Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

CPH doanh nghiệp: Lại dò dẫm tìm đường

Tâm lý chần chừ, do dự đang ngày càng tăng với chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước kể từ khi chương trình này được khởi động cách đây 16 năm với các bước đi từ dò dẫm đến mạnh bạo rồi lại… quay về dò dẫm!

Số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH) chỉ đạt vẻn vẹn 21% và 28% kế hoạch của năm ngoái và năm nay là một minh chứng rõ nét nhất cho sự do dự, dò dẫm này.

Tác động kép

Mọi tính toán của các nhà thiết kế thị trường chứng khoán Việt Nam đều bị đảo lộn. Trong năm 2005, khi vốn hoá trên thị trường chứng khoán chỉ tương đương với 7,8% GDP, họ đã đặt ra mục tiêu tham vọng: tăng gấp 3 quy mô thị trường chứng khoán vào năm sau, tức mức vốn hoá sẽ tương đương với 20% GDP.

Tuy nhiên, những diễn biến vượt bậc trên thực tế cho thấy mục tiêu này là quá khiêm tốn. Cho đến tháng 12 năm ngoái, mức vốn hoá trên TTCK đã nở ra tương ứng với 48% GDP của Việt Nam, đạt 470 nghìn tỉ đồng. Bước phát triển này làm các nhà hoạch định chính sách đưa ra kế hoạch tham vọng hơn: đưa quy mô TTCK lên tương ứng 50% GDP năm 2008.

Nhưng kế hoạch này đã sụp đổ khi chỉ số VN-Index tuột dốc không phanh từ đỉnh 1179 điểm tháng 3 năm ngoái xuống ngưỡng 300 điểm gần đây. TTCK “teo” lại tương ứng với 17% GDP (khoảng 13 tỷ đô-la Mỹ), tức là giảm tới 70%.

Những diễn biến không thể lường được này đã đặt dấu ấn đậm nét lên chương trình cổ phần hóa. Nó đã “đạp phanh” lên chương trình đã được bắt đầu từ những năm 1992 của thế kỷ trước.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kể từ đầu năm đến nay, chỉ có 73/262 doanh nghiệp được cổ phần hóa, đạt vỏn vẹn 28% kế hoạch được Chính phủ phê duyệt. Như vậy, đây là năm thứ hai chương trình này bị chậm lại, sau khi cả nước chỉ cổ phần hóa được 116 trong tổng số gần 600 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong năm 2007.

Theo phương án tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước đã được chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2007 - 2010 cần sắp xếp 1.553 doanh nghiệp, trong đó có 950 thuộc diện CPH. Trong số các doanh nghiệp CPH có 144 công ty TNHH một thành viên. Tiến sỹ Nguyễn Đăng Nam, thuộc Học viện tài chính nhận xét, các lần IPO không thành công của một số doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, và tình trạng không bán hết cổ phần của nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết tâm chuyển đổi sở hữu của các nhà quản lý doanh nghiệp.

Điều này không phải bàn cãi. Công ty thông tin di động Mobifone, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam chỉ có thể bắt đầu chương trình cổ phần hoá vào quý 2 năm tới, thay vì trong năm 2008 như đã dự kiến. Điều này đã thách thức lòng kiên nhẫn của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai thì cho rằng, cả doanh nghiệp này và bộ chủ quản “rất cần thận trọng”.

Ông Lê Hải Mơ, Viện Khoa học tài chính nói: “Sự tụt hậu trong CPH là nguyên nhân chính trực tiếp giải thích tại sao TTCK vẫn nghèo nàn về hàng hoá, và ngược lại, TTCK đánh mất đi sự hấp dẫn với các nhà đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên niêm yết”.

Chính phủ thiếu quyết tâm

Theo một khảo sát của Quốc hội với 1.000 công ty cổ phần, có 85% doanh nghiệp có lời và có cổ tức cao sau khi thực hiện CPH. Những chỉ số khác cũng rất lạc quan: vốn điều lệ tăng trung bình 44%, doanh thu tăng 23,6%, lợi nhuận tăng gần 49%, thu nhập của  người lao động tăng 12%, tỷ suất lợi nhuận tăng 10-20%.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao CPH lại chậm lại trong bối cảnh các doanh nghiệp này đã trở  nên hiệu quả và năng động hơn sau khi chuyển đổi sở hữu? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh của Bộ Tài chính nhận xét, câu trả lời nằm ở phía Nhà nước. “Chúng ta đang phân vân với các mục tiêu CPH. CPH là nhằm huy động tiền nhàn rỗi của dân cho sản xuất, hay thu tiền về cho Nhà nước? Điều này cần phải làm rõ”.

Theo ông Ánh, CPH chậm hoàn toàn là vấn đề chủ trương và quyết tâm của Chính phủ. “Kế hoạch CPH đã không hoàn thành suốt từ năm 2006 đến nay. Tôi nghĩ là do nó liên quan đến quan điểm của Nhà nước về CHP. Ý tưởng chủ đạo trước đây với CPH là để tăng cường hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Khi TTCK bùng nổ thì ý tưởng này chuyển thành, tăng vốn cho Nhà nước. Nay bong bong vỡ ra thì chúng tôi chưa thấy rõ Nhà nước đặt mục tiêu CPH là gì?”.

Trong hơn 16 năm qua, chỉ 15% vốn của nhà nước được cổ phần hóa. Bình quân chưa tới 1%/năm. Vậy với 85% vốn còn lại, sẽ dò dẫm mất bao lâu nếu thiếu sự đột phá thực sự?

Trong khi đó, giới đầu tư đã bày tỏ sự sốt ruột khi chương trình này bị chậm lại. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nói: “Tình hình thị trường chứng khoán hiện tại có thể làm chậm cổ phần hóa, nhưng chúng tôi khuyến nghị Chính phủ cố gắng không nên trì hoãn tiến trình này và hướng tới tầm nhìn dài hạn”.

Ông này cho biết, nhiều nhà đầu tư quốc tế hàng đầu vẫn đang rất quan tâm đến các chương trình cổ phần hóa các ngành viễn thông, ngân hàng ở Việt Nam. “Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ nên cố gắng đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá và công bố lộ trình và thời gian biểu rõ ràng cho các đối tác chiến lược tiềm năng”, ông này nói.

Trong khi đó, các tổng công ty nhà nước đang có xu hướng rầm rộ chuyển sang tập đoàn kinh tế, với 4 tổng công ty dự kiến sẽ thành tập đoàn trong năm tới, đưa con số tập đoàn lên thành 12. Xu thế này đang gây quan ngại cho giới đầu tư tư nhân. Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Loan nói: “Nếu tiếp tục phát triển các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước thì hiệu quả sử dụng đồng vốn sẽ tiếp tục rất thấp, như vậy sẽ còn làm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Cần nhìn nhận rõ vấn đề này.

Bà Loan nhận xét, Việt Nam đang đi theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường nghĩa là nhà nước cần đưa các hoạt động kinh tế theo quy luật thị trường, chứ không phải điều hành kinh tế theo kiểu mệnh lệnh hành chính của thời bao cấp. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa, là vì lợi ích của nhân dân, và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Về điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Ủy viên thường trực UB Kinh tế của QH cho rằng, kinh tế thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước là họ phải chuyển đổi theo hướng lợi nhuận; còn định hướng xã hội chủ nghĩa là nhà nước sẽ phân phối lại lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước đó. “Nhưng rõ ràng, hiện nay chúng ta chưa làm tốt được việc thứ nhất nên chúng ta ngập ngừng”, ông Kiên nhận định.

 

(Theo dddn)

  • Đánh giá năng lực cạnh tranh: DN nên chủ động
  • Xoá và giãn tiền thuế giúp doanh nghiệp vượt qua suy thoái
  • Doanh nghiệp hiến kế
  • Những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp
  • Hội thảo mua bán-sáp nhập doanh nghiệp VN
  • 26 loại hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng
  • Vườn ươm cho các doanh nghiệp mới khởi sự
  • Doanh nghiệp được tự quyết giá 14 mặt hàng thiết yếu
  • Thiếu sự hỗ trợ, doanh nghiệp ngán ngại
  • Quy luật thả neo và marketing sự sợ hãi
  • Phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả
  • Diễn đàn kinh doanh: Bước chuyển hội nhập
  • Các doanh nghiệp Anh tiếp tục hướng đến Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao