Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tôi phải bảo vệ và phát triển “sản vật trời ban”

Nhân sự kiện khánh thành Viện Nghiên cứu thủy sản Bình An, PV có cuộc trò chuyện với bà Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Group Bình An xung quanh việc phát triển và bảo tồn nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

- Thưa bà, trong khi nhiều doanh nhân chỉ chú trọng đến lợi ích DN của mình như lo đầu tư phát triển nhà xưởng, vùng nuôi thì Bianfishco sau khi xây dựng thương hiệu cho mình tại hơn 80 quốc gia trên thế giới lại đầu tư xây dựng Viện nghiên cứu thủy sản Bình An với kinh phí lên tới hàng chục triệu USD ?

Chỉ với 6.000 ha mặt nước nuôi cá tra đã đem về cho đất nước hàng tỷ USD. Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN thời gian gần đây. Thế nhưng, hầu hết người nuôi cá ở vùng ĐBSCL này vẫn đang duy trì phát triển theo hướng tự phát. Lời thì phát triển lên, còn xuống giá thì… neo ao ! Mặt khác, để giải quyết bài toán nguyên liệu cá tra – đầu vào của các nhà máy chế biến thủy sản cần phải bảo đảm tính ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng đúng chuẩn quốc tế để khi xuất khẩu sẽ nâng giá trị sản phẩm đưa đến giá thành cao và qua đó người nuôi cũng có lợi. Do vậy việc thành lập Viện nghiên cứu thủy sản Bình An nhằm hỗ trợ người nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm là điều cần thiết và không thể chần chừ.

Ở một góc độ khác, việc hình thành Viện nghiên cứu thủy sản Bình An cũng có công đóng góp của một người, đó là bác Sáu Dân – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bởi theo bác Sáu Dân vẫn suy tư về loại cá này. Đó là một sản vật trời ban cho vùng hạ lưu sông Mekong. Đây là loại cá đặc thù rất quý, tạo ra giá trị hàng hóa rất cao, nhất là xuất khẩu. Nhưng mọi người chỉ biết hưởng thụ và khai thác triệt để chứ ít ai quan tâm đến nó, và cho tới nay vẫn chưa có một cơ quan nào nghiên cứu để phát triển theo hướng bền vững và “tích lũy” cho đời sau.

Đúng như lời bác Sáu Dân nói, chúng tôi phải bảo vệ và phát triển “sản vật” trời ban cho vùng ĐBSCL này. Cá tra đã mang lại sự thịnh vượng cho hàng triệu nông dân và tạo việc làm ổn định cho người lao động, làm giàu cho đất nước, sản phẩm “sạch” sẽ góp phần đưa thương hiệu VN lên bản đồ thủy sản thế giới. Vậy thì tại sao không lập Viện nghiên cứu cho riêng nó ? Thật là không công bằng khi ở ĐBSCL đã có các viện nghiên cứu cho cây lúa, cây ăn trái, mà không có viện nghiên cứu về thủy sản. Chúng ta phải trả ơn lại cho con cá, con tôm bằng những nghiên cứu khoa học, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển những giống loài đã mang đến cho chúng ta biết bao lợi lộc và sự thịnh vượng. Chúng tôi lập viện nghiên cứu là muốn có con cá giống khỏe, mạnh mẽ, xây dựng các loại thức ăn tốt nhất, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ nuôi sạch, thân thiện với môi trường, sản phẩm chế biến phải đạt chất lượng tốt nhất, đủ tiêu chuẩn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước.

- Vậy thưa bà, Viện nghiên cứu thủy sản Bình An khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ gì cho bà con nông dân tự tin phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả ? 

Viện khi đi vào hoạt động không chỉ phục vụ hiệu quả cho Bianfishco mà sẵn sàng chia sẻ hiệu quả trong kinh doanh qua việc ứng dụng nghiên cứu sinh học vào mô hình nuôi cá tra và các loài thủy sản khác tại ĐBSCL. Cụ thể như việc thử nghiệm, nghiên cứu con giống, chọn lọc di truyền để lai tạo hệ con giống mạnh khỏe, có sức để kháng cao, chịu được các vùng nước lợ, nước mặn do biến đổi khí hậu gây nên, cải thiện thành phần thức ăn, dinh dưỡng hợp lý, giải quyết và xử lý triệt để những bệnh lý của cá, cách phòng trị bệnh và phương pháp nuôi cá tốt nhất, hiệu quả nhất. Xa hơn là việc sản xuất cá tra giàu hàm lượng omega 3 qua việc nuôi cá bằng men vi sinh… nhằm đảm bảo chất lượng cá tra an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, những kết quả nghiên cứu và ứng dụng của Viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL.

- Và vùng nuôi cá tra của Bianfishco là một ví du, thưa bà ?

Đúng như vậy, bởi nguyên liệu – đầu vào tốt, cộng với thiết bị hiện đại, được đầu tư từ các công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới trong ngành chế biến thủy sản thì tất nhiên đầu ra phải đạt chất lượng cao. Đây cũng là yếu tố then chốt để Bianfishco, từ một DN trẻ mới đi vào hoạt động hơn 3 năm, đến nay, sản phẩm mang thương hiệu Việt - Bianfishco đã có mặt hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU… Và đây cũng là một trong những điều kiện để Bianfishco – DN thủy sản duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu cá tra, ba sa hai lần được hưởng ưu đãi theo Billing code 3510-DS-P với tư cách là “New Shipper” được hưởng mức thuế suất bằng O% cho đến hết năm 2012.

- Xin cảm ơn bà !

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Doanh nghiệp vận tải đang 'ăn thịt chính mình'
  • Tập đoàn Mai Linh cắt giảm một loạt ngành nghề kinh doanh
  • Sếp Quốc Cường Gia Lai: “Thấy tài sản ra đi mà không cứu được”
  • Tribeco: Sập đủ bẫy, anh hùng thành 'phế nhân'
  • Chuyển nợ thành vốn góp: Lợi và hại !
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com