Giải quyết việc đề thừa, thiếu lao động đang là vấn đề "đau đầu" cho các nhà quản lý DN. Đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… những lĩnh vực được coi là có tỷ lệ lao động cao nhất hiện nay. Trong khi ở nhiều DN tình trạng thiếu lao động xảy ra triền miên, thì vẫn có những DN lao động luôn ổn định với thu nhập cao. Tại sao lại có tình trạng thừa - thiếu như vậy ? DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty cổ phần may Hưng Yên xung quanh vấn đề này.
Ông Dương cho rằng, cơ cấu lao động của VN hiện nay được đánh giá là cơ cấu lao động vàng, thế nhưng các DN sản xuất lại đang thiếu lao động. Lý do chính là việc định hướng nghề nghiệp ở ta chưa hợp lý, kế hoạch phát triển đào tạo mất cân đối, ngoài các trường công lập, việc phát triển các trường dân lập cũng đang có vấn đề.
- Như vậy có thể thấy tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" đang diễn ra ở nhiều ngành. Vậy tại sao chúng ta vẫn cứ loay hoay với bài toán lao động, chỗ thừa, chỗ thiếu từ nhiều năm nay mà vẫn chưa giải quyết được, thưa ông ?
Thực tế cho thấy, đa số các gia đình VN đều mong muốn cho con được đi học, nhất là học đại học với mục đích thoát nghèo. Nhiều gia đình nghèo cũng cố gắng chạy vạy để đủ tiền cho con đi học đại học, không vào được công lập thì học dân lập. Thậm chí nhiều gia đình tôi biết học xong nhiều năm rồi không xin nổi việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng lao động thừa, trong khi lao động công nghiệp thì không có. Đây là điều đáng báo động, nếu chúng ta không điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo ra để đấy, vừa tốn thời gian, tiền của, mà tài nguyên lao động khác với các tài nguyên khác, họ vẫn phải ăn, tiêu... chúng ta sẽ thiệt hại kép.
Lấy ví dụ ngay trong Cty của tôi, rất nhiều con em lao động học xong, kế toán, tin học... không có việc, mà đã học cao đẳng, đại học rồi thì họ sẽ không bao giờ làm công nhân. Thành ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra ở khắp nơi. Một thực trạng nữa mà hầu hết các KCN đều "dính" phải. Đó là chỗ ở cho người lao động. Khi người lao động còn trẻ, chưa lập gia đình, đương nhiên người ta vào làm với thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/tháng sẽ thoát nghèo. Tuy nhiên, khi họ lập gia đình, có con... mức chi tiêu sinh hoạt nhiều lên, chỗ ở lại không có. Cuối cùng lại phải trở về quê, dẫn đến tình trạng tái nghèo.
Chính vì vậy, nếu các KCN không sớm giải quyết vấn đề này thì tình trạng thiếu lao động sẽ vẫn tiếp diễn. Vấn đề này chúng ta nên học Trung Quốc, tức là đã mở KCN thì phải kèm theo xây dựng chỗ ở cho người lao động, nhà trẻ, trường học... trong khi ở ta hiện nay đa số KCN chỉ lo phần "ngọn", trong khi phần "gốc" thì chẳng mấy ai quan tâm.
Ở DN chúng tôi, khi tuyển lao động, chúng tôi lo chỗ ở cho ngừơi lao động, các công trình phúc lợi công cộng. Chẳng hạn như nhà trẻ, mẫu giáo... được chúng tôi quan tâm hàng đầu, mở rộng theo số lượng công nhân. Thậm chí chúng tôi còn dồn nhà xưởng lại để xây dựng nhà ở cho người lao động. Những gia đình ở xa chúng tôi cho thuê căn hộ khép kín chỉ 300.000 đ/tháng, con cái đủ 6 tháng Cty nhận trông các cháu miễn phí ngay kề khu sản xuất.
Đây là việc mà theo tôi DN phải lo trước tiên khi nói về vấn đề lao động, giữ chân lao động... Tuy nhiên cũng có nhiều DN không thể lo được việc này vì kinh phí. Theo tôi, Nhà nước cần có hỗ trợ để DN và Nhà nước cùng làm. Nhà nước đang có hướng làm nhà cho người thu nhập thấp, Nhà nước có thể cùng với DN bằng cách giao mặt bằng cho DN để họ lo xây dựng nhà ở cho người lao động.
- Trong khi tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn cao thì DN lại kêu không tuyển được lao động. Theo ông mấu chốt vấn đề nằm ở đâu ?
Lao động nông thôn có tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”. Họ có thể thôi việc bất ngờ để chuyển sang làm cho Cty khác. Trong ngành may không ít lao động đang làm trong Cty bỗng dưng... nghỉ việc để đi ôn thi đại học, cao đẳng với mong muốn có tương lai tươi sáng hơn. Một số khác sau khi tốt nghiệp THPT thì ở nhà loanh quanh làm mấy sào ruộng, không thích làm công nhân. Thậm chí, nhiều thanh niên chơi rông dài nhưng Cty không tận dụng được. Dân số VN đang ở độ tuổi lao động vàng, nhưng công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp rất ít, chiếm hơn 20% tổng số lao động. Còn lại lao động nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, chế độ tiền lương ở ta không đồng nhất trong tất cả các DN, ví dụ ngành điện, dầu khí, bưu chính viễn thông... lương khá cao. Thành ra, người lao động chỉ "chăm chăm" xin vào những ngành đó, trong khi nhu cầu của những ngành này cũng có giới hạn. Từ đó, chỗ thừa lao động vẫn thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu. Với ngành may chúng tôi, mấu chốt vẫn là thu nhập cho người lao động, chẳng hạn thu nhập bình quân trong Cty tôi khoảng trên dưới 3 triệu, thu nhập ổn đinh nên lao động không thiếu. Tôi cho rằng lời giải cho việc thừa hay thiếu lao động ở các DN hiện nay vẫn là vấn đề thu nhập. Vấn đề thiếu lao động là do DN không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của họ nên họ bỏ đi, còn nếu đáp ứng thu nhập khoảng trên dưới 3 triệu/tháng tôi chắc là họ sẽ đến.
- Có một thực trạng nữa là hiện chúng ta đang thừa lao động, thậm chí XK lao động. Tuy nhiên có một số DN lại đang muốn nhập khẩu lao động nước ngoài vào làm việc. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này ?
Phải thừa nhận rằng lao động nước ngoài ý thức họ cao hơn lao động trong nước, có thể mức thu nhập cũng chỉ bằng hoặc cao hơn một chút so với lao động mùa vụ trong nước. Nhưng họ không "đứng núi này, trông núi nọ" như lao động ở ta. Mặt khác, do là lao động nhập khẩu nên họ cũng không thể ra làm cho DN khác được. Tôi nghĩ đấy là lý do khiến một số DN muốn nhập khẩu lao động nước ngoài. Việc lao động ở ta "nhảy việc" cũng có một phần đóng góp của đội ngũ "cò mồi". Đội ngũ này lôi kéo lao động để lấy tiền hoa hồng, dẫn đến tình trạng lao động mất việc, DN thiếu lao động... Tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm đội "cò mồi" này để người lao động và các DN yên tâm sản xuất.
- Theo ông, chúng ta nên hướng thị trường lao động theo hướng nào để tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động trong các DN như hiện nay ?
Tôi cho rằng, trong thời gian tới các DN cần điều chỉnh thu nhập cho người lao động, nếu vẫn như hiện nay thu nhập trung bình khoảng 1-1,5 triệu đồng/tháng sẽ rất khó giữ chân người lao động. Thậm chí nhiều ngưòi lo ngại, nếu đóng bảo hiểm cho người lao động ở mức thu nhập như trên, sau này khi về hưu người lao động chưa được 1 triệu/tháng, thấp hơn cả mức lương tối thiểu. Để đủ sống và giữ được chân họ thì phải đạt 3 triệu/tháng. Với DN chúng tôi, hiện có khoảng 2 ngàn công nhân, chúng tôi luôn phấn đấu thu nhập người lao động tăng từ 10-15%/ năm. Hiện tại thu nhập 3 triệu/tháng/người chiếm khoảng 60%, còn lại là từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
- Xin cảm ơn ông !
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com