Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ước gì như Vinashin...

Cách thức Vinashin chuyển nhượng cổ phần tại BVH cho SCIC xét về góc độ kinh doanh là phi kinh tế. Ảnh: Lê Toàn.

Quí 3-2009 vừa đi qua, hàng loạt công ty đại chúng đã tận dụng sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán để phát hành thêm cổ phiếu, tái cơ cấu vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ, thành phần cổ đông. Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông thông qua việc chuyển giao cổ phần của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) tại BVH cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Ở đâu cũng của Nhà nước

Đầu tháng 9-2009 Vinashin thông báo sẽ thoái vốn toàn bộ vốn đầu tư tại BVH. Khi đó số cổ phiếu mà Vinashin đang sở hữu là 20,4 triệu, chiếm 3,56% vốn điều lệ của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Việt Nam này. Giá vốn đầu tư của khoản trên là 1.467 tỉ đồng và nếu tính từ thời điểm đầu tư vào giữa năm 2007 thì Vinashin đã nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt được gần 27 tháng.

Ngay lập tức, thông tin thoái vốn của Vinashin khiến giới đầu tư e ngại bởi suốt các tháng 7-8 giá cổ phiếu BVH tăng không đáng kể, dao động xung quanh ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp sự tăng điểm của VN-Index. Tính theo giá thị trường, Vinashin sẽ lỗ khoảng 600-650 tỉ đồng từ vụ đầu tư vào BVH. Còn nếu tính cả lãi vay ngân hàng, giả sử 10%/năm cho khoảng giá gốc 1.467 tỉ đồng, Vinashin còn thiệt thêm 330 tỉ đồng.

TTXVN dẫn lời ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin, trao đổi với báo giới rằng “đây là khoản đầu tư lớn nhất trong số các khoản đầu tư ra ngoài ngành của Vinashin (ước tính chiếm 4,7% trong tổng mức đầu tư 50.000 tỉ đồng)”. Ông Bình cũng nhận định bảo hiểm là lĩnh vực đầu tư ít rủi ro nhất.

Tuy nhiên Vinashin rất “may mắn”. Ngày 23-9-2009 đại hội đồng cổ đông Bảo Việt ra nghị quyết chuyển giao toàn bộ số cổ phần do Vinashin nắm giữ tại BVH cho SCIC. Giá SCIC nhận chuyển nhượng là giá vốn ban đầu. Đại hội cổ đông được tiến hành bằng việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Có thể thấy nghị quyết đã không quá khó khăn để được thông qua vì Nhà nước vẫn còn giữ 77,54% vốn Bảo Việt. Vinashin đã thu hồi được khoản đầu tư theo giá gốc. Giới quan sát băn khoăn việc SCIC đang quản lý vốn nhà nước tại Bảo Việt, nay nhận thêm khoản chuyển nhượng từ Vinashin, hai khoản đầu tư này sẽ được tính toán thế nào? Thực tế không phải vậy. Vốn nhà nước tại Bảo Việt cho đến nay vẫn được Bộ Tài chính trực tiếp quản lý, SCIC chỉ quản lý 20,4 triệu cổ phiếu mới nhận thôi. Nhưng SCIC cũng trực thuộc Bộ Tài chính.

Vinashin là tập đoàn nhà nước, SCIC cũng của Nhà nước. Việc chuyển nhượng cổ phiếu BVH từ Vinashin sang SCIC nói một cách hình ảnh là từ “túi này của Nhà nước sang túi kia, cũng của Nhà nước” và ở đâu thì cũng là Nhà nước cả. Sau vụ chuyển nhượng này, tỷ lệ vốn nhà nước tại BVH, cả trực tiếp và gián tiếp, tăng lên thành 81,1% và ngoài Nhà nước, Bảo Việt chỉ có một cổ đông tổ chức lớn khác là đối tác nước ngoài HSBC sở hữu 10% vốn điều lệ.

Nhà đầu tư cá nhân ước được như Vinashin

Tháng 5-2007, khi Bảo Việt IPO, ngoài Vinashin còn có hai tổng công ty nhà nước khác đăng ký tham gia và đã đặt cọc, cam kết mua cổ phiếu BVH với giá bằng giá đấu thành công bình quân. Sau đó, hai doanh nghiệp kia rút lui (nhưng vẫn được nhận lại tiền cọc - NV) chỉ còn lại Vinashin thực hiện cam kết mua ban đầu. Sau này, theo TTXVN, ông Bình lý giải việc đầu tư vào Bảo Việt gắn với lợi ích của Vinashin trên hai phương diện: ổn định phí bảo hiểm có lợi cho Vinashin và Vinashin có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào từ thu phí bảo hiểm của Bảo Việt.

Việc chuyển nhượng cổ phiếu BVH từ Vinashin cho SCIC không có chênh lệch giá mua bán, xét về góc độ kinh doanh là phi kinh tế. Nhưng ở đây có lý do khách quan là việc chuyển nhượng cổ phiếu BVH của Vinashin là theo chỉ đạo của Chính phủ về tập trung chấn chỉnh việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế. Hiện tại liệu Vinashin có thể trả lại 95,3% các khoản đầu tư khác với giá gốc cho những doanh nghiệp mà họ đã bỏ vốn vào, để lấy lại tiền cho Nhà nước không? Hay cổ phiếu BVH chỉ là trường hợp đặc biệt?

Nhìn rộng hơn, các nhà đầu tư cá nhân, những người đã mua cổ phiếu BVH với giá đấu bình quân 73.910 đồng/cổ phiếu, không có may mắn được nhượng lại cổ phiếu cho SCIC với giá gốc. Kể từ ngày chào sàn Hose 25-6-2009 giá cổ phiếu BVH cao nhất là 52.500 đồng/cổ phiếu và các nhà đầu tư cá nhân tham gia IPO vẫn chưa hòa vốn.

Hơn nữa, việc chuyển giao cổ phiếu theo giá gốc của Vinashin về SCIC còn có thể tạo ra tiền lệ không tích cực cho những doanh nghiệp nhà nước khác đã tham gia IPO Đạm Phú Mỹ, Vietcombank, Sabeco, Habeco. Họ có thể đề nghị chuyển nhượng lại cổ phiếu đã mua cho SCIC với giá IPO và SCIC có chấp nhận không? Mặt khác, nếu hai năm vừa qua giá cổ phiếu Bảo Việt tăng cao hơn giá IPO, thì Vinashin có đồng ý chuyển nhượng cho SCIC với giá gốc không? Những câu hỏi đó đang gợi lên nhiều thắc mắc cho thị trường tài chính!

 

(Theo Hải Lý // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào các tỉnh ĐBSCL
  • Doanh nghiệp cổ phần nhà nước thu hút đầu tư kém
  • Intel hướng đến điện toán cá nhân
  • Nhiều giải pháp cho quản lý cao ốc và ngân hàng
  • Ông vua năng lượng mặt trời BP cho thấy tương lai ngành điện năng lượng mặt trời.
  • Xác định lại giá trị doanh nghiệp tại MobiFone
  • Viettel và MobiFone chuẩn bị gia nhập thị trường 3G
  • Vietnam Airlines mở phòng vé thứ 3 tại Hà Nội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao