Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Sắm” vai nào cũng tròn

Ông Lê Hồ Khôi: Đã qua thời kiếm tiền quá dễ, thời mất tiền quá nhanh

Phòng làm việc của Tiến sĩ Lê Hồ Khôi – TGĐ Công ty Chứng khoán Tràng An có một bức tượng Khổng Minh rất ấn tượng. Không chỉ vì chất liệu gỗ quí, thẫm màu nâu sậm với thời gian, mà còn vì ở bất cứ vị trí nào trong căn phòng cũng đều có cảm giác như Khổng Minh đang phẩy quạt quan sát mình. Ông Khôi tâm đắc với cụ Khổng ở cái tài dụng người, ở bản lĩnh “không lộ mình” và lấy yếu thắng mạnh. Ông nói, điều nào cũng đều chí lý trong kinh doanh.

- Làm tổng giám đốc một công ty chứng khoán, ông đã đủ độ “không lộ mình” trước mọi trồi, sụt của các chỉ số? Và điều gì khiến ông phải trăn trở, lúc này?

Luyện được như cụ Khổng Minh quả thật khó. Kinh doanh thì phải phụ thuộc vào thị trường, vào nền kinh tế chung, sẽ có lúc được và lúc mất, vấn đề là mình có đủ độ tỉnh táo để biết đâu là điểm dừng hay không. Trong bao điều thì chế ngự mình có lẽ khó nhất! Còn trăn trở ư, có hai điều tôi luôn để tâm đến. Đó là làm sao tạo dựng được đội ngũ những con người sẽ đồng hành cùng mình và vấn đề nữa là kiểm soát rủi ro.

Muốn ngăn ngừa rủi ro từ khi nó chưa xảy ra thì phải nhận diện được rủi ro và có quy trình ngăn ngừa, xử lý nhanh nhất, đảm bảo nhất. Vì vậy, con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Công ty Chứng khoán Tràng An luôn chú trọng xây dựng nhân sự minh bạch, coi việc phục vụ khách hàng là ưu tiên số một, chứ không phải biến công ty thành nơi săn tìm lợi nhuận riêng. Chúng tôi không gây sức ép với chính mình bởi kỳ vọng lợi nhuận nổi bật mà xác định chỉ nên ở mức trung bình khá.

- Chẳng lẽ ông không chịu sức ép từ các cổ đông khi lựa chọn cách phát triển “tà tà” như vậy?

Nói chung, các cổ đông thường mong muốn lợi nhuận cao, rồi Tràng An phải phát triển như công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) hay công ty Chứng khoán Kim Long. Tuy nhiên, tôi trả lời họ, thời thế đã thay đổi rồi. Bản thân SSI muốn phát triển như hiện nay cũng đã phải có thâm niên vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Vậy thì, một công ty mới có mấy tuổi đầu không thể trở thành Thánh Gióng được, nhất là trong bối cảnh thị trường hiện nay. Chính nhờ chia sẻ thông tin thẳng thắn với cổ đông, nên chúng tôi đạt được sự đồng thuận về mục tiêu và cách thức phát triển của Tràng An. Câu trả lời thuyết phục nhất chính là việc Tràng An đã lọt vào top khoảng 20/106 công ty chứng khoán hiện nay.

- Xin ngược trở lại giai đoạn đầu của Tràng An, khi rời Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rồi lập công ty chứng khoán năm 2006 - đón đúng điểm tăng mạnh của thị trường trong năm 2007, ông có từng dự cảm về một cuộc sụt giảm thê thảm sau đó?

Thị trường nào cũng có giai đoạn của nó. Năm 2007, tôi dự báo khá sớm sự suy giảm mạnh của 2 anh em sinh đôi – thị trường bất động sản và TTCK nên đã có kế hoạch điều hành cắt lỗ kịp thời. Nhưng năm 2008 quả thật là năm khó khăn nhất của cả TTCK và các công ty chứng khoán. Có thời điểm, doanh thu từ phí môi giới của một công ty trong một ngày chỉ được vài trăm nghìn, không bằng một bà bán hàng nước.

Để vượt qua điểm đáy đó, chúng tôi phải xây dựng được tầm nhìn dài hạn, phải đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng là trọng tâm và đi đôi với đó là kiểm soát chi phí hợp lý. Vậy nên, Tràng An đã vượt qua khó khăn và đón đầu cơ hội hồi phục của thị trường để có bước đi thích hợp.

- Còn nhớ, thời điểm đó, có nhiều dự đoán sẽ có làn sóng công ty chứng khoán phải phá sản, bị thôn tính. Nhưng thực tế ngược lại, các công ty dường như đều vượt bão thành công. Giờ mô tả bức tranh của các công ty chứng khoán, ông sẽ dùng gam màu gì?

Dù không muốn tôi cũng phải chọn màu xám. Năm nay vẫn đầy khó khăn và thị trường sẽ ghi nhận sự phân hoá sâu sắc giữa các công ty. Công ty nào giữ được nhân lực và hoạt động tốt, thì phát triển, còn ngược lại sẽ gặp khó. Đã qua thời kiếm tiền quá dễ, thời mất tiền quá nhanh, giờ đây, VnIndex sẽ còn lình xình quanh mức 510 điểm, khó lòng có những đột biến về lợi nhuận.

- UBCKNN đang khuyến khích các công ty chứng khoán mua bán, sáp nhập để cơ cấu lại. Ông có thấy cơ hội trong đó? 

Tôi không nghĩ đối với các công ty chứng khoán, hoạt động M&A sẽ sôi động. UBCKNN khuyến khích chung chung vậy rất khó. Chỉ khi có khuôn khổ pháp lý rõ ràng và đưa ra được những chính sách khuyến khích cụ thể, thì mới mong M&A sôi động được. Mối quan hệ giữa các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư rất lỏng lẻo. Mua một công ty chứng khoán không đồng nghĩa với việc mua được hệ thống khách hàng sẵn có. Thường khi mua lại một công ty có nghĩa là nhằm đến danh mục đầu tư của công ty đó . Nhưng nếu có một danh mục tốt rồi thì chẳng công ty nào muốn bán, ngoại trừ được trả giá rất, rất cao. Điều này không thực tế. Vậy nên, các công ty chứng khoán lớn không ôm mấy công ty chứng khoán nhỏ. Chỉ có trường hợp công ty nước ngoài muốn đặt chân vào thị trường Việt Nam, thì sẽ xem xét mua lại, nhưng khả năng này cũng ít.

- Dường như Tràng An vẫn đang thiếu “người chống lưng”, ông có muốn thay đổi điều đó?

Nếu ngân hàng rót vốn, họ phải nắm giữ 70% vốn, còn nếu là đối tác nước ngoài họ sẽ mua 49%. Như vậy, người “chống lưng” sẽ nắm quyền điều hành hoặc can thiệp sâu vào chuyện công ty, các cổ đông nhỏ sẽ thiệt thòi. Và Tràng An thì mất bản sắc là một công ty của bạn bè, của số đông cổ đông.

- Được biết, nhiều công ty chứng khoán đang gặp áp lực tăng vốn điều lệ. Tràng An thì sao, thưa ông?

Trong năm 2010, có thể nhận thấy, nhà đầu tư ngoại lướt sóng nhiều hơn, như vậy, họ đã không đặt kỳ vọng dài hạn vào thị trường Việt Nam.

Hiện nay, do nguồn vốn vay từ ngân hàng có lãi suất cao, nên đại bộ phận doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội tăng vốn qua kênh TTCK. Điều này tạo nên tâm lý chung của các nhà đầu tư – ngại bỏ thêm vốn vào doanh nghiệp. Vậy nên, lúc này kế hoạch tăng vốn của Tràng An lên mức 300 tỷ (gấp đôi vốn hiện có) cũng gặp khó khăn chung đó. Nhưng tôi nghĩ, quí III, thị trường sẽ khá hơn, cộng với việc công ty khẳng định được uy tín trong hoạt động kinh doanh cũng như sự minh bạch có được khi lên sàn, tôi tin kế hoạch tăng vốn sẽ ổn.

- Tại sao công ty chứng khoán nội không đắt hàng với nhà đầu tư ngoại, thưa ông?

Có một phần là họ chưa quan tâm đến thị trường Việt Nam và cũng có phần công ty nội đặt giá quá cao. Thêm vào đó, cơ chế quản lý ngoại hối, tất toán chưa thuận lợi nên không hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Vậy nên, họ đang tham gia với tư cách là nhà đầu tư ngoại trên TTCK Việt Nam. Và điểm đáng nói là khối ngoại giờ đây chuyển từ đầu tư dài hạn sang lướt sóng.

- Thưa ông, khối ngoại lướt sóng nói lên điều gì?

Trong năm 2010, có thể nhận thấy, nhà đầu tư ngoại lướt sóng nhiều hơn, như vậy, họ đã không đặt kỳ vọng dài hạn vào thị trường Việt Nam. Trước đây, chúng ta hay nói, dư địa của doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn, tạo nên lực hút khối ngoại. Nhưng giờ đây không đơn giản  như thế nữa. Việt Nam trở thành thành viên WTO có nghĩa hàng rào thuế quan bỏ dần, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước càng ngày càng lớn trong khi đó các doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh, tái cơ cấu còn các đối thủ ngoại đã làm được. Năm 2010, TTCK khó lòng tăng đột biến nhưng cũng không thể giảm mạnh nữa. Ở mức cân bằng hiện nay có thể trông đợi sự phát triển bền vững hơn từ thị trường.

- Hiện nay các nhà đầu tư trông đợi việc điều chỉnh ngày giao dịch rút còn T + 2 sẽ giúp thị trường sôi động hơn. Còn ông nhìn nhận thế nào?

T + 2 hay T + 3 theo tôi không phải là vấn đề mấu chốt. Thực chất, T + 3 là mức phù hợp với một TTCK bình thường như Việt Nam. Đầu tư chứng khoán xét ra là đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp, nên không thể mong và cũng không nên mua bán quá nhanh chóng mỗi loại cổ phiếu được. Thị trường muốn bật lên là phải dựa vào nền tảng chứ không phải sự điều chỉnh này.

Chúng tôi không gây sức ép với chính mình bởi kỳ vọng lợi nhuận nổi bật.

Tháng 7 tới đây, TTCK VN tròn 10 tuổi, tôi nghĩ cũng đến lúc nên cho phép loại hình giao dịch ký quĩ rồi công cụ phái sinh quyền chọn mua, chọn bán và cao hơn là bán khống được thực hiện nhằm tạo sức bật mới cho thị trường. Các công ty chứng khoán sẽ không phải lo tự doanh nữa mà tập trung hỗ trợ khách hàng được tốt hơn. Như vậy, cũng có thể giảm được sự “khó xử” vì cạnh tranh ngược với khách hàng như hiện nay.

- Đã từng “sắm” vai quản lý, giờ lại chuyển vai sang doanh nghiệp, có khi nào ông nhầm vai không?

Rất mừng là không. Khi làm tiến sĩ kinh tế trở về nước, tôi công tác ở Bộ Tài chính. Ham cái mới mẻ, khi UBCKNN được xây dựng, tôi xin đầu quân sang ngay. Nhưng nhiều năm ở cơ quan quản lý, tôi lại thấy thực tiễn sinh động quấn hút mình. Rõ ràng, quản lý nhà nước hiện nay thiếu thông tin thực tiễn nên nhiều khi chính sách không hoặc chưa phù hợp với yêu cầu thị trường.

Được bạn bè khuyến khích và bản thân muốn một sự thay đổi thực chất hơn nên tôi đã ra lập doanh nghiệp. Khi chuyển vai tôi cũng không bỡ ngỡ vì thực ra tôi đã có ý thức học hỏi đời sống kinh doanh ngay từ những ngày còn đi học và cả trong quá trình công tác. Ở cương vị doanh nghiệp tôi lại có thể có những thông tin ngược trở lại hay có kiến nghị với UBCKNN nhằm bổ khuyết những điểm yếu trong hệ thống chính sách, cơ chế quản lý thị trường. Sắm vai nào thì tôi cũng cố gắng làm cho tròn (cười)!

- Tròn hai vai rồi, vậy còn một vai khác - người đàn ông trong gia đình thì sao, thưa ông?

Tôi không lẫn lộn vai nào trong cả 3 vai này. Công việc là công việc, có thể thay đổi được. Nhưng gia đình là nền tảng quan trọng số một với tôi. Tôi có nguyên tắc, không nghe điện thoại công việc hai ngày cuối tuần, không vì tiếc việc mà bỏ qua chuyện đón con mỗi chiều và không vì quan hệ mà bỏ qua bữa tối ở gia đình.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Lưu Hương // Báo Doanh nhân

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
  • Mâu thuẫn trong phát triển căn hộ
  • Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: “Thực tế đã nhận bàn giao”
  • Vinashin bàn giao FSO5: “Nếu có cơ hội đóng sản phẩm thứ hai...”
  • Cần mặt bằng lãi suất thích hợp
  • Cơ hội đầu tư vào PPI
  • Dẫn vốn vào tam nông: 10.000 hộ nông dân sẽ được bù lãi suất và bảo hiểm tiền lãi
  • Savico: "Vượt khó" thành công
  • CADOVIMEX II: Sức sống mới, giá trị mới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao