Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một năm nhiều biến động

Các dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android trong năm nay có mức tiêu thụ tăng nhanh. Ảnh: T.L

Trong năm qua, thị trường hàng công nghệ vẫn tăng trưởng nhưng cũng đã trải qua nhiều biến động. Các doanh nghiệp vẫn đang lo ngại về những khó khăn sẽ còn tiếp diễn…

Bà Võ Thị Hoàng Quân, Tổng giám đốc Công ty Phân phối FPT (FPT Distribution), cho biết năm 2009 FPT Distribution đạt mức tăng trưởng 40% so với năm trước, nhưng năm nay dự kiến mức tăng trưởng chỉ khoảng 20% trong trường hợp không có đột biến vào tháng 12. Dù vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng thấp hơn so với năm trước, theo bà Quân, là do thị trường sản phẩm công nghệ trong năm qua gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường.

“Khu vực này chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, vì vậy chịu ảnh hưởng lớn của ba lần biến động tỷ giá diễn ra vào các tháng Hai, Tám và Mười, làm cho các nhà phân phối và đại lý rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn. Các chương trình khuyến mãi dù được các hãng phối hợp phát động liên tục, rầm rộ quanh năm tại các điểm bán lẻ lớn, nhưng vẫn chưa thực sự hâm nóng được thị trường. Ngay cả những mùa mua sắm quan trọng như dịp khai trường vào tháng Chín và mùa tiêu thụ cuối năm kể từ tháng 11 tình hình vẫn không mấy cải thiện”, bà Quân cho biết.

Biến động khó lường

Bà Quân diễn tả đồ thị thị trường trong năm qua như sau: quý 1 – tăng trưởng đột biến; quý 2 – chậm đột biến; quý 3 – có chiều hướng cải thiện; quý 4 – kém sôi động so với các năm trước. Nhìn chung, cả năm diễn biến thị trường rất lạ, không khí trầm lắng kéo dài nhiều tháng liên tục bất kể các nỗ lực kích cầu… “Khó khăn chung của nền kinh tế làm cho người tiêu dùng dè dặt và tiết kiệm trong việc mua sắm hàng công nghệ. Có lẽ đây là năm mà thị trường này mới thực sự đối diện với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế”, bà nói.

Theo bà Quân, mảng khách hàng doanh nghiệp vẫn phát triển bền vững mặc dù không có sự tăng trưởng đột biến, nhưng không bị ảnh hưởng mạnh như mảng khách hàng tiêu dùng cá nhân. Máy tính xách tay vẫn là mảng sản phẩm chủ lực trên thị trường. Các hãng đẩy nhanh vòng đời sản phẩm, liên tục tung ra mặt hàng công nghệ mới. Mảng linh kiện tụt giảm đáng kể cho thấy máy tính lắp ráp đang bị cạnh tranh bởi máy tính nguyên bộ và máy tính xách tay. Song song đó là cuộc chiến khốc liệt về giá của mặt hàng màn hình máy tính LCD giữa các hãng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc nhóm sản phẩm và giải pháp công nghệ thông tin của Samsung Vina, do khó khăn chung của nền kinh tế, các sản phẩm công nghệ cũng chịu ảnh hưởng nhất định khi người tiêu dùng phải ưu tiên chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu hằng ngày thay vì nâng cấp hay trang bị máy móc. Mặt khác, khối cơ quan nhà nước là thị trường lớn cho sản phẩn công nghệ thông tin đã hạn chế chi tiêu trong thời gian qua do khó khăn kinh tế đã phần nào hạn chế sức tăng trưởng của khu vực thị trường này.

Ông Sơn cũng cho biết mảng kinh doanh sản phẩm CNTT của Samsung ở một số dòng sản phẩm tốc độ tăng trưởng không được như dự kiến hoặc giảm, nhưng bù lại sự tăng trưởng của một số phân khúc như màn hình LCD, ổ đĩa cứng, ổ đĩa quang đã kéo được chỉ số chung. Ví dụ theo số liệu của GfK, thị phần của màn hình LCD của Samsung quý 3 là 39% so với quý 2 là 35%. Trong khi nhóm ổ đĩa cứng, ổ đĩa quang khó tăng trưởng dù vẫn giữ vững vị trí số 1 về thị phần trong quý 4 này với trên 50%, theo số liệu của Bộ Công Thương. Sự tăng trưởng đột biến của nhóm máy tính xách tay bất chấp khó khăn chung của thị trường đã góp phần giúp Samsung đạt được kế hoạch kinh doanh trong năm.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc tiếp thị Trung tâm WonderBuy, cho biết sức tiêu thụ máy tính tại đây đạt mức tăng trưởng 20% trong năm nay. Tuy nhiên ngành hàng bán lẻ có nhiều biến động, sức mua không tăng trong khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các trung tâm, siêu thị máy tính liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi giảm giá trực tiếp để lôi kéo khách hàng. “Nếu mùa mua sắm cao điểm năm nay sức mua không tăng, các trung tâm, siêu thị với nguồn tài chính hạn hẹp sẽ rất khó duy trì hoạt động, có thể thua lỗ vì chi phí bán lẻ thường lớn trong khi giai đoạn thấp điểm sẽ kéo dài từ sau Tết Âm lịch cho đến mùa hè”, ông Hùng cho biết.

Doanh nghiệp dự báo

Tại chuỗi siêu thị bán lẻ Thế Giới Di Động, ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh, cho biết thị trường điện thoại năm nay nổi bật với sự tăng trưởng nhanh chóng của các dòng máy ứng dụng hệ điều hành Android. Thêm nữa, nếu năm 2009 hàng loạt thương hiệu điện thoại Trung Quốc ra đời, thì năm 2010 này thị trường đã có sự sàng lọc rõ rệt với một số thương hiệu còn giữ được vị trí như Mobell, Ktouch, FPT, QMobile… Thị trường máy tính xách tay được dự báo sẽ chững lại vì sức mua không tăng. Tuy nhiên, ông Huân cho biết Thế Giới Di Động sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh các ngành hàng mới để đón đầu sự khôi phục của thị trường trong dài hạn.

Theo ông Sơn, rất khó để dự báo về thị trường sắp tới khi hiện tại các yếu tố ảnh hưởng còn nặng vì đây vốn là khu vực thị trường nặng về nhập khẩu, trong khi diễn biến tỷ giá hiện không thuận lợi. Dự báo chung là phân khúc máy tính để bàn và linh kiện máy tính sẽ chịu tác động mạnh, riêng mảng máy tính xách tay sẽ giữ tốc độ tăng trưởng từ 25-30%/năm. “Trong năm 2010 xu hướng chuyển đổi từ việc sử dụng máy tính để bàn sang máy tính xách tay đã khá mạnh trong khi phân khúc thiết bị di động cũng phát triển rất nhanh. Tốc độ chuyển đổi này diễn ra nhanh hơn dự báo đã khiến thị trường sôi động và có nhiều bất ngờ. Điều này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Song song đó máy tính bảng cũng sẽ tạo được sức hút nhất định trên thị trường”, ông Sơn dự báo.

Một yếu tố quan trọng khác, theo ông Sơn, là thị trường Việt Nam bắt đầu đi theo xu hướng phát triển của thế giới. Thực tế cho thấy các hãng CNTT hàng đầu đã bắt đầu chú trọng vào việc kinh doanh kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Chính vì lý do này mà Samsung đã bắt đầu tham gia thị trường thiết bị đầu cuối phục vụ cho nhu cầu phát triển của mô hình “điện toán đám mây” hứa hẹn sẽ phát triển rất nhanh trong những năm tới. Theo bà Quân, trong tình hình khó khăn đó nhà phân phối như FPT phải có những kế hoạch đối ứng linh hoạt với diễn biến của thị trường, làm sao cân bằng giữa hai mảng kinh doanh hỗ trợ dự án và phân phối thuần túy để bảo đảm mục tiêu kinh doanh. Trong năm nay, FPT đã tăng kênh phân phối và sẽ tiếp tục mở rộng các dải sản phẩm mới của nhiều nhà sản xuất để tạo thêm sự đa dạng cho sản phẩm, tăng các cơ hội chọn lựa cho người tiêu dùng.

Ông Hoàng Tùng, Giám đốc Trung tâm sản phẩm và tiếp thị Công ty Digiworld, một nhà phân phối máy tính khá lớn khác, cũng cho biết năm nay thị trường máy tính xách tay tăng trưởng mạnh trong khi máy tính để bàn suy giảm rõ rệt. Sự tăng trưởng đột biến của thị trường máy tính bảng thời gian qua được dự báo sẽ tiếp tục trong năm tới với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Các chuyên gia dự báo thị trường máy tính nói chung và máy tính xách tay nói riêng vẫn tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân, theo ông Tùng, là tỷ lệ người dùng máy tính tại Việt Nam vẫn còn thấp, giá máy tính càng ngày càng gần với túi tiền của đông đảo người sử dụng có nhu cầu. Để tận dụng cơ hội tăng trưởng Digiworld cũng tăng cường phân phối sản phẩm của nhiều hãng mới và tăng độ phủ kênh thị trường.

Theo ông Huỳnh Nhân Quí, Giám đốc nghiên cứu thị trường Công ty Viễn Thông A, nhìn chung ngành hàng CNTT không đạt được mức tăng trưởng cao trong năm nay so với các ngành hàng khác như điện máy, điện thoại... Tuy nhiên, điều đáng chú ý là năm nay thị trường tăng trưởng mạnh ở các tỉnh thành khác ngoài hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Điều này giúp giữ được tốc độ tăng trưởng chung trên toàn hệ thống. Ông Quí dự báo thị trường máy tính xách tay sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới (mức tăng trưởng hiện nay tại chuỗi siêu thị này là khoảng 40% so với năm 2009) nhờ có nhiều lựa chọn và máy có cấu hình ngày càng mạnh với mức giá phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng.

 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vladivostok Air : Khai trương chuyến bay đầu tiên
  • Xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2010
  • Doanh nghiệp bức xúc về thuế
  • Đến hạn, khó có hóa đơn
  • Hải quan: chuyển sang khai báo thủ công khi nghẽn mạng
  • Cứ yên tâm nếu chưa kịp in hóa đơn
  • Ngành đóng tàu mạnh không làm tất cả
  • Nỗi buồn Okinawa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao