập rất thực tế dành cho sinh viên. Theo đó, các bạn sinh viên năm cuối đại học có thể xin vào làm việc để tiếp cận dần với môi trường chuyên nghiệp của GE. Tại đây, các bạn sẽ được giao cho những công việc cụ thể. Ví dụ, nếu các bạn học chuyên ngành tài chính sẽ được làm việc ở bộ phận tài chính. Còn nếu học theo chuyên ngành kinh tế, các bạn có thể làm những công việc như một nhân viên marketing hay một nhà quản lý.

- Sau 6 tháng hoạt động đầu năm, GE đã thu được kết quả thế nào, thưa bà ?

Có thể nói, tôi rất hài lòng với hoạt động của GE tại Việt Nam. Những chiến lược GE đặt ra từ năm trước, đến năm nay đang trong giai đoạn thực thi tốt, hiệu quả kinh doanh cũng đáng khích lệ. Đây là kết quả mà tất cả mọi người trong công ty của GE tại Việt Nam đều thấy hài lòng. Tuy nhiên, chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa bởi vì chúng tôi thực sự muốn phát triển mạnh hơn tại thị trường Việt Nam.

- Vậy, bà có thể cho biết chiến lược sắp tới của GE tại Việt Nam?

Chúng tôi vẫn tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được. Ngoài ra, chúng tôi muốn xây dựng các đối tác chiến lược với các công ty trong nước để cung cấp những giải pháp, giúp họ phát triển, đồng thời tạo tiền đề cho GE phát triển.

Chiến lược của GE tại Việt Nam mang tính dài hạn. Chúng tôi muốn là đối tác lâu dài của Việt Nam, bao gồm bạn hàng, nhà đầu tư, những người hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nguồn nhân lực…

Trong thời gian vừa qua, GE đã đạt được một số thành quả nhất định trong lĩnh vực năng lượng, y tế và hàng không. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực đó. Đây là chiến lược dài hạn của chúng tôi tại thị trường Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!
 
GE là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam, trước khi lệnh Cấm vận đối với Việt Nam được dỡ bỏ. GE mở văn phòng đầu tiên tại Hà Nội năm 1993, và sau đó tại Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2001, nhằm thiết lập và phát triển quan hệ với các đối tác trong nuớc. Trong năm 2003, GE thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam, 100% vốn của GE, chuyên cung cấp dịch vụ hậu mãi đa ngành trong các lĩnh vực thiết bị y tế và năng lượng điện. Dự án đầu tư đầu tiên của GE Energy tại Hải Phòng vào năm 2007 là một bước tiến xa hơn trong cam kết hoạt động của GE tại Việt Nam.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Kiếm tiền từ online: Lựa chọn hợp lý
  • Tổng Giám đốc Công ty D2D: Trải nghiệm hai phần đời
  • Đầu tư vàng không phù hợp với người “yếu bóng vía”
  • Tăng thuế xuất khẩu vàng: Không có cơ sở !
  • Petrolimex lãi như thế nào?
  • 100 ngày đầu tiên làm TGĐ FPT của Trương Đình Anh
  • Tân Tổng giám đốc Beeline: “Tôi thích “chiến đấu” với các ông lớn”
  • “Đây là thời điểm tốt để đầu tư”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao