Hoa hậu Mai Phương Thúy (bìa trái) xuất hiện cùng các đại diện của Megastar trong sự kiện ra mắt bộ phim "Trăng non" do đơn vị này tổ chức - Ảnh: Tường Vi |
Sau khi Công ty TNHH Truyền thông Megastar nộp bản giải trình cho Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương thì các công ty điện ảnh có liên quan trong vụ khiếu nại Megastar cũng đã nộp biên bản giải trình lên cơ quan này.
Trong bản giải trình mà phía Megastar trình lên cho Cục quản lý cạnh tranh có đề cập đến việc các rạp phim có quyền tự do lựa chọn phim muốn thuê, thời điểm chiếu phim cũng như giá vé xem phim. Song, bên khiếu nại đã dẫn chứng về những điều mà họ cho là “nhầm lẫn” của Megastar trong vụ việc này. Theo đó, các doanh nghiệp (hiện chỉ còn lại 4 doanh nghiệp: bao gồm Công ty cổ phần điện ảnh 212, Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân và Công ty cổ phần truyền thông điện ảnh Sài Gòn) muốn khiếu nại về hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý. Các doanh nghiệp trong khiếu nại cho rằng: “Nếu các rạp chiếu phim chấp nhận giá thuê phim mà Megastar yêu cầu thì sẽ có phim, còn ngược lại thì không có phim để chiếu tại hệ thống rạp của mình”. Về khoản Megastar đã áp đặt giờ chiếu và suất chiếu quá khắt khe, trong bản giải trình của 4 doanh nghiệp có nói rõ, mặc dù lịch chiếu phim là do các rạp quyết định, song lịch chiếu này phải được xây dựng trên cơ sở cam kết giữa rạp chiếu phim với các nhà phân phối về số lượng suất chiếu trong một tuần, trong ngày và đặc biệt là ngày cuối tuần với các suất chiếu vào “giờ đẹp”. Trong đơn khiếu nại mà tập thể các doanh nghiệp nộp lên Cục quản lý cạnh tranh hồi cuối tháng 3 vừa qua đã phân tích việc áp đặt suất chiếu quá nhiều với những khống chế về giờ chiếu của Megastar khiến họ đã không thể đàm phán giảm suất chiếu và giảm các điều kiện về suất chiếu trong “giờ đẹp” để đảm bảo cân đối lịch chiếu các phim của những nhà phân phối khác hoặc phim Việt Nam có cùng thời gian phát hành. Việc áp dụng chính sách “giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem” đã gián tiếp ảnh hưởng đến việc định giá vé xem phim của các rạp. Các rạp chiếu phim nếu không có phim thì không thể hoạt động, nếu muốn hoạt động thì họ phải tìm cách kinh doanh có lãi. “Mặc dù không trực tiếp đặt ra giá vé, song bằng cách áp đặt chính sách "giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem", Megastar đã buộc các doanh nghiệp chiếu phim phải chấp nhận lựa chọn một trong các phương án mà xét cho cùng thì lợi vẫn thuộc về Megastar’”, theo nguồn tin riêng cho biết. Song song đó, theo bản giải trình của bên khiếu nại thì việc Megastar yêu cầu các rạp ngoài hệ thống Megastar phải sử dụng và duy trì phòng chiếu do Megastar chỉ định (thường là những phòng chiếu có công suất lớn và được đầu tư tốt hơn) đã không đem lại tối đa hóa doanh thu cho các rạp phim. Trong một ngày hoạt động, một phòng chiếu phim chỉ có thể hoạt động tối đa 6 suất chiếu, số lượng người xem thường tăng vào những ngày cuối tuần và khi đó, các rạp sẽ phục vụ tối đa khoảng 7 suất/ngày. Vì vậy các doanh nghiệp cho rằng để thực hiện nghĩa vụ trên, họ phải đảm bảo số lượng suất chiếu khá cao cho Megastar và đặc biệt với các suất chiếu buổi tối cuối tuần (2 suất vào “giờ đẹp”) tại những phòng chiếu có công suất lớn nhất. “Với số lượng suất chiếu này, Megastar đã khống chế toàn bộ hoạt động chiếu phim của các doanh nghiệp và họ chỉ có thể dành cho các nhà phân phối phim khác các suất chiếu còn lại”, bên khiếu nại cho biết như thế trong biên bản giải trình. Hiện vụ khiếu nại đang được Cục Quản lý cạnh tranh điều tra chính thức và thời hạn kết thúc giai đoạn này là vào giữa tháng 12 tới đây, sau đó vụ việc sẽ được chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý.
(Theo Tường Vi // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com