Ông Phạm Tấn Công |
Thành công đáng ghi nhận nhất của xuất khẩu phần mềm Việt Nam là sự tăng trưởng. Xuất khẩu phần mềm liên tục tăng trưởng 30-40% trong 5-6 năm qua, thậm chí có những năm tăng trưởng 100%. Sở dĩ có mức tăng trưởng này là do xuất phát điểm của xuất khẩu phần mềm Việt Nam thấp.
Thành công đáng ghi nhận là sự tăng trưởng, chứ không phải doanh thu lớn. Vì sao, thưa ông?
Lý do là chúng ta chưa có sức mạnh tổng hợp trong xuất khẩu phần mềm, chủ yếu là “mạnh ai nấy làm” và cùng chen chân tại thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm giành được hợp đồng giống như người bán hàng xén, hợp đồng gì cũng làm. Chính vì thế, chúng ta không tạo được thương hiệu quốc gia trong xuất khẩu phần mềm.
Vinasa có động thái gì để tạo dựng thương hiệu quốc gia trong xuất khẩu phần mềm?
Hiệp hội đã có nhiều động thái trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp khai phá thị trường và vận động các doanh nghiệp làm một số sản phẩm phần mềm mà Việt Nam có lợi thế. Tuy nhiên, tiếng nói từ phía Hiệp hội chỉ mang tính chất vận động, định hướng. Do vậy, trong việc này, cần có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước cần có những chính sách mang tính định hướng cho toàn ngành, điều chỉnh nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực của Nhà nước tập trung thực thi chính sách đã đề ra.
Hiện đã có 2 chương trình lớn cho thúc đẩy xuất khẩu phần mềm được phê chuẩn, thưa ông?
Mặc dù đã có 2 chương trình được phê chuẩn, nhưng thực sự chưa được thực hiện một cách triệt để. Giá trị lớn nhất mà các chương trình mang lại là tạo ra sự động viên tinh thần đối với ngành phần mềm. Theo tôi, cần phải có một chiến lược quốc gia về xuất khẩu phần mềm để tạo tầm nhìn, mục tiêu dài hạn để tất cả mọi người cùng làm.
Dự báo của ông về xuất khẩu phần mềm năm 2010?
Năm 2010, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, công nghệ thông tin là ngành tạo ra hạ tầng kỹ thuật giúp các ngành kinh tế khác phát triển.
Do vậy, khi các ngành kinh tế khác phục hồi, công nghệ thông tin cũng sẽ phục hồi gấp 2-3 lần so với các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, Việt Nam cũng đã tìm kiếm và thành công ở một số thị trường mới, điển hình là Mỹ. Như vậy, năm 2009, xuất khẩu phần mềm đã chạm đáy, hy vọng năm 2010, xuất khẩu phần mềm sẽ có nhiều khởi sắc.
Trong năm 2010, Vinasa có dự định hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm khai phá thêm các thị trường mới không?
Trong năm 2010, các doanh nghiệp nên tiếp tục tập trung vào thị trường châu Âu (Đức, Pháp). Dự kiến, tháng 3/2010, Vinasa sẽ tổ chức một đoàn khoảng 10 doanh nghiệp đi châu Âu tham gia Triển lãm CeBIT - triển lãm hàng đầu về công nghệ thông tin trên thế giới.ª
(Theo Thu Huyền // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com