Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

IPO Petrolimex: Phép thử thị trường?

Với mức giá khởi điểm dự kiến 15.000 đồng/ cổ phần, Petrolimex đang có nhiều cơ sở để có thể được thị trường định giá cao hơn

TCty xăng dầu (Petrolimex) dự kiến IPO 1,07 tỉ cổ phần vào cuối tháng 7 tới. Mặc dù tỉ lệ bán đấu giá công khai chiếm 2,56% vốn điều lệ, nhưng trước việc IPO một tổ chức đầu ngành xăng dầu có vốn điều lệ 10.700 tỉ đồng, nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn tỏ ra lo ngại về áp lực nguồn cung và dòng tiền hiện có.

Còn nhớ năm 2010, TCty khí VN (PVGas), một trong ba “tổng” lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí VN dù IPO chỉ 5% / 18.950 tỉ đồng, nhưng nguồn cung “cực khủng” gần 95 triệu cổ phiếu cũng đã khiến đợt IPO đó liên tục phải lùi lại cho đến tận cuối năm. Tuy nhiên, cổ phần hóa PVGas cũng là tín hiệu cho thấy Chính phủ đã quay trở lại, tái khởi động mạnh mẽ chương trình tư nhân hóa các TCty, DN nhà nước vốn đã được thực thi suốt hơn 10 năm, nhưng vẫn còn “bỏ qua” rất nhiều trụ cột của nền kinh tế.

Kịch bản của VN Steel ?

Bước sang năm 2011, lần lượt các TCty, DN nhà nước lại lên kế hoạch thực hiện IPO hoặc niêm yết, cho dù TTCK có sáng sủa hay không. Điển hình là MobiFone, Ngân hàng BIDV, và gần đây là TCty Thép VN với gần 66 triệu cổ phiếu (CP) được chào bán.

Giả dụ ngày 28/7 tới Petrolimex chính thức IPO như dự kiến, có thể nhận thấy thời điểm đó sẽ còn nhiều điểm tương đồng với đợt IPO của VNSteel. Tương đồng về bối cảnh kinh tế vĩ mô, với dấu hiệu lạm phát có chiều hướng giảm nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 và tháng 7 được dự báo sẽ không thể lập tức giảm tốc theo chiều thẳng đứng. Tương đồng về tình hình TTCK, với thanh khoản chưa có nhiều động lực để cải thiện mạnh, do tương lai của dòng tiền vẫn còn mờ mịt trước sự thắt chặt của chính sách tiền tệ, và khối đầu tư nước ngoài phần nào sẽ tiếp tục xu hướng bán ra để giải quyết các vấn đề tại những nền kinh tế lớn. Và, tương đồng về cung cách IPO một tỉ lệ nhỏ nhoi so với vốn điều lệ.

Theo đó, rất có thể một kịch bản sẽ diễn ra, như đã diễn ra với VN Steel: Petrolimex có thể đấu giá thành công, nhưng chưa hẳn ở tỉ lệ 100% ngay trong lần đầu chào bán. Và sự quan tâm của các nhà đầu tư dài hạn, chứ không phải là những nhà đầu tư “lướt sóng”, mới có vai trò quan trọng đối với đợt IPO này.

27,4 triệu cổ phiếu và 411 tỉ đồng

Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích CTCK Kim Eng VN (KEVS), cho rằng đối với TTCK, tác động của đợt IPO Petrolimex sẽ không lớn. Nguyên nhân là NĐT đã quen với với các đợt cung hàng “khủng” và tâm lý “chai lỳ” này khác với giai đoạn trước, như khi IPO VietcomBank hay ViettinBank. Bên cạnh đó, dòng tiền hiện chỉ đổ vào một số mã CP với các tiêu chí đầu tư ngắn hạn, nên thậm chí nếu Petrolimex lên sàn, cũng chưa hẳn đã phù hợp với chiến thuật “đón sóng”, “ăn” ngay đang chiếm lĩnh thị trường.

Chị Nguyệt – sàn ACBS nói ở giá dự kiến 15.000 đ/CP, chị sẽ không “mua cho bằng được” Petrolimex. Bởi trên hai sàn vẫn còn hơn nửa số mã đang giao dịch dưới mệnh giá. Cũng còn nhiều penny – stocks được dân “lướt sóng” ưa chuộng đang có giá chỉ 3.000 - 4.000 đồng. Dĩ nhiên là còn phải xem các yếu tố liên quan đến SXKD hay các chỉ số đầu tư như P/B, P/E..., nhưng có lẽ nhiều NĐT cũng sẽ nghĩ như chị là “tội gì mà “chôn” vốn vào CP chưa biết khi nào mới có thể sang tay”.

Thực tế, nếu tính sát sao từ mức giá khởi điểm dự kiến, với 27.425.933 cổ phần, đợt IPO Petrolimex sẽ huy động vốn trên thị trường 411.388.995.000 đồng. Con số chưa bằng thanh khoản 1 phiên giao dịch trên sàn HNX. Do đó, trên quan điểm dòng tiền, đợt IPO này hầu như ít chi phối thị trường thứ cấp là điều chắc chắn.

Thành công hay thất bại ?

Trong một báo cáo trước IPO VNSteel hai ngày, đồng thời dự báo sớm về IPO Petrolimex, CTCK TP HCM nhận định: “Thị trường rất có thể đặt dấu chấm hỏi với cách IPO từng phần nhỏ lẻ này. Thực tế, nếu đứng về phía Nhà nước thì vốn huy động được từ những đợt bán cổ phần nhỏ lẻ này không lớn. Và mặc dù có thể hiểu rằng Nhà nước chỉ cổ phần hóa một phần nhỏ VNSteel cũng như Petrolimex vì lo ngại vấn đề thanh khoản và khả năng hấp thụ một lượng cung lớn từ việc IPO của hai tập đoàn này, thì đồng thời cũng có thể hiểu theo một ý khác là tiến trình cổ phần hóa đối với hai tập đoàn này chỉ diễn ra nửa vời. Đối với cả hai tập đoàn nói trên, sau IPO, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối và cả hai tập đoàn này đều không hoạt động trong những ngành hấp dẫn hay có quyền kiểm soát giá. Do đó, trong khi cho rằng hai đợt IPO này là để Nhà nước kiểm tra tình hình thị trường IPO, thì chúng tôi cũng cho rằng ở một khía cạnh nào đó, có lẽ hai đợt IPO này khó diễn ra thành công”.

Dù đúng như HSC dự đoán, VN Steel chỉ đấu giá thành công 39 triệu CP, tương đương 60% số CP chào bán, nhưng mặt nào đó vẫn có thể xem đây là một thành công về huy động vốn, trong bối cảnh TTCK vẫn còn eo hẹp thanh khoản và nguồn cung giá rẻ lại quá dồi dào.

Có lẽ Petrolimex sẽ không gặp khó khăn nhiều như VN Steel. Vì lượng CP đưa ra thị trường chưa bằng ½ của VNSteel. Còn so với lĩnh vực thép chịu nhiều sức ép từ việc phát triển tự do, manh mún trong nội địa lẫn sự cạnh tranh của DN nước ngoài, thì Petrolimex lại có lợi thế kinh doanh ở lĩnh vực ít cạnh trranh. Trên sàn chứng khoán, sức hấp dẫn của CP họ xăng dầu, cũng như CP họ dầu khí, lại luôn được đánh giá rất cao. Phân tích kỹ thuật của KEVS cho thấy trong hạ tuần tháng 6, hai chỉ số họ dầu khí và Petro đang phân kỳ dương với chỉ báo MACD. Khi tín hiệu này xảy ra, đường giá sẽ vận động theo xu hướng của đường chỉ báo. Khối lượng giao dịch CP hai họ đang gia tăng đáng kể và trong khi nhóm ngành họ dầu khí bật lên từ ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 68,1% thì  nhóm ngành họ Petro vẫn đóng cửa trên ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 50%. Đó là tín hiệu về triển vọng lạc quan của hai nhóm ngành này, cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho đợt IPO của Petrolimex.

Như vậy, rào cản nếu có, khiến các NĐT cân nhắc khi tham gia đấu giá Petrolimex, hẳn sẽ là vấn đề về tỉ lệ IPO. Nếu có tổ chức nào lãnh thành công trọn vẹn 27,4 triệu CP ở đợt đấu giá đầu tiên, thì vẫn sẽ thấy tỉ lệ 2,56% này là không... “thấm tháp” vào đâu so với 94,99% vốn điều lệ mà cổ đông lớn nắm giữ.

Nhân đợt IPO của Petrolimex, xin kể về ĐHCĐ năm 2011 của TCty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cuối tháng 6 vừa qua. Sau ba năm cổ phần hóa,  hiện Sabeco vẫn chưa thể lên sàn. Nhiều cổ đông vô cùng bức xúc. Đại diện quỹ đầu tư Jaccar công khai yêu cầu HĐQT và Ban điều hành Sabeco từ chức vì “hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều”. Đích thân vị chủ tịch trả lời: Bản thân ông và Ban lãnh đạo Sabeco chỉ là người làm thuê cho Nhà nước. Hiện Nhà nước chưa quyết định cụ thể. Sabeco có nhiều vấn đề để chưa thể niêm yết, và vấn đề chính là... Nhà nước chưa quyết. 

Từ chuyện Sabeco, quay trở lại với những dự đoán sớm về đợt IPO của Petrolimex. Hi vọng rằng bên cạnh năng lực để nắm bắt cơ hội được đầu tư vào một DN kinh doanh trong lĩnh vực gắn liền an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển của cả nền kinh tế, thì các tổ chức và NĐT trường vốn sẽ có đủ... kiên nhẫn để vượt qua những e ngại về “tiếng nói cổ đông nhỏ” như ở Sabeco, để có mặt trong đợt IPO được đánh giá là đầy hấp dẫn này!
 
Ông Nguyễn Đức Phương - Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp CTCK Bản Việt (CN Hà Nội) – Tổ chức tư vấn cổ phần hóa Petrolimex :

“Là đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa nên chúng tôi không thực hiện hay tham gia sâu vào quá trình định giá Petrolimex. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là việc xác định giá trị DN sẽ chính xác nhất, bằng giá thị trường quyết định.

Trên quan điểm đó, theo chúng tôi, với mức giá khởi điểm dự kiến 15.000 đồng/ cổ phần, Petrolimex đang có nhiều cơ sở để có thể được thị trường định giá cao hơn. Ví dụ, Petrolimex đang có lợi thế so với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác như: Thị phần bán nội địa của PLX chiếm trên 50%, tái xuất được PLX quan tâm phát triển (chiếm 60% thị trường tái xuất sang CPC), cơ sở vật chất với 1.700.000 m3 kho bể, 2.100 cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu của PLX, 570 km đường ống để vận chuyển xăng dầu....

Gần đây, năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, tuy hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrolimex có biến động, nhưng đó là do sức ép tỷ giá và trích lập quỹ bình ổn xăng dầu, cũng như do những biến động giá thị trường trong và ngoài nước. Nếu nhìn lại quá trình hoạt động kinh doanh thì năm 2009, năm đầu tiên sau nhiều năm áp dụng cơ chế cấp bù lỗ, nhà nước thực hiện việc điều hành 100% bám theo giá xăng dầu thế giới hay ta thường nói là giá bán theo thị trường, PLX đã có lợi nhuận cao.

Như vậy, khi DN đã hoạt động theo mô hình cổ phần, Ban điều hành cũng sẽ sớm có định hướng để DN hoạt động và áp dụng điều tiết theo giá thị trường, thì khi đó thì chắc chắn NĐT sẽ không còn phải băn khoăn gì về kết quả kinh doanh của Petrolimex. Hay nói cách khác là với cơ chế DN đã và đang được phần nào chủ động điều chỉnh giá xăng dầu, từng bước hướng đến cơ chế thả nổi theo giá thị trường, Petrolimex chắc chắn sẽ là DN mang nguồn lợi không hề nhỏ cho các đối tác và các cổ đông”.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • 6 tháng, doanh nghiệp đăng ký mới giảm 4,7%
  • Cơ hội phát triển thị trường thiết bị định vị GPS
  • Hãng hàng không thứ 7 của Việt Nam được cấp phép
  • Tiếp tục khởi kiện nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
  • Dịch vụ khai báo thuế điện tử sẽ ăn nên làm ra?
  • Đào tạo “Hacker mũ trắng” cho các doanh nghiệp
  • Thời của các công ty nhiều tiền mặt
  • Tạo cú hích từ doanh nghiệp nhỏ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao