(minh họa: Khều) |
Mặc dù tình tiết vụ kiện giữa Công ty TNHH Vinametric với Cục Thuế TPHCM không quá phức tạp nhưng phải qua bốn lần triệu tập xử rồi hoãn, hoãn rồi xử, kéo dài ba tháng trời, tòa án cấp sơ thẩm mới đưa ra được phán quyết. Đây là vụ kiện có giá trị tranh chấp tiền thuế lên tới gần 8 triệu đô la Mỹ.
Tranh chấp Người khởi kiện là Công ty TNHH Vinametric (100% vốn Singapore). Công ty này cũng là chủ của khách sạn 4 sao Duxton Hotel Sai Gon tại TPHCM. Ngoài lĩnh vực khách sạn, tháng 6-2006 Vinametric được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn y giấy phép đầu tư bổ sung hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Có giấy phép, từ tháng 7-2006 Vinametric bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng. Được một thời gian thì xảy ra tranh chấp. Vinametric thì đề nghị được nộp thuế theo phương thức khoán và thực tế từ tháng 7-2006 đến tháng 12-2007 công ty đã tự nộp 14 tỉ đồng tiền thuế các loại. Trong khi đó, Cục Thuế TPHCM lại yêu cầu công ty phải nộp theo phương thức kê khai và với phương thức này số thuế phải nộp lên tới trên 141 tỉ đồng, cao gấp hơn 10 lần so với số thuế doanh nghiệp đưa ra. Tức là, nếu trừ khoản thuế đã nộp lúc đầu, Vinametric vẫn còn nợ 127 tỉ đồng (tương đương khoảng 7,9 triệu đô la Mỹ vào thời điểm lúc bấy giờ). Ngày 21-5-2008, sau nhiều cuộc họp vẫn không thống nhất được về phương pháp tính thuế, Cục Thuế TPHCM đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-CT-KTT1 yêu cầu Vinametric nộp bổ sung thuế nói trên. Còn Vinametric khởi kiện vụ án hành chính ra TAND TPHCM yêu cầu hủy bỏ việc nộp bổ sung và đề nghị được chấp nhận nộp thuế theo phương thức khoán. Phiên tòa sơ thẩm được triệu tập vào tháng 1-2010 nhưng phải hoãn và chỉ được khởi động lại sau đó vài tháng. Tổng cộng bốn lần triệu tập xử rồi hoãn, hoãn rồi xử, TAND TPHCM mới đưa ra được phán quyết bằng bản án sơ thẩm vào ngày 16-4-2010. Điều đó cho thấy sự thận trọng của tòa trong việc xem xét vụ kiện. Một vụ kiện mà TAND TPHCM đã phải có công văn gửi Bộ Tài chính với nội dung “xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính về các ý kiến của Vinametric và Cục Thuế TPHCM để tòa án giải quyết vụ án được chính xác, phù hợp với pháp luật”! Tranh cãi Sở dĩ liên quan đến Bộ Tài chính vì vấn đề mấu chốt gây tranh cãi xoay quanh một điều khoản của bản quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng ban hành kèm theo Quyết định số 91/2005/QĐ-BTC ngày 8-12-2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đó là khoản 1, điều 8 quy định: “Cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức khoán. Mức thuế khoán được xác định trên cơ sở số máy và loại máy đang được cơ sở kinh doanh sử dụng hoạt động kinh doanh theo quy định tại Phụ lục đính kèm...”. Tại giấy phép đầu tư bổ sung ngày 30-6-2006 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng quy định Vinametric phải thực hiện “các nghĩa vụ tài chính theo Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 91/2005/QĐ-BTC”. Phía Vinametric cho rằng với quy định nói trên họ hiển nhiên thực hiện nộp thuế theo phương thức khoán vì nội dung tại khoản 1, điều 8 và giấy phép đầu tư đã quá rõ ràng, không thể hiểu khác được. “Quyết định 91 vào thời điểm lúc bấy giờ chưa hề bị văn bản nào bãi bỏ nên hoàn toàn có hiệu lực thi hành. Hơn nữa, đây là một văn bản chuyên ngành thì về nguyên tắc phải được áp dụng trước”, luật sư của Vinametric phân tích. Thế nhưng, đại diện cơ quan thuế lại trưng ra các văn bản mà theo cơ quan này có giá trị pháp lý còn “nặng ký” hơn như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế... Theo đó, tất cả các doanh nghiệp đều phải có nghĩa vụ chấp hành chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ; kê khai đầy đủ doanh thu, chi phí, thu nhập, hay nói cách khác là phải nộp thuế theo phương thức kê khai. Còn thuế khoán chỉ áp dụng đối với trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế. “Mà công ty thì không cung cấp được những bằng chứng cho thấy họ có khó khăn dẫn đến không thể thực hiện đầy đủ chế độ kế toán. Do đó, Vinametric không hội đủ điều kiện để áp dụng phương thức thuế khoán”. Để khẳng định thêm lập luận của mình, đại diện cơ quan thuế còn cho biết ngay từ khi mới hoạt động vào năm 1995 Vinametric đã đăng ký với cơ quan thuế phương pháp tính thuế GTGT là khấu trừ. Tuy nhiên, về vấn đề này theo giải thích của Vinametric, việc đăng ký đó là áp dụng cho mảng kinh doanh khách sạn, còn mảng trò chơi điện tử có thưởng thì phải thực hiện theo Quyết định 91. Đồng quan điểm với bên khởi kiện, vị đại diện VKS cho rằng Vinametric nộp thuế theo phương thức khoán là phù hợp khoản 1, điều 8, Quyết định 91 cũng như giấy phép đầu tư và đề nghị tòa hủy bỏ Quyết định số 18/QĐ-CT-KTT1. Trong khi đó, HĐXX lại nghiêng về lập luận của cơ quan thuế và cuối cùng đã đi đến quyết định bác toàn bộ yêu cầu của Vinametric! Băn khoăn Cuộc tranh chấp vẫn chưa đến hồi kết thúc vì Vinametric cho biết họ đã kháng cáo bản án của tòa cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, qua vụ kiện không khỏi có những vấn đề băn khoăn. Đó là cách làm luật và áp dụng luật ở ta sao quá tùy tiện, tạo nên một hệ thống pháp lý kém chất lượng và chứa đầy những rủi ro cho người áp dụng. Vì sao các luật thuế quy định các doanh nghiệp phải nộp thuế theo phương thức kê khai trong khi Bộ Tài chính lại ban hành một quyết định cho phép nộp thuế theo phương thức khoán? Mặc dù Quyết định 91 quy định như vậy nhưng khi đề cập đến trường hợp của Vinametric, Bộ Tài chính lại cho rằng công ty này phải nộp theo phương thức kê khai mà không đưa ra một giải thích cụ thể nào về Quyết định 91 đang gây tranh cãi. Rõ ràng, các đối tượng bị điều chỉnh đứng trước một nguy cơ rủi ro rất cao. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo văn bản luật nào để không vi phạm pháp luật? Giấy phép đầu tư, văn bản luật chuyên ngành hay văn bản luật khác? “Giả sử chúng tôi nộp thuế theo phương thức kê khai mà số thuế thấp hơn so với phương thức khoán thì lúc đó biết đâu lại bị cho là vi phạm vì không làm theo giấy phép đầu tư và Quyết định 91?”, đại diện Vinametric trần tình. Chính chủ tọa phiên tòa sơ thẩm khi nghe đại diện cơ quan thuế trình bày quan điểm cũng đặt câu hỏi: “Nếu vậy (ý nói nếu đã có các văn bản pháp luật cao hơn) thì cần gì phải ban hành Quyết định 91?”. Đại diện VKS cũng băn khoăn: “Nếu thuế khoán chỉ áp dụng đối với những đối tượng vi phạm sổ sách kế toán thì chẳng lẽ khoản 1, điều 8 của Bộ Tài chính đặt ra là để khuyến khích doanh nghiệp vi phạm?”. Có ý kiến cho rằng ý định lúc đầu của Bộ Tài chính khi ban hành Quyết định 91 có thể là bộ muốn ấn định thuế khoán trước cho “chắc ăn” vì lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng còn quá mới mẻ. Bằng chứng là trước đó xét đề nghị của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5852/VPCP-QHQT truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “cân nhắc kỹ hơn cơ sở của việc xây dựng các định mức khoán nhằm bảo đảm các mục tiêu vừa hạn chế đến mức cao nhất khả năng gian lận, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả”. Và ngay sau khi xảy ra vụ tranh chấp Bộ Tài chính đã phải ban hành Quyết định 84/2007/QĐ-BTC thay thế Quyết định 91, trong đó khoản 1, điều 8 được sửa đổi theo hướng cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng phải nộp thuế theo quy định hiện hành (tức theo phương thức kê khai). Nếu quả thật đúng như vậy thì phải chăng cơ quan ban hành đã đánh giá, dự liệu sai? Sai lầm này có thể dẫn đến hệ quả với hai khả năng: trường hợp tòa xử cho Vinametric thắng kiện thì ngân sách nhà nước sẽ bị thiệt hại 127 tỉ đồng tiền thuế; ngược lại nếu Vinametric thua thì rủi ro dồn về doanh nghiệp.
(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com