Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dịch vụ khai báo thuế điện tử sẽ ăn nên làm ra?

Có nhiều tiện lợi cho doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ khai báo thuế điện tử, cụ thể nhất là thay vì phải túc trực ở cơ quan thuế thì từ nay người nộp thuế có thể thực hiện khai báo thuế, ký tờ khai và gửi đi bất cứ lúc nào thông qua mạng Internet.

Sẽ không còn xếp hàng dài đi khai báo thuế là điều mà các công ty công nghệ thông tin, viễn thông trong nước hy vọng sẽ đạt được khi mà họ đang nỗ lực đưa dịch vụ khai báo thuế điện tử đến gần với doanh nghiệp và người dân.

Khai báo thuế điện tử là một hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ thuế cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài ngành thuế. Các dịch vụ thuế điện tử gồm: cung cấp qua mạng các thông tin tham khảo liên quan đến lĩnh vực thuế, đối thoại, hỏi-đáp trực tiếp, đăng ký thuế, nộp tờ khai, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và giải quyết khiếu nại của người nộp thuế… nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm thiểu chi phí, thời gian, thủ tục và giấy tờ.

Như một nỗ lực cải cách hành chính và minh bạch hóa các chính sách thuế, năm 2009 Tổng cục Thuế đã triển khai thí điểm nộp thuế qua mạng tại bốn tỉnh thành và đến nay đã mở rộng lên đến 19 tỉnh thành trên các nước. Đến năm 2015, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu là sẽ có khoảng 60% doanh nghiệp trên cả nước sử dụng các dịch vụ thuế điện tử. Ngoài ra, đơn vị này đã xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện kết nối với các doanh nghiệp nhằm triển khai hệ thống thuế điện tử (TVAN), cho phép tiếp nhận tờ khai điện tử giữa cơ quan thuế và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai báo thuế điện tử. Mô hình hợp tác công-tư (PPP) này đã mở ra một cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp CNTT-viễn thông vốn có thế mạnh về hạ tầng CNTT tham gia vào thị trường này.

Miếng bánh dần lớn

Dịch vụ khai báo thuế được kỳ vọng ăn nên làm ra đã thu hút nhiều ông lớn trong ngành công nghệ nhảy vào lãnh địa này.

Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có năm doanh nghiệp gồm Viettel, TS24, MacroNT, SEATECH và Bkav Telecom thử nghiệm kết nối kỹ thuật việc tiếp nhận tờ khai điện tử với cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế từ cuối năm 2010, trong đó Bkav Telecom và SEATECH là hai đơn vị được cấp giấy phép triển khai dịch vụ này. Hầu hết các đơn vị đã triển khai và thí điểm kết nối TVAN đều có cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong giao dịch thuế điện tử.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục Thuế, cơ quan này hiện đang xét duyệt hồ sơ xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ khai thuế điện tử của Viettel và TS24 nhằm bảo đảm mục tiêu cung cấp dịch vụ khai báo.

Chính những chủ trương này của ngành thuế kết hợp với đối tượng khách hàng rộng lớn là những yếu tố mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không thể bỏ qua.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận thị trường dịch vụ khai báo thuế điện tử sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới và con số doanh nghiệp tham gia cung cấp sẽ không dừng lại ở con số 2 hay 3.

Lý giải vì sao Viettel muốn tham gia vào thị trường còn khá mới mẻ này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm khách hàng doanh nghiệp của Công ty Viettel Telecom, cho biết Viettel xác định chiến lược phát triển công nghệ phần mềm, thương mại điện tử song song với dịch vụ viễn thông để tạo ra lợi thế riêng, đồng thời cung cấp đa dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. “Việc đầu tư vào dịch vụ chữ ký số, giải pháp bảo mật hay khai báo thuế điện tử đang là những bước đi cụ thể hóa chiến lược này của Viettel”, ông Tuấn nói.

Để cụ thể hóa chiến lược này, Viettel đang sử dụng hệ thống kênh phân phối sẵn có tại 63 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước với các chi nhánh trên toàn quốc, hơn 700 cửa hàng huyện, gần 20.000 nhân viên địa bàn tuyến xã, 110 siêu thị. Trong tương lai, Viettel cũng sẽ mở thêm các kênh phân phối mới phù hợp với đặc thù của dịch vụ này.

Nhìn nhận ở góc độ đầu tư để phát triển thị trường, ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc của Bkav Telecom, cho rằng thị trường dịch vụ khai báo thuế qua mạng sẽ phát triển khi mà chi phí duy trì các nền tảng công nghệ thông tin mà doanh nghiệp phải bỏ ra là không quá lớn.

Công ty An ninh mạng BKAV giới thiệu giải pháp “ký phân cấp” áp dụng trên bản khai thuế.

Về hạ tầng công nghệ thông tin như đường truyền Internet thì hầu như doanh nghiệp nào cũng có sẵn và chi phí thuê bao rẻ. Thêm vào đó là chi phí dành cho chữ ký số cũng không quá cao, cụ thể thiết bị sử dụng chỉ khoảng 500.000 đồng và phí thuê bao ở mức 1 triệu đồng/năm.

“Vì vậy, nếu đem mức đầu tư này so sánh với việc doanh nghiệp khai thuế theo hình thức truyền thống, bao gồm việc kê khai ra giấy rồi đem nộp cho cơ quan thuế, chi phí in ấn báo cáo dành cho việc nộp và lưu trữ, thời gian, chi phí đi lại của mỗi lần nộp báo cáo thuế..., thì việc sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử rẻ hơn rất nhiều”, ông Tuấn Anh nói.

Đánh giá tiềm năng của thị trường này, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nói rằng đây thực sự là một thị trường hết sức rộng lớn và đi theo xu hướng chung trên thế giới khi các công ty CNTT và viễn thông ngày càng dấn sâu hơn vào mảng kinh doanh dịch vụ chứ không chỉ đơn thuần là bán phần cứng hay phần mềm.Ông Dũng dẫn chứng rằng, trước đây khi nói đến IBM người ta nghĩ ngay ra các sản phẩm liên quan đến phần cứng. Ngày nay, nói đến IBM là nói đến dịch vụ CNTT khi dịch vụ này chiếm gần 70% tổng doanh thu của tập đoàn này. Do đó, trong thời gian tới sẽ có nhiều công ty CNTT-viễn thông dòm ngó lãnh địa này, đặc biệt là các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ chữ ký số.

Khách hàng còn e dè

Dù đây được xem là một dịch vụ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý e dè không muốn sử dụng vì lý do an toàn thông tin và tính ràng buộc về pháp lý với nhà cung cấp dịch vụ.Chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh đồ gỗ cho biết ông còn không dám giao phó bản báo cáo thuế cho một bên thứ ba đứng ra khai báo thuế, chứ nói gì đến khai báo thuế qua mạng. Những thông tin kinh doanh có thể bị tiết lộ ra ngoài gây bất lợi cho doanh nghiệp. Đây đang là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp khi họ tỏ ra thiếu tin cậy về tính an toàn của dịch vụ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhìn nhận đây thực sự là một rào cản lớn. Theo ông, việc các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam chưa mặn mà với dịch vụ này là điều dễ hiểu khi đây là một dịch vụ mới chưa được lan tỏa, doanh nghiệp tuy hiểu được những lợi ích nhưng việc đầu tư còn e dè mặc dù Tổng cục Thuế, các chi cục thuế đã liên tục tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, hội thảo để hướng dẫn.

Để doanh nghiệp yên tâm về tính bảo mật thông tin, hơn ai hết nhà cung cấp dịch vụ phải là người biết thuyết phục doanh nghiệp tin tưởng vào dịch vụ của mình.

Theo đại diện của các doanh nghiệp, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ này đều được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép, bảo đảm kiểm soát, kiểm tra định kỳ. Hơn nữa, bất cứ doanh nghiệp nào cung cấp dịch vụ cũng phải luôn tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật và có những ràng buộc rất rõ ràng. Thêm vào đó, họ là các doanh nghiệp CNTT-viễn thông có nhiều kinh nghiệm trong việc lưu trữ và bảo mật thông tin khách hàng. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng vào dịch vụ.

Ngoài yếu tố tâm lý e ngại của khách hàng, thì hạ tầng CNTT để triển khai thuế điện tử hiện nay chưa phải là hoàn chỉnh cũng là một rào cản.

Theo một bản báo cáo của Tổng cục Thuế, điều tra về tình hình khai thuế điện tử ở 1.000 doanh nghiệp trong tháng 10 và tháng 11-2010, có 174/1.000 doanh nghiệp được khảo sát trả lời là đang thực hiện việc khai thuế qua mạng, có 28 doanh nghiệp trong 82 doanh nghiệp có phản hồi (tương đương 34%) cho rằng hệ thống khai thuế qua mạng “vẫn còn lỗi phát sinh, gửi tờ khai không thành công”.

Dù số doanh nghiệp phản ánh những hạn chế của việc khai thuế qua mạng chỉ là thiểu số, song điều đó cũng cho thấy hạ tầng CNTT vẫn chưa đáp ứng được thông suốt.

Theo các chuyên gia, để việc khai thuế điện tử trở nên phổ biến, thực sự hấp dẫn doanh nghiệp thì cải thiện hạ tầng CNTT-viễn thông là điều cần phải thực hiện ngay. Bởi, trong mấy năm qua hạ tầng CNTT-viễn thông Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng việc quản lý hạ tầng đó sao cho đồng bộ và khai thác hữu hiệu, tránh lãng phí lại chưa làm tốt.

Ngoài vấn đề hạ tầng tốt thì các nhà cung cấp dịch vụ phải xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, cập nhật kịp thời thông tin chính sách, nắm chắc chính sách để vận dụng, tư vấn và bảo đảm lợi ích cho khách hàng và nhà nước. Ngoài ra, tính ràng buộc pháp lý giữa người khai thuế hộ và người nộp thuế phải rõ ràng, minh bạch nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng khi xảy ra trường hợp rủi ro.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Đào tạo “Hacker mũ trắng” cho các doanh nghiệp
  • Thời của các công ty nhiều tiền mặt
  • Tạo cú hích từ doanh nghiệp nhỏ
  • Phát triển thương hiệu từ nhãn hiệu
  • Tìm cách bám trụ với nghề
  • Nhìn lại các doanh nghiệp tư nhân: Cuộc cạnh tranh trong biển đỏ
  • Boeing và Airbus "bội thu" đơn đặt hàng máy bay
  • Viettel tiến vào thị trường nước ngoài thứ 5
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao