Cần ưu tiên điện cho sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Toàn. |
Trong khi các bạn bè, đồng nghiệp ở TPHCM và Hà Nội còn đang tạm yên tâm về vấn đề nguồn cung ứng điện cho sản xuất, thì tại Hưng Yên, từ gần ba tuần nay, công nhân của Công ty Nhựa B chơi nhiều hơn làm.
Giám đốc công ty cho biết: “Chính thức thì chúng tôi được thông báo cắt điện ba ngày trong một tuần, nhưng các ngày còn lại, hôm nào cũng bị cúp điện đột xuất”. Đối với ngành nhựa, nhất là lĩnh vực sản xuất màng mỏng, mỗi lần mất điện đột ngột là một lần thiệt hại. Ngoài số bán thành phẩm bị biến thành phế liệu, doanh nghiệp còn phải mất nhiều thời gian, chi phí nhân công để vệ sinh lại máy móc. Vì thế, để tránh thiệt hại, Công ty B đành cho công nhân nghỉ luôn cả tuần.
Báo cáo tại Quốc hội hôm 26-3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho biết mặc dù tình hình cung ứng điện khó khăn, nhưng ba tháng đầu năm nhìn chung cũng đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu về sản xuất và đời sống nhân dân. Thông tin trên rõ ràng chưa phản ánh hết nỗi khổ thiếu điện của cộng đồng doanh nghiệp. Nói việc cung cấp điện đáp ứng cơ bản các yêu cầu về sản xuất, có lẽ chỉ đúng ở Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh lớn khác. Theo giám đốc Công ty Nhựa B, trong thông báo cắt điện gửi đến công ty ông, ngành điện nói thẳng là phải cắt nhiều để “dành ưu tiên cho Hà Nội”.
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu cả nước tiết kiệm được 10% điện cho sản xuất và sinh hoạt, thì sẽ không bị thiếu điện vào mùa khô.
Hiện nay, ngành điện đang vận động tiết kiệm điện, với mục tiêu tiết giảm 10%. Nhưng những gì đang diễn ra tại Hưng Yên thì không theo chiều hướng đó. Giám đốc Công ty Nhựa B cho biết, ông được cán bộ ngành điện đến tận nơi, mời bàn về tiết kiệm điện. Nói là bàn bạc, nhưng thực tế ông được đưa một bản cam kết đánh máy sẵn và yêu cầu ông phải ký. Bản cam kết đưa ra hạn ngạch, xác định lượng điện được phép tiêu thụ tương đương 80% mức của năm ngoái. Ngành điện sẽ kiểm tra thường xuyên, công ty xài hết hạn ngạch lúc nào là cắt điện ngay lúc đó và cũng với điệp khúc “ưu tiên cho Hà Nội”. “Làm như vậy thì chết chúng tôi rồi. Chúng tôi mới đầu tư nâng công suất lên gấp đôi. Công ty cũng đã đăng ký lượng điện tiêu thụ cho năm nay và được ngành điện chấp thuận, nhưng nay chỉ cho hạn mức bằng 80% của năm ngoái thì hoạt động thế nào được”, ông la hoảng lên.
Thiếu điện thì phải cắt. Đó là rủi ro chung mà mọi doanh nghiệp phải gánh chịu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy rủi ro này không được chia đều. Cũng như năm ngoái, Hà Nội và TPHCM được ưu tiên cấp điện hơn. Còn các doanh nghiệp ở các tỉnh lẻ thì phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Trong các cuộc họp Chính phủ từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc đi, nhắc lại “phải ưu tiên điện cho sản xuất”. Với tinh thần đó, lẽ ra những cơ sở sản xuất như Công ty Nhựa B phải là đối tượng được ưu tiên, dù cho nhà máy đặt ở địa phương nào. Thiếu điện là bất cập mà nhiều năm nay Việt Nam chưa thoát ra được.
Trong hoàn cảnh đó, vấn đề đặt ra là phải sử dụng nguồn điện hạn hẹp sao cho có lợi nhất, đó là ưu tiên cho phát triển sản xuất và kinh doanh. Việc tiết kiệm, cắt giảm điện nên tập trung trước hết vào khu vực phi sản xuất. Hơn ai hết, cơ quan công quyền phải đi đầu. TPHCM hiện có hơn 2.800 tòa nhà công sở, văn phòng. Trên phạm vị cả nước, con số này sẽ lên đến hàng chục ngàn. Nếu tất cả công sở tình nguyện sử dụng hợp lý hơn máy điều hòa nhiệt độ thì sẽ huy động lượng điện không nhỏ cho sản xuất. Ngoài ra, còn hàng loạt những đối tượng khác có thể tiết giảm bằng cách áp dụng định mức tiêu thụ, như các quán nhậu, vũ trường, quán bar, các tụ điểm vui chơi giải trí, những bảng hiệu quảng cáo ngoài trời và thậm chí là điện cho sinh hoạt.
Sản xuất, kinh doanh phải được ưu tiên tạo mọi điều kiện để phát triển. Vì đây là nguồn lực tăng trưởng kinh tế. Có tăng trưởng, thì chúng ta mới có tích lũy để đầu tư phát triển nguồn điện, từ đó mới hy vọng thoát khỏi cảnh bị thiếu điện.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com