Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sự thật về vụ "lật kèo" của Công ty CP Địa ốc Hồng Phát

Khu đất xây dựng dự án khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa tại tỉnh Long An đã được công ty Hồng Phát lo xin cấp giấy phép và giải phóng mặt bằng đẹp đẽ

Những ngày gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải sự việc: Một công ty địa ốc trong nước “chiếm đoạt” 15 triệu USD của một đối tác nước ngoài để chạy dự án rồi “lật kèo”. Vậy thực hư chuyện này là thế nào?  

Sự việc diễn ra sau khi phía Công ty China Policy Limited, Hồng Kông (gọi tắt là CPL) nhiều tháng qua đã gửi hàng loạt đơn tố cáo đến hàng chục cơ quan báo chí và trước đó là Bộ Công an với nội dung: Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Long An) chiếm đoạt 15 triệu USD để chạy dự án, sau đó lật kèo đối tác.

Cụ thể, phía CPL cho rằng: ngày 1/6/2007, China Policy đã ký một thoả thuận khung về hợp tác đầu tư xây dựng dự án khu dân cư cao cấp, trường đua ngựa và câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An với công ty CP Địa ốc Hồng Phát. Theo thoả thuận, công ty Hồng Phát góp vốn 30% bằng giá trị tiền sử dụng đất, China Policy góp 70% vốn bằng tiền mặt. Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An là cơ quan chức năng làm đầu mối nhận tiền đền bù đất từ nhà đầu tư để thực hiện việc đền bù, san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn từ cuối tháng 2/2008 cho giai đoạn I dự án là 273 ha đất.

Ngày 11/6/2007, công ty China Policy ứng tiền cho Cty Hồng Phát hơn 2,6 triệu USD để trang trải chi phí dò mìn, san lấp mặt bằng, chi phí dựng hàng rào. Ngày 15/6/2007 China Policy chuyển khoản trực tiếp 13 triệu USD cho Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để chi trả cho việc giải toả và đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo thoả thuận khung ký kết giữa 2 bên thì sau khi phía Hồng Phát được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của diện tích giai đoạn I, hai bên sẽ ký kết thành lập công ty Liên doanh và hình thành cơ cấu đầu tư.

Vi phạm điều khoản đã ký 

Phối cảnh khu đô thị mới Hồng Phát

Được biết, từ quý II/2008, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu đi đến đỉnh điểm và sự việc cũng bắt đầu từ đây, khi dự án phát sinh thêm một số khó khăn, trở ngại. Những biến động này đã được Hồng Phát thông báo cho CPL biết trong các cuộc họp giữa 2 bên.

Thời điểm thị trường biến động thì Luật, Nghị định, Thông tư của Nhà nước thay đổi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến giá đất và các yếu tố phát sinh trong các thủ tục liên quan đến đền bù đất đai, tái định cư, các chi phí khác… (Công văn số 2009/BTC-QLCS ngày 22/02/2008 và Công văn số 2028/BTC-QLG của Bộ Tài chính).

Theo đó, việc sử dụng đất khi được giao đất phải dựa theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường không nằm trong kế hoạch dự kiến và kiểm soát của phía Hồng Phát. Nặng nhất là tiền đóng sử dụng đất theo khung giá Nhà nước tăng lên 100.000 đồng/m2 và đến đầu năm 2008 đã tăng lên hơn gấp ba lần. Do những phát sinh ngoài ý muốn, Hồng Phát đã phải đóng thêm 465 tỷ đồng (khoảng 27 triệu USD) tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong văn bản số 1529/UBND-KT ngày 24/03/2008 của UBND tỉnh Long An, yêu cầu Hồng Phát chậm nhất đến ngày 30/06/2008 phải hoàn tất thủ tục đất đai và triển khai hạ tầng Khu tái định cư, Khu dân cư, triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng giai đoạn I khu dân cư nhà vườn, nếu không sẽ rút giấy phép đầu tư. Đứng trước tình thế có thể bị thu hồi giấy phép cũng như mất bao công sức và của cải cho dự án nên Hồng Phát đã phải chi phí phát sinh thêm 4,5 triệu USD.

Những vướng mắc này phía CPL đã được Hồng Phát thông báo cụ thể tại các cuộc họp giữa 2 bên. Tuy nhiên, không những không cùng Hồng Phát tháo gỡ khó khăn, phía CPL còn cho rằng Hồng Phát đòi hỏi vô lý và đã không đáp ứng các nguồn tài chính phát sinh thêm củadự án. China Policy còn tuyên bố không cho phép giải ngân bất kỳ khoản tiền nào, kể cả trong và ngoài phạm vi của khoản tạm ứng đã chuyển vào tài khoản chung theo Thoả thuận khung, đồng thời liên tục thúc ép Hồng Phát phải thành lập Công ty liên doanh, trong khi dự án chưa đáp ứng được điều kiện “cần và đủ” để tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, CPL đã vi phạm nghiêm trọng điều khoản đã được ký kết tại Thỏa thuận khung. Tại Điều 11 của Thỏa thuận khung quy định rõ: "những nội dung của thỏa thuận này và tất cả các thông tin được một bên cung cấp cho bên kia liên quan đến thỏa thuận này hoặc trong quá trình thương thảo để thành lập công ty liên doanh cho dự án sẽ được giữ bí mật và không bên nào hoặc đại diện của mỗi bên được phép tiết lộ thông tin đó cho bất kỳ bên thứ ba nào nếu không được sự chấp thuận bằng văn bản của bên kia". Tuy nhiên, ngày 21/6/2007,  tập đoàn Chuang - công ty mẹ của CPL đã công bố thông tin về dự án lên thị trường chứng khoán Hồng Kông mà không có văn bản chấp thuận của Hồng Phát, thu trên 30 triệu USD tiền lời do giá chứng khoán của họ tăng. Trong khi đó, việc tiết lộ thông tin đã gây tác động xấu đến tiến trình đền bù, giải phóng mặt bằng của Hồng Phát, người dân địa phương nhất mực không chịu di dời và đòi tăng thêm tiền đền bù.

Không được đối tác chia sẻ khó khăn, Hồng Phát đã phải tự thu xếp các khoản tài chính cần thiết để tiếp tục đền bù, thiết lập tái định cư và chi trả các khoản chi phí khác liên quan để dự án không bị thu hồi. Vì CPL không tôn trọng đối tác, bỏ rơi đối tác trong thời điểm khó khăn nhất nên Hồng Phát đi đến quyết định là không tiếp tục cho CPL liên doanh vào dự án. Và số tiền 15,6 triệu USD đã chuyển cho Hồng Phát sẽ được hoàn trả lại đầy đủ và được đền bù một khoản như trong Thoả thuận khung. Sự việc này đã được trả lời rõ ràng trong công văn số 68/CV-CPHP mà Hồng Phát gửi cho phía CPL ngày 27/10/2008.

Lộ rõ âm mưu

Qua tìm hiểu của phóng viên, không những China Policy để mặc đối tác chèo chống trong lúc khó khăn mà một mặt gián tiếp uỷ quyền cho người mà Hồng Phát chưa từng biết đến để hợp tác; một mặt lại đi thưa kiện đến cơ quan báo chí, với nội dung: Hồng Phát chiếm đoạt 15,6 triệu USD để chạy dự án và gạt bỏ đối tác?

Đại diện của CPL – Eric Nguyen cho rằng: Hồng Phát đã được UBND tỉnh Long An cấp giấy quyền sử dụng đất 232ha vào ngày 26/06/2008. Do lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Hồng Phát đã gạt bỏ đối tác để trục lợi. Nếu không có tiền của China Policy thì Hồng Phát không thể đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng và được cấp giấy quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, trên thực tế, Hồng Phát không được "cấp đất" nhanh như "tố cáo của CPL mà phải mãi đến ngày 26/06/2009, Công ty CP Địa ốc Hồng Phát mới được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: T03624.  

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: T03624 của UBND tỉnh Long An cấp ngày 26/06/2009 cho Công ty CP Địa ốc Hồng Phát  

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thiệp -nguyên giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Long An - người được uỷ quyền ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Hồng Phát cho biết: "Thời điểm Hồng Phát xin được đầu tư các dự án bất động sản và trường đua ngựa tại Long An vào năm 2003. Chúng tôi với tư cách cơ quan Nhà nước công nhận Hồng Phát là nhà đầu tư chứ không hề biết có nhà đầu tư nào khác. Bởi theo Luật doanh nghiệp, thì DN có quyền được thoả thuận, huy động vốn của các đối tác khác. Tỉnh Long An chỉ chứng nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư là Công ty CP Địa ốc Hồng Phát là đại diện pháp nhân duy nhất của dự án. Tôi khẳng định: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tỉnh Long An cấp cho Cty CP Địa ốc Hồng Phát 232 ha chính xác là vào ngày 26/06/2009".

Tại công văn số 148/C16 – P4 ngày 01/04/2010 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng khẳng định: "Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận thấy: Thực hiện thoả thuận khung, Cty China Policy đã chuyển 15,6 triệu USD để thực hiện dự án và Cty Hồng Phát đã nhận được số tiền này và đang triển khai dự án là có thật. Đây là tranh chấp kinh tế dân sự".

Tuy nhiên, đến thời điểm này, PCL vẫn khăng khăng đề nghị Cty Hồng Phát thành lập Cty liên doanh theo thoả thuận khung (từ giữa năm 2007) mà không có điều khoản bổ sung và không có khả năng thực hiện (vì nhiều chính sách đã thay đổi). Điều này là phi lý vì từ khi ký hợp đồng đến nay, mọi khó khăn chỉ dồn cho phía Hồng Phát mà phía CPL không có một sự sẻ chia nào như tình thần được ký tại thỏa thuận khung, ngoài phần tiền ứng trước 15,6 triệu USD (cũng chưa đủ phần tối đa mà hai bên thỏa thuận cho phép Hồng Phát được sử dụng chi phí để có được quyền sử dụng đất diện tích giai đoạn 1 là 17,5 triệu USD). Ngoài ra, thực tế còn cho thấy CPL còn không "mặn mà" với việc tiếp tục đầu tư vào các dự án này. Cụ thể vào ngày 20/8/2008, phía CPL đã có thông báo chính thức đến Hồng Phát về việc CPL đang nghiên cứu lại tính khả thi, hiệu quả đầu tư của dự án cũng như tính khả thi và hiệu quả kinh doanh của khu tái định cư. 

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Việt Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Địa ốc Hồng Phát khẳng định: "Chiếm đoạt 15,6 triệu USD là phạm pháp. Trên thực tế số tiền của PCL đã được đầu tư vào dự án và không hề bị chiếm đoạt. Khi CPL không còn tham gia vào dự án nữa thì số tiền 15,6 triệu USD đã chuyển cho Hồng Phát sẽ được hoàn trả lại đầy đủ và được đền bù một khoản như trong Thoả thuận khung. Việc CPL tố cáo tôi và Cty Hồng Phát chiếm đoạt tiền là hành động “vu khống”, bôi nhọ danh dự nghiêm trọng. Chủ đích chính của CPL nhằm cô lập chúng tôi từ mọi phía, khiến các DN trong và ngoài nước sợ Cty Hồng Phát, ngân hàng thì dè chừng để dự án không thể triển khai và khi đó CPL sẽ nhảy vào thực hiện làm chủ dự án như đúng mục đích, ý đồ của họ. 

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%