Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vụ án Daimler: Hối lộ kiểu Đức - Kỳ 3: Trường hợp của Latvia và Trung Quốc

Hội đồng thành phố Riga, Latvia; Công ty Lọc dầu Trung Quốc Sinopec và Công ty Dầu hỏa Quốc gia Trung Quốc là những đơn vị dính líu đến vụ án Daimler

Ngay sau khi thông tin hãng Daimler hối lộ các quan chức Riga, thủ đô của Latvia, hồi thập niên 1990 được tiết lộ ở Mỹ, hai đài truyền hình Latvia là TV3 và LNT cho biết có ít nhất ba vụ hối lộ có địa chỉ đàng hoàng.

Xe buýt Riga

Ngày 13-4 vừa qua, đài LNT đã phỏng vấn ông Normunds Vilinitis, Trưởng Phòng Phòng chống và bài trừ tham nhũng Latvia (KNAB, theo tiếng Latvia). Ông Vilinitis cho biết: “Chúng tôi đang làm vụ này nhưng không thể nói gì nhiều. Sau khi phát hiện các nghi phạm, chúng tôi sẽ thông báo đến công chúng ngay”. Ông nhấn mạnh rằng những kết quả sơ bộ chỉ có thể công bố trong vài tuần tới, thậm chí vài tháng nữa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Latvia Maris Riekstins nói ông đã yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát Trung ương Janis Maizitis hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp ở Mỹ về vụ bê bối này và xử lý vụ việc.

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ mọi việc bắt đầu từ năm 1998. Hội đồng thành phố cảng Riga, lúc đó cần thay toàn bộ xe buýt cũ kỹ tồn tại từ thời Liên Xô.

Những nhân vật chủ chốt của Latvia thời đó là thủ tướng Vilis Kristopans, thị trưởng Riga - ông Andris Berzins và bà Linda Baltina, giám đốc Sở Giao thông Vận tải Riga.


Xe buýt hiệu Mercedes ở Riga, thủ đô Latvia. Ảnh: Reuters

Vụ thứ nhất liên quan đến Công ty Xe buýt Silverstar, trực thuộc Hội đồng thành phố Riga. Công ty này đã mua 40 xe buýt hiệu Mercedes sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Daimler đã lót tay lãnh đạo công ty này nhiều lần tổng cộng 262.000 LVL (tiền Latvia). Nhưng theo tờ The Baltic Course, xuất bản ở Riga, bà Baltina nói không nhớ gì vì thời gian quá lâu.

Tháng 8-2000, hội đồng thành phố tiếp tục “hợp tác” với hãng Daimler. Lúc này, thị trưởng Berzins đã trở thành thủ tướng. Chức thị trưởng vào tay Andris Argalis. Ông này thành lập ban tổ chức đấu thầu cung cấp xe buýt dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Cục Giao thông Ivars Zarumba.

Bảy tháng sau, Daimler lại trúng thầu, ký một hợp đồng cung cấp xe buýt Mercedes trong 5 năm với hai đội xe buýt Tavala và Imanta. Tổng trị giá thương vụ này lên đến 21 triệu LVL.

Xe buýt đã được giao nhưng không thể đưa vào hoạt động. Daimler nhận được e-mail của cơ quan đại diện hãng ở Riga yêu cầu phải giữ lời hứa lót tay. Trong vụ này, theo các nhà điều tra Mỹ, Daimler đã chi 151.280 LVL gọi là tiền “hoa hồng” cho Công ty Xe buýt Evobus, đơn vị nhận xe ngày 25-7-2002.

Vẫn theo các nhà điều tra Mỹ, sau thương vụ nói trên, chi nhánh Daimler ở Mỹ đã chi tiếp một số tiền khá lớn (724.611 LVL) cho đảng cầm quyền mới ở Riga, gấp 5 lần so với trước.

Tờ The Baltic Course đã tiếp xúc với những người có trách nhiệm ở Cục Giao thông hồi đó về thông tin nói trên. Các vị này đều chối phăng không hề có chuyện hối lộ và cũng không nhớ gì nhiều về vụ mua xe buýt thời đó.

Đã xử lý

Ở Trung Quốc, Daimler thú nhận đã từng lót tay các quan chức Trung Quốc để bán được xe. Một trong số các quan chức đó, theo nhật báo The Beijing Times ngày 29-3-2010, là một người họ Du thuộc Công ty Sinopec quốc tế, một chi nhánh của Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (gọi tắt là Sinopec). Sinopec là hãng lọc dầu lớn nhất châu Á, theo hãng tin AP.

Ngay sau thông tin Daimler bị Bộ Tư pháp Mỹ tố giác hối lộ các quan chức của 22 nước, trong đó có Trung Quốc, ngày 26-3 vừa qua, Sinopec thừa nhận một cán bộ của tập đoàn đã nhận quà của Daimler hồi năm 2004.

Tuy nhiên, năm 2006, theo lời ông Đàm Dại Trung, người phát ngôn của Sinopec quốc tế, cán bộ Du đã bị tòa án Bắc Kinh xử tù về những tội thực hiện trong hai năm 2002-2003. Ông Đàm không nói rõ cán bộ Du bị bao nhiêu năm tù.

Cũng kể từ năm đó, Sinopec cho biết đã cắt đứt quan hệ thương mại với Daimler. Sau đó, công ty đã yêu cầu các nhà cung cấp ký một thỏa thuận về đạo đức kinh doanh như phụ lục cho mỗi thương vụ. Biện pháp đã được áp dụng từ năm 2007.

Một công ty khác mang tên CNPC (Công ty Dầu quốc gia Trung Quốc) cũng dính líu đến vụ Daimler hối lộ. Cụ thể là các quan chức của Phòng Thăm dò vật lý, gọi tắt là BGP, một bộ phận của CNPC, cũng nhận tiền phi pháp của Daimler. Theo tờ Daily China, CNPC đang mở cuộc điều tra về các thông tin của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ này.

Croatia và Hy Lạp điều tra Daimler

Nhật báo Croatia Times tuần rồi, cho biết Cơ quan Chống tham nhũng (USKOