Việc phát hiện xác một chiếc tàu chở chất thải hạt nhân ở vùng biển miền Nam nước Ý hồi tháng 9-2009 cho thấy mức độ gây ác của Ndrangheta
Chiếc tàu nói trên thật ra không phải là chiếc tàu đầu tiên. Nó được tìm thấy theo lời khai của Francesco Fonti, một cựu thành viên của tổ chức mafia Ndrangheta.
Theo tạp chí Ý LEspresso, hồi năm 2005, Fonti đã khai với các nhà điều tra rằng chính y đã đặt chất nổ phá một lỗ thủng làm tàu chìm cách thành phố biển Cetraro 36 km ngoài khơi biển. Fonti cho biết chiếc tàu chở chất thải hạt nhân từ Na Uy.
Một cuộn băng ghi hình bằng bộ điều khiển từ xa cho thấy chiếc tàu nằm nghiêng trên đáy biển và ít nhất có một thùng tuôn ra một chất lạ từ lỗ thủng. Đó là chiếc MV Cunsky mà Fonti đánh chìm năm 1992 chở 120 thùng chất thải hạt nhân độc hại. Ndrangheta lãnh làm vụ này với giá 100.000 bảng Anh. Fonti làm theo lệnh của sếp Sebastiano Romero ở San Luca.
Hiện trường vụ thảm sát 6 thành viên của Ndrangheta ở Duisburg, Đức. Ảnh: Panorama
Theo Fonti, có 30 chiếc tàu như vậy chìm ở ngoài khơi vùng Calabria, quê hương của tổ chức mafia Ndrangheta. “Trong số đó tôi đánh chìm ba chiếc” – Fonti thú nhận.
Chôn chất thải độc hại ngay trên quê hương
Chuyện Ndrangheta tổ chức chôn lén chất thải hạt nhân ở Ý và các nơi khác, nhất là ở Somalia, đã được các nhà điều tra Ý điều tra sâu từ năm 2007, năm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Duisburg, Đức. Nhật báo Anh The Guardian cho biết lúc đó Ndrangheta tổ chức buôn lậu từ ma túy đến chất thải hạt nhân.
Tám cựu nhân viên của Cơ quan nghiên cứu hạt nhân nhà nước Ý (Enea) và hai thành viên của Ndrangheta đã bị thẩm vấn. Các nhân viên Enea bị tình nghi trả tiền cho mafia Ndrangheta để chôn lén chất thải hạt nhân trong những năm 1980 và 1990.
Lúc đó, họ làm việc tại một trung tâm của Enea ở Rotondella, một thị trấn ở tỉnh Basilicata, cực Nam nước Ý. Trung tâm này chuyên xử lý chất thải “độc hại” và “đặc biệt”. Các trung tâm Enea khác nghiên cứu công nghệ làm nóng chảy hạt nhân và phân hạch.
Một quan chức cao cấp của Enea không chịu tiết lộ danh tánh bác bỏ mọi cáo buộc Enea làm bậy: “Enea luôn luôn làm theo luật pháp và hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước và các tổ chức quốc tế”.
Tuy nhiên, theo một thành viên của Ndrangheta đã “cải tà quy chính” thì một quan chức cao cấp Enea đã từng trả tiền cho Ndrangheta để xử lý 600 thùng chất thải độc hại có phóng xạ không chỉ của Ý mà còn của nhiều nước khác như Thụy Sĩ, Pháp, Đức và Mỹ, ở Somalia, Kenya và Zaire, những nước châu Phi rất nghèo.
Chiếc tàu được chỉ định chở chất thải nằm tại bến cảng Livorno ở miền Bắc nước Ý chỉ chở được 500 thùng. Vì vậy Ndrangheta đem 100 thùng còn lại chôn lén ở vùng Basilicata ở miền Nam nước Ý. Chôn ở đâu thì, lúc đó năm 2007, các nhà điều tra cũng chưa tìm ra. Người ta nghi ngờ chúng chôn ở thị trấn Matera, nơi nổi tiếng với những ngôi nhà cổ khoét sâu trong núi nhưng vẫn chưa tìm thấy gì.
Cũng theo lời khai của cựu thành viên Ndrangheta, 500 thùng chất thải hạt nhân được tàu chở tới Somalia. Tại đây, Ndrangheta mua chuộc các quan chức địa phương đem chôn lén hoặc đổ xuống biển.
Tuy không rõ trong số chất thải nói trên có plutonium hay không nhưng theo nhật báo Ý Il Giornale, Ndrangheta có kế hoạch bán plutonium cho chính phủ các nước ngoài. Có tin Giuseppe Nirta, thủ lĩnh Ndrangheta ở San Luca, cũng có ý định mua bán chất thải hạt nhân.
Nicola Gratteri, thẩm phán chống mafia nổi tiếng của Ý, nhận xét: “Nếu có hơi tiền là Ndrangheta sẽ lao vào, cho dù đó là chất thải hạt nhân. Bọn mafia có mặt ở khắp nơi. Ở đâu có quyền lực và tiền bạc là ở đó có chúng”.
Cỏ dại
Trong cuốn La Malapianta (tên một loài cỏ dại) xuất bản năm 2009, hai người chống mafia Ndrangheta quyết tâm trả lời những câu hỏi về tổ chức này. Người thứ nhất là thẩm phán Gratteri, Cục phó Cục chống mafia ở thành phố Reggio Calabria và Antonio Nicaso, nhà báo - nhà văn Ý chuyên viết về đề tài tội phạm có tổ chức, hiện đang sống ở Canada vì ở Ý bọn mafia tìm giết ông.
Những câu hỏi đặt ra đại loại như tại sao người ta biết quá ít về Ndrangheta? Làm thế nào tổ chức này đạt được doanh số hằng năm lên đến 45 tỉ euro, bằng 3% GDP của nước Ý? Tại sao các chính khách ở Calabria chẳng có chút cố gắng nào để kéo giảm tội phạm ở Calabria?
So sánh cỏ malapianta với Ndrangheta - theo phân tích của Roberto Saviano, nhà văn Ý nổi tiếng chống mafia, trên tạp chí LEspresso, các tác giả đã nắm bắt trúng bản chất của Ndrangheta.
Cỏ malapianta có đặc điểm không tiết ra ôxy như các loài cây khác, làm khô cháy đất nơi nó mọc. Nó có mặt ở khắp nơi, gieo mầm móng chết chóc. Ndrangheta cũng vậy. Sinh ra tại Calabria, chúng ăn sâu vào những vùng nghèo khổ nhất của nước Ý. Chúng bắt tay với các ông trùm ma túy Colombia ở Nam Mỹ để nhập khẩu và phân phối lại cocaine ở khắp châu Âu, mở đường sang thị trường châu Á và châu Phi.
Mặc dù sinh ra tại Calabria và có rất nhiều tiền, chúng không bao giờ đầu tư vào quê hương của chúng hoặc nếu có đầu tư thì cũng chẳng có lợi ích gì cho dân địa phương.
Ở Mỹ, người ta lầm tưởng Cosa Nostra, sinh ra ở đảo Sicilia, là mafia hùng mạnh nhất ở Ý qua sách và phim nổi tiếng như Bố già. Họ đâu có biết Ndrangheta chính là tổ chức tội phạm kiểu mafia số một hiện nay ở Ý.
Người ta ước tính Ndrangheta có đến 6.000 -7.000 thành viên so với 5.000 người của Cosa Nostra. Nhưng theo thẩm phán Gratteri, tính cả thế giới, “tổ chức này có đến 10.000 người”.
Hoạt động thầm lặng hơn Cosa Nostra gốc Sicilia, Camorra gốc Napoli hay Sacra Corona Inita gốc Puglia, Ndrangheta giống như người tàng hình trong mắt người Ý và các nước khác. Chỉ đến khi vụ thảm sát rùng rợn ở Duisburg, Đức, được báo chí làm rùm beng thì Ndrangheta mới “nổi tiếng”.
Kỳ tới: Vươn vòi ra nước ngoài
(Theo THẢO HƯƠNG // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com