Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 1996), kiện là “yêu cầu xét xử việc người khác đã làm thiệt hại đến mình”. Với định nghĩa này, một sự việc được gọi là một vụ kiện có những điều kiện: có sự gây tổn hại lợi ích người khác và người bị hại có yêu cầu xét xử đối với người gây hại; nhưng hai bên không tự dàn xếp được với nhau và để bảo đảm trật tự xã hội, tòa án phải xử theo pháp luật, buộc các bên liên quan chấp hành.
Lâu nay báo chí và công luận vẫn gọi việc 7.000 nông dân ba tỉnh thành (Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM) đưa đơn đòi Công ty Vedan bồi thường là một vụ kiện, nhưng căn cứ vào nghĩa nêu trên, vụ kiện chỉ đang ở bước khởi đầu.
Vậy mà những đơn này đã bị đùn đi đẩy lại, cả tòa án, cả chính quyền địa phương chưa có nơi nào nhận xử. Đã có gợi ý nông dân gửi đơn trực tiếp tới Vedan. Và một số đơn đã được gửi đến đó. Song nếu làm vậy, bản chất đơn sẽ thay đổi, không còn là “yêu cầu xét xử” theo pháp luật nữa, mà là “thỉnh cầu”. Nông dân từ thế người đòi hỏi lâm vào thế người cầu xin và hóa ra bơ vơ.
Vị trí đặt quảng cáoTrước tình cảnh đó, các Hội Nông dân địa phương, và gần đây cả Trung ương Hội Nông dân, đã buộc phải vào cuộc. Nhưng với tư cách là hội đoàn của nông dân, hội chỉ có thể hỗ trợ, làm chỗ dựa cho nông dân, không có quyền xét xử. Hội đã cùng các cơ sở của hội tổ chức việc kê khai thiệt hại cụ thể của từng đơn, đáp lại ý kiến “chê” đơn kiện chưa “hợp thức” đủ để tòa án tiếp nhận thụ lý. Rồi hội lại đóng vai đại diện nông dân trong những cuộc tiếp xúc với Vedan để giải quyết các vấn đề liên quan tới việc Vedan “hỗ trợ” nông dân.
Tình hình diễn ra như trên cho thấy hai bên đang tự dàn xếp, hay nói theo ngôn từ tư pháp, đang tự hòa giải. Trong các lần tiếp xúc này xuất hiện hai từ ngữ đối nghịch nhau về sắc thái nghĩa, nhưng thực ra lại có cùng nội dung.
Trong các đơn kiện, nông dân đòi “bồi thường”, nhưng trong hòa giải, Vedan lại nói về “hỗ trợ”. Có lẽ cũng không nên quá chấp nhặt về ngôn từ hình thức, nếu qua hòa giải, hai bên tìm ra được những thỏa thuận chung.
Thế nhưng, tin từ các Hội Nông dân cho biết: con số nông dân đòi “bồi thường” là hơn 200 tỉ đồng. Có thông tin còn cho biết: riêng con số đòi bồi thường của nông dân huyện Cần Giờ (TPHCM) đã tới 325 tỉ, của nông dân Đồng Nai là 120 tỉ. Còn con số “hỗ trợ” Vedan đưa ra được biết là 20 tỉ. Như vậy lập trường đôi bên có khoảng cách rất xa, khả năng hòa giải thành khó xảy ra. Nếu hòa giải không thành, sự vụ ắt phải ra tòa.
Nông dân đưa đơn kiện Vedan, hình thành một vụ kiện dân sự diễn ra song song với vụ xử lý Vedan gây ô nhiễm môi trường. Bây giờ Vedan đã ở vào thế phải đối diện với hai luật: 1) Luật Bảo vệ môi trường, liên quan tới những hành vi gây ô nhiễm môi trường; 2) Luật Dân sự, liên quan tới hành vi gây hại cho người khác.
