Đồ nghề chế súng - Ảnh: Đức Anh |
Vật bất ly thân của dân giang hồ
Chiều 2.5, sát thủ chuyên nghiệp Công "giáp" (tức Nguyễn Tiến Công, SN 1974, trú phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân, Hải Phòng) đột nhập vào nhà riêng ông Phạm Đề Kháng (SN 1949, nhà ngõ 213 đường Thiên Lôi, phường Nghĩa Xá, quận Lê Chân), sát hại nạn nhân chỉ bằng một cú bóp cò nhẹ tựa cú bấm vào thân bút bi học trò. Theo tài liệu của công an, Công "giáp" là đối tượng cộm cán trong giới giang hồ đất cảng, chuyên đâm thuê, chém mướn, bảo kê, mở sòng bạc... và cũng là đệ tử "cưng" của đại ca đất cảng Long "tuýp" (tức Trần Thanh Long, SN 1972, trú phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng). Năm 2008, Công "giáp" từng dùng súng hoa cải gây ra vài vụ đình đám để lấy "số má". Thời gian gần đây, Công “giáp” đã chọn “súng bút” để gây án.
Trong vụ phát hiện Võ Tiến Đạt chế tạo "súng bút" mới đây, cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn của các đối tượng chế tạo súng bút gồm 3 bước: đầu tiên thuê thợ tiện vỏ súng (bằng các chất liệu sắt, đồng hoặc inox) gồm 3 chi tiết có ren lắp khít vào nhau (theo mẫu đối tượng đưa đến); đem vỏ súng đến thợ phay để thuê xẻ tạo rãnh; mua chốt, lò xo ở các chợ (chủ yếu chợ Sắt), rồi lắp thành "súng bút" hoàn thiện. Đạn dùng cho loại súng được mua ở các cửa hàng bán đạn súng hơi, giá chỉ 3.000 đồng/viên. Cơ chế hoạt động của “súng bút” rất đơn giản. Việc bật lẫy (cò súng) chỉ như bấm vào chiếc bút bấm, kim hỏa sẽ đập vào kíp nổ và đạn bay ra khỏi nòng súng. Được biết, không chỉ chế tạo được “súng bút”, một số đối tượng còn chế cả súng bắn đạn hoa cải, súng colt. |
Theo hồ sơ của Công an TP Hải Phòng, “súng bút” được phát hiện cách đây hơn 2 năm. Một trong những vụ án đầu tiên liên quan được lưu vào hồ sơ là vào ngày 4.2.2008, khi Công an quận Lê Chân bắt giữ trùm thuốc lắc Dư Kim Dũng, tức Dũng "tình" (SN 1968, ở Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng), phát hiện, thu giữ bộ sưu tập hàng nóng gồm 4 khẩu súng, trong đó có 2 “súng bút”. Dũng khai nhận vì lo sợ bị thanh toán nên luôn thủ sẵn trong người “súng bút” (mua 4,1 triệu đồng/khẩu) để phòng thân. Đã nhiều lần Dũng mang những khẩu súng này ra tập dượt.
Từ vụ Dư Kim Dũng, công an phát hiện một đường dây lái súng cực lớn do Phạm Cao Sơn (tức Sơn “súng”, SN 1966, trú phường Phan Bội Châu, Hồng Bàng) cầm đầu. Chính Phạm Cao Sơn là đầu nậu chuyên cung cấp "hàng nóng" cho các tay anh chị ở đất cảng và một số địa phương khác. Sơn đã bán 2 “súng bút” cho Nguyễn Minh Chí (SN 1957, trú Lạch Tray, quận Ngô Quyền), sau đó Chí bán lại cho Dũng “tình”. Ngày 29.3.2008, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Minh Chí trên đường Lạch Tray. Kiểm tra trong người Chí, công an thu giữ 1 “súng bút” cùng 12 viên đạn. Khẩu súng này Chí chuẩn bị giao cho một tay anh chị thì bị bắt. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, lực lượng phá án đã bắt giữ Phạm Cao Sơn cùng 3 “súng bút” và 30 viên đạn. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và cửa hàng kinh doanh của Phạm Cao Sơn tại đường Nguyễn Đức Cảnh và đường Quang Trung, công an thu giữ thêm 20 khẩu súng các loại (có 2 “súng bút”) và rất nhiều đạn, các linh kiện, bộ phận súng được tháo rời.
Cũng giống như Dũng "tình", Trần Thái Đức (tức Đức "tuýp", em ruột Long "tuýp") bị Công an Hải Phòng tầm nã, cũng luôn mang trong mình “súng bút”, kể cả khi đi ngủ, để sẵn sàng chống trả lực lượng truy bắt. Đến cuối tháng 11.2009, khi bị bắt, trong người Đức "tuýp" có 2 “súng bút” cùng 11 viên đạn.
Hiện nay, nhiều thanh niên choai choai cũng đút túi “súng bút”. Nhiều người dân ở Hải Phòng, Quảng Ninh rất ngại những thanh niên choai choai này bởi chúng rất manh động, có thể khai hỏa bất cứ lúc nào. Gần đây nhất, khoảng 1 giờ 45 ngày 19.4, khi làm nhiệm vụ trên đường Tôn Đức Thắng, tổ tuần tra kiểm soát CSCĐ Công an Hải Phòng phát hiện Đoàn Xuân Nam (sinh 1990, ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên) điều khiển xe máy, mang trong người “súng bút” với 1 viên đạn đã lên nòng.
Công an Hải Phòng khám xét nhà một trùm lái súng đất cảng |
Đường đi của “súng bút”
Đại tá Đỗ Hữu Ca, Phó giám đốc Công an Hải Phòng, đánh giá “súng bút” là loại vũ khí rất nguy hiểm, dễ ngụy trang, cất giấu. Loại vũ khí này không phải là những khẩu súng chuyên dụng mà được sản xuất khá thô sơ, nhưng hoàn toàn có thể cướp mạng người. Một trinh sát ở đội 9, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Hải Phòng, cho biết “súng bút” có thể bắn đạn chì hoặc đạn ghém, nếu bắn ở cự ly dưới 4-5m, khả năng sát thương của loại súng này không thua kém gì súng quân dụng.
Phạm Cao Sơn khai nhận “súng bút” mà hắn có được mang lậu từ Trung Quốc về. Hoạt động trong một thời gian dài nhưng việc nhập hàng nóng của Sơn không bị phát hiện vì “súng bút” có thể tháo rời thành 2 bộ phận và khó có thể biết đó là vũ khí giết người. Đáng lo ngại là một số đối tượng ở Hải Phòng đã tự chế ra được loại súng này.
Dù “súng bút” trở thành nỗi khiếp sợ trong thời gian dài nhưng chế tài xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe. Theo Nghị định 47 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, “súng bút” không phải là vũ khí thô sơ nhưng cũng chưa được “liệt” vào vũ khí quân dụng. Ngay với Phạm Cao Sơn và Nguyễn Minh Chí, dù bị bắt cùng tang vật tổng cộng 10 khẩu “súng bút”, nhưng ngày 19.12.2008, TAND TP Hải Phòng đưa vụ án ra xét xử cũng chỉ tuyên Phạm Cao Sơn 24 tháng tù giam, Nguyễn Minh Chí 18 tháng tù giam.
(Theo thanhnien online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com