Ông Hoàng Kiều từng chủ trương quảng bá rùm beng cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 trên cù lao Thới Sơn. |
Một nông dân tại cù lao Thới Sơn vừa nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hợp đồng do bên nhận chuyển nhượng, tức Tigi Tour (do ông Hoàng Kiều làm Chủ tịch HĐQT) vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Nông dân này yêu cầu Tigi Tour phải trả lại quyền sử dụng đất vườn gần 2,4ha (mà trước khi chuyển nhượng cho Tigi Tour nông dân này dùng để trồng nhãn lại) cho gia đình ông. Số tiền hơn 13 tỷ đồng trả trước, Tigi Tour phải chịu mất vì vi phạm hợp đồng.
Mới đây Báo CAND đã thông tin về chuyện dở khóc, dở cười của người dân tại cù lao Thới Sơn nằm trên sông Tiền (thuộc xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) ngay sau khi Việt kiều Mỹ, "đại gia" Hoàng Kiều - Chủ tịch Tập đoàn RAAS, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) bỏ ra gần chục triệu USD để được đứng tên sử dụng khoảng 18ha đất, làm dự án du lịch, phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới trên giấy
Theo dự tính ban đầu của 'đại gia Hoàng Kiều', để tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 tại cù lao Thới Sơn - nơi được mệnh danh là "thiên đường du lịch" sinh thái miệt vườn Nam bộ, RAAS sẽ cho xây 800 phòng, nội thất đạt tiêu chuẩn 5 sao nằm trong khu nhà cổ, nhà giả cổ, bungalow phù hợp với nét đặc trưng sông nước ĐBSCL.
Cạnh đó, còn có trên 200 phòng từ 6 chiếc du thuyền neo đậu trên sông Tiền và hệ thống khách sạn tại TP.HCM mà Tập đoàn RAAS đã liên kết. RAAS cũng sẽ đầu tư nâng cấp các khách sạn ở Mỹ Tho như Minh Quân, Chương Dương, Sông Tiền với khoảng 100 phòng đạt tiêu chuẩn năm sao. RAAS liên kết với nhiều hộ ở cù lao Thới Sơn nâng cấp phòng ở trong nhà dân đạt tiêu chuẩn quốc tế (khoảng 500 phòng) để làm nơi lưu trú cho khách quốc tế. RAAS còn xây dựng nhà hát có sức chứa ít nhất 5.000 người - nơi sẽ diễn ra đêm tranh tài chính thức của khoảng 100 hoa hậu các nước... Tuy nhiên, tất cả gần như chỉ là dự tính trên giấy của "đại gia" Hoàng Kiều và các cộng sự của ông.
Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Phong cho biết, cù lao Thới Sơn có tổng diện tích trên 1.200 ha. Theo qui hoạch tỷ lệ 1/2000 của tỉnh, trên lĩnh vực du lịch có 77ha, được chia thành 7 khu chức năng. Đến nay, ngoài ông Hoàng Kiều "bỏ chân" vào đây với vài ba hạng mục dở dang, phần còn lại trên 70ha chưa có nhà đầu tư nào "nhảy vào".
Đại gia "cù nhầy"
Trò chuyện với PV Báo CAND sáng 31/5, ông bà Tư Đoàn nhớ lại chuyện cách nay đúng 1 năm. Đó là vào thời điểm tháng 6/2009, "đại gia" Hoàng Kiều với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT và ông Trần Thanh Tiến - Tổng Giám đốc Tigi Tour đã đến gia đình bà Tư Đoàn đặt vấn đề mua đất.
Sau khi hỏi han về hiệu quả kinh tế của mảnh đất vườn gần 2,4ha đang trồng nhãn của hai ông bà, "đại gia" Hoàng Kiều đã đưa ra giá khiến cho cả gia đình ngỡ như mình nghe nhầm. "Trời ơi, hơn 31 tỷ đồng, bằng cả chục lần trúng độc đắc" - một thành viên trong gia đình không kiềm được miệng. Khi nghe ông bà Tư Đoàn đồng ý, phía ông Hoàng Kiều đã đưa trước cho gia đình hơn 13 tỷ đồng, coi như là tiền đặt cọc. Hơn 17,2 tỷ đồng còn lại, phía ông Hoàng Kiều hứa là sẽ trả trong vòng 5 tháng.
Cho tới khi thấy người ta đem phương tiện cơ giới xuống thi công công trình trên đất của mình, ông bà Tư cũng chẳng chút hoài nghi. Bởi theo suy nghĩ của hai ông bà, "đại gia Hoàng Kiều càng sớm xây dựng công trình thì số nợ hơn 17,2 tỷ đồng càng sớm được hoàn trả".
Thế là mọi thủ tục chuyển quyền sở hữu được ông bà Tư tạo điều kiện thuận lợi tối đa. Mảnh đất gắn bao đời nay với gia đình đã chính thức đổi chủ sở hữu sang cho Tigi Tour. Tới khi nghe cuộc thi Hoa hậu Thế giới sẽ được tổ chức ở địa phương khác chứ không phải tại cù lao Thới Sơn, ông bà Tư Đoàn vẫn tin rằng "đại gia Hoàng Kiều hứa là sẽ giữ lời. Không nay thì mai cũng trả…".
Trao đổi riêng với PV Báo CAND chiều 31/5, luật sư Võ Tuấn Vĩnh Thụy - Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang, cho biết, được sự ủy quyền của ông Nguyễn Văn Tư, sáng 31/5, ông đã có đơn gởi chính quyền địa phương xem xét vụ việc.
Theo luật sư Thụy, ban đầu, đây là tranh chấp thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất với thủ tục bắt buộc là phải qua hòa giải ở địa phương. Trước đây, phía ông Tư từng một lần gửi đơn ra UBND xã, yêu cầu Tigi Tour trả khoản nợ còn lại (hơn 17,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, bây giờ yêu cầu của phía ông Tư thay đổi.
Cụ thể là ông Tư yêu cầu hủy bỏ hợp đồng do hợp đồng vô hiệu - bên nhận chuyển nhượng, tức Tigi Tour vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tigi Tour phải trả lại quyền sử dụng đất lại cho phía ông Tư, còn tiền (trên 13 tỷ đồng đã trả cho ông Tư) thì Tigi Tour phải chịu mất. Theo quy định của pháp luật, vụ việc bắt buộc phải hòa giải lại.
Theo tài liệu chúng tôi có được, vào ngày 31/3, ông Trần Thanh Tiến - Tổng Giám đốc Tigi Tour có thỏa thuận tới ngày 30/5, nếu không thanh toán thì Tigi Tour sẽ sang tên, trả đất lại cho ông Tư và số tiền mà Tigi Tour đã trả cho ông Tư sẽ mất.
(Theo Binh Huyền // CAND)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com