Sau đợt điều chỉnh giá bán lên 500 đồng/lít ngày 8/5/2009, đến nay Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã hai lần kiến nghị lên liên bộ Tài chính - Công Thương để tiếp tục tăng giá bán xăng, dầu, nhưng chưa được chấp thuận.
Thời gian gần đây, Petrolimex - đơn vị chiếm vị trí chủ đạo trên thị trường xăng dầu trong nước - liên tục kêu lỗ. VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex, để tìm hiểu nguyên nhân từ góc nhìn của đơn vị này.
Đang lỗ lớn!
Hoạt động của Petrolimex hiện nay ra sao, thưa ông?
Trước hết tôi xin nói lại, từ 16/9/2008, Chính phủ đã có quyết định chuyển kinh doanh xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường. Chỉ đạo của Thủ tướng nói rất rõ vận hành theo cơ chế thị trường bám sát diễn biến của giá thế giới và có sự quản lý của nhà nước.
Nhưng thực chất, 5 tháng đầu năm nay, hầu như giá bán trong nước vẫn do các cơ quan nhà nước ấn định. Doanh nghiệp không có quyền quyết định giá bán của mình.
Trong khi đó, 5 tháng qua diễn biến giá xăng dầu thế giới, đặc biệt là giá dầu sản phẩm đã rất phức tạp và tăng rất cao. Nhiều thời kỳ giá bán trong nước không phản ánh đúng của xu hướng giá thế giới, đấy là chưa kể biến động tỷ giá USD hiện nay lên 5%.
Trong 5 tháng đầu năm, giá xăng ôtô trên thế giới tăng 55% nhưng mức tăng trong nước chỉ 14%, tương tự giá dầu diezel tăng 27%, trong nước không những không tăng mà giảm 5%; dầu hỏa tăng 21%, trong nước không có điều chỉnh, nhất là dầu mazut tăng tới 55% nhưng trong nước chỉ tăng 6%.
Trung bình 20 ngày qua giá xăng sản phẩm là 72 USD/ thùng, dầu diezel cũng xấp xỉ 72 USD/ thùng, thậm chí mấy ngày qua giá xăng và giá dầu diezel lên tới 76 USD/thùng.
Cụ thể thì Petrolimex đang lỗ lãi như thế nào?
Petrolimex đang lỗ lớn. Hiện mỗi lít xăng công ty lỗ hơn 2.000 đồng, 1 lít dầu diezel lỗ hơn 2.000 đồng, 1 kg mazut lỗ gần 3.000 đồng/kg.
Sản lượng tháng 5 so với những tháng trước là giảm từ 5 - 7%. Mỗi ngày Petrolimex lỗ từ 50 - 60 tỷ đồng, trong khoảng gần một tháng qua. 15 ngày đầu tháng 5, tổng bán nội địa của Petrolimex là gần 300.000 m3 tấn, giảm 8% cùng kỳ tháng trước.
Điều hành làm “khổ” doanh nghiệp
Sau đợt tăng thêm 500 đồng/lít từ ngày 8/5, đến nay đã hai lần Petrolimex kiến nghị lên liên bộ Tài chính - Công Thương, tuy nhiên vì sao kiến nghị của doanh nghiệp ông không được đáp ứng?
Không phải bây giờ chúng tôi mới kiến nghị. Khi có những biến động về giá, qua theo dõi, tính toán thấy cần điều chỉnh giá bán trong nước hoặc tăng hoặc giảm ở mức cần thiết thì bao giờ doanh nghiệp cũng có những kiến nghị. Nhưng những kiến nghị đó không được xem xét một cách đầy đủ.
Lần nào kiến nghị cũng nhận được chỉ đạo từ liên bộ: “Tạm thời chưa đồng ý tăng, tiếp tục chờ theo dõi”, nhưng thị trường càng ngày càng lên, lên hàng tháng trời như thế thì chờ thế nào được.
Các cơ quan đưa ra lý do sẽ điều chỉnh thuế, nhưng mức rất thấp chỉ khoảng 5%, chỉ được mấy trăm đồng, không bù được lỗ; thứ hai là thời gian điều chỉnh giảm thuế bao giờ cũng rất chậm. Ví dụ như đợt đề nghị tăng giá ngày 11/4/2009 của Petrolimex, các cơ quan yêu cầu không tăng giá diezel mà sẽ giảm thuế nhập khẩu, nhưng mười mấy ngày liền mới có hiệu lực.
Vậy, theo cá nhân ông, cách điều hành trên của liên bộ đã và đang tạo nên những tác động như thế nào?
Với cách điều hành thế này, thứ nhất, sẽ tạo ra một tích tụ lỗ ngày càng nhiều; thứ hai, thông tin tới người tiêu dùng chưa đầy đủ, thiếu định hướng; thứ ba, xuất hiện chênh lệch giá ngày càng cao với các nước láng giềng, trong đó giá dầu và giá xăng chênh nhau gần 4 nghìn đồng/ lít; thứ tư, không duy trì mặt bằng giá hợp lý, dẫn đến các khoản thu không đạt với mức quy định.
Cách điều hành như thế nguy hiểm ở chỗ sẽ tạo ra lỗ tích tụ rất cao cho doanh nghiệp. Nếu không cẩn thận, sẽ có bước điều chỉnh tăng đột biến, thì thực sự không tốt tí nào cho thị trường. Bởi, với quy định mỗi lần điều chỉnh chỉ 500 đồng, nhưng bây giờ lỗ mấy nghìn đồng thì biết điều chỉnh đến bao nhiêu lần để bù được lỗ hơn 2000 đồng/lít.
Nhưng lâu nay, hình như mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới hơi tăng một tí là các doanh nghiệp trong nước lại “phóng loa” kêu lỗ và đòi tăng?
Khi doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá là chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ quyền lợi của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cứ lỗ như thế này thì làm gì có tích lũy để đầu tư phát triển.
Xu thế giá thế giới như thế, việc không đặng đừng mới phải đề nghị tăng. Ví dụ chỉ cần điều chỉnh 500 đồng thì mặt bằng giá trong nước sẽ tiến đến bám được với mặt bằng giá thế giới. Thay vì chỉ lỗ 500 đồng/lít thì bây giờ lỗ đến 2.000 đồng/lít.
Thủ tướng nói rất rõ kinh doanh xăng dầu theo thị trường, bám sát giá thế giới, có sự quản lý của nhà nước và đảm bảo có hiệu quả. Ở đây, theo tôi quản lý để doanh nghiệp không được phép muốn đưa ra một giá bán như thế nào thì đưa. Còn việc kinh doanh xăng dầu là rất công khai, minh bạch vì mọi cái rõ hết cả ra rồi.
Theo ông, nếu trong thời gian ngắn tới mà liên bộ vẫn không cho tăng thì tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nói chung sẽ như thế nào?
Chắc chắn là phải điều chỉnh, vì Nhà nước kiên quyết không quay lại theo cơ chế bù lỗ như trước đây nữa. Việc tồn tại bù lỗ chấm dứt từ năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm xong, như bù lỗ dầu chưa được cấp hết.
Hơn nữa, việc bù lỗ trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay lại càng nguy hiểm, mà thuế thì đã giảm như thế làm gì có tiền để bù.
Vậy với khó khăn như hiện nay, nếu tiếp diễn, liệu có chuyện Petrolimex sẽ cắt giảm sản lượng nhập khẩu và giảm nguồn cung?
Với vai trò chủ đạo thì Petrolimex vẫn phải đảm bảo nguồn, dù có lỗ thế nào đi nữa. Nhưng tiếp tục lỗ thì sẽ phải báo cáo với Chính phủ.
(Theo Mạnh Chung // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com