Tiếc rằng nhiều người hình như vẫn chưa nhận thức được diễn biến mới vô cùng quan trọng này, do đó đã lúng túng trong việc tiếp nhận thụ lý vụ kiện. Họ không thấy rằng trong vụ kiện dân sự này, có thể và cần phải vận dụng cả Luật Bảo vệ môi trường và Luật Dân sự. Và với hệ thống pháp luật hiện hành, chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để xử vụ này.
Như đã nêu ở trên, hai bên hiện còn đang trong quá trình tự hòa giải, giải pháp đáng khuyến khích hơn đưa nhau ra tòa. Nhưng hòa giải chỉ thành công khi hai bên đều tỏ ra thiện chí và chiếu cố lẫn nhau. Song như những tin được biết đến nay, khó có khả năng hòa giải thành, nhất là khi Vedan lại chủ động đưa ra tiêu chí quy định diện người được “hỗ trợ”!
Khi hai bên không tự hòa giải được với nhau, tòa án buộc phải thụ lý. Tòa án không thể lấy lý do có tính chất thủ tục là đơn kiện chưa nêu rõ thiệt hại để từ chối nhận đơn. Nếu trước tòa, nguyên đơn không chứng minh được mình bị hại và Vedan chứng minh được mình không gây ô nhiễm, thì tòa án hoàn toàn có căn cứ bác yêu cầu bồi thường của nguyên đơn.
Song thực tế từ lâu đã khẳng định Vedan gây ô nhiễm môi trường là chuyện có thật, không có gì phải bàn cãi nữa. Vấn đề còn lại chỉ là xác định mức độ phải bồi thường dựa trên cơ sở xác định mức độ thiệt hại của nguyên đơn. Tòa phải làm rõ và phán quyết điều này.
Vụ kiện này có mấy đặc điểm: 1) Đó là một vụ kiện tập thể. Nguyên đơn có tới 7.000, còn bị đơn hiện mới thấy đề cập tới Vedan, nhưng để xét xử đúng người đúng tội, có thể còn có thêm những đơn vị khác cùng phải chia sẻ trách nhiệm với Vedan. 2) Địa bàn xảy ra vụ kiện vượt quá địa giới một tỉnh, thành. 3) Có yếu tố nước ngoài. 4) Việc xét xử khó có thể kết thúc nhanh chóng vì tòa án sẽ còn phải dựa nhiều vào kết luận điều tra bổ sung và giám định khách quan. Những đặc điểm trên cho thấy vụ kiện đã vượt tầm tòa án địa phương.
Trong vụ kiện này người gây hại và người bị hại đều đã rõ. Tuy nhiên cũng còn không ít công việc phải làm để xác định mức độ gây hại và bị hại cả từ hai phía. Về phía gây hại, Vedan là thủ phạm chính, nhưng chắc chắn không phải là thủ phạm duy nhất. Rất cần xác định phần trách nhiệm của các đơn vị đồng phạm khác.
Việc này chỉ có thể thực hiện nếu tòa án trưng cầu điều tra bổ sung và giám định khách quan. Xét tới mặt này có nghĩa là pháp luật truy cứu trách nhiệm của tất cả các đơn vị gây ô nhiễm và buộc họ phải áp dụng các biện pháp khắc phục nguyên nhân ô nhiễm và hồi sinh dòng sông. Vụ kiện sẽ có ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều so với vụ kiện chỉ đơn thuần xét xử việc bồi thường.
Về phía bị hại, việc xác định mức thiệt hại và mức bồi thường cụ thể không thể chỉ dựa vào kê khai của người bị hại, mà chủ yếu phải dựa vào giám định khách quan. Cho nên rất cần có trưng cầu giám định của các chuyên gia kinh tế, thống kê, nông nghiệp, ngư nghiệp, dựa vào những cứ liệu lịch sử, kinh tế, pháp lý, khoa học. Công việc điều tra bổ sung và giám định thiệt hại nêu trên đều khả thi vì đấy không phải là những thiệt hại cá biệt, mà là thiệt hại chung đối với nhiều người.
(Theo Lê Văn Tứ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com