Thị trường kinh doanh thiết bị GPS thời gian tới được dự báo sẽ trở nên sôi động. |
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển công nghệ Eposi, xung quanh những cơ hội phát triển thị trường thiết bị định vị GPS tại Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2011 các xe vận chuyển hàng hóa và hành khách phải buộc phải lắp đặt thiết bị định vị GPS. Ông có cho rằng đây chính là cơ hội để thị trường thiết bị GPS tại Việt Nam phát triển?
Trên thế giới, thiết bị định vị GPS đã được ứng dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với ngành giao thông vận tải. Đây là một dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao dựa trên công nghệ viễn thông - thông tin, nền tảng hệ thống thông tin địa lý. Sử dụng thiết bị này giúp giám sát, quản lý phương tiện và người lái xe nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, vận tải an toàn cũng như tiết kiệm được nhiều chi phí không đáng có, tối ưu hóa hoạt động của các doanh nghiệp.
Kinh doanh thiết bị GPS còn khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam, hiện mới chỉ có một số hãng taxi và vận tải lớn sử dụng. Dưới góc độ xã hội, thiết bị GPS giúp hạn chế tai nạn, nâng cao ý thức tự giác của lái xe khi tham gia giao thông. Cơ chế hoạt động của thiết bị GPS ứng dụng cho phương tiện giao thông theo nghị định 91 được gọi là “Thiết bị giám sát hành trình” định vị bằng vệ tinh và truyền tải các dữ liệu thu thập được trên quãng đường di chuyển về phần mềm quản lý, chúng có camera ghi lại các hình ảnh trên đường, các cổng kết nối ghi lại các thông số hoạt động của xe. Nếu lái xe gây tai nạn trên đường, cảnh sát giao thông chỉ cần xem lại thông tin trong thiết bị này cũng đủ biết là lái xe có lỗi hay không và lỗi đó như thế nào.
Ước tính cả nước có hơn 30.000 xe vận tải thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt. Với quy định này của Nhà nước, thị trường kinh doanh thiết bị GPS thời gian tới được dự báo sẽ trở nên sôi động. Tuy nhiên, nguồn cung cấp sản phẩm thiết bị định vị GPS ở nước ta còn ít, chưa thể ngay một lúc đáp ứng được hết cho số lượng xe vận tải, bên cạnh đó hầu hết các cá nhân kinh doanh vận tải đơn lẻ chưa biết và chưa nhận thức được quy định mới này của Nhà nước.
Vậy Eposi sẽ đón đầu cơ hội này như thế nào?
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện ở nước ta có gần 20 doanh nghiệp đã và sẽ kinh doanh thiết bị GPS áp dụng cho phương tiện giao thông. Hiện nay chủ yếu các thiết bị này được nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ...) và hầu như chỉ có một tính năng duy nhất là định vị. Những thiết bị GPS nhập ngoại để được chứng nhận hợp quy trong nước thì còn phải phát triển và hoàn thiện thêm cho phù hợp với quy chuẩn ở Việt Nam. Do vậy, số lượng sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy để cung cấp cho thị trường chưa nhiều.
Điều quan trọng là Eposi tự sản xuất được thiết bị GPS đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và nhu cầu thẩm mỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu mô hình quản lý của các doanh nghiệp vận tải để phát triển thêm một loạt các tính năng nhằm tối ưu hóa nhu cầu quản lý của các doanh nghiệp vận tải như cài đặt bản đồ hiển thị 63 tỉnh, thành với nhiều chế độ khác nhau, hỗ trợ bản đồ google, theo dõi thời gian thực, hỗ trợ báo động bằng âm thanh, theo dõi định mức nhiên liệu của xe, theo dõi được hành trình, vị trí của xe ở bất cứ nơi nào có internet hoặc điện thoại mạng 3G…
Hiện chúng tôi đã thiết lập được hệ thống phân phối tại cả 3 miền trên cả nước. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp lớn rất hào hứng với việc lắp đặt loại thiết bị này mà không phải do quy định. Đó là điều đáng mừng vì các doanh nghiệp đều nhận thấy sự thiết thực của sản phẩm.
Với các cá nhân chủ xe vận tải đơn lẻ, việc tiếp thị sản phẩm GPS đến những đối tượng này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn, vì hầu hết họ chưa biết về quy định của Nhà nước. Bởi vậy, chúng tôi đang tích cực tuyên truyền đồng thời cũng giới thiệu tính ưu việt của công nghệ, tiếp thị sản phẩm GPS.
Theo ông, khi nghị định 91 được triển khai liệu có nảy sinh khó khăn vướng mắc? Ông có kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?
Thiết bị GPS thu thập thông tin rất đầy đủ nên tôi cho rằng Nhà nước sẽ dễ dàng kiểm soát. Lái xe không thể cài đặt sai lệch số liệu, vì thiết bị có niêm phong với tem dán của nhà sản xuất. Nếu còn nguyên tem mà thiết bị hoạt động sai thì đó là lỗi của nhà sản xuất thiết bị. Còn khi đã mất tem thì đó là lỗi của người sử dụng. Trong trường hợp đã lắp thiết bị vào xe, nhưng lái xe cố ý tháo nguồn điện, hoặc ngắt kết nối thu thập thông tin thì thiết bị này cũng ghi nhớ những thông tin về thời gian tắt nguồn, đồng thời phát tín hiệu cho biết thiết bị ngừng hoạt động.
Để nghị định 91 nhanh chóng đi vào thực tế, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều các cuộc hội thảo tuyên truyền đến các chủ phương tiện, cần cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thấy rằng những lợi ích mang lại cho họ khi lắp đặt thiết bị GPS là rất lớn chứ không phải do sự ép buộc của Nhà nước.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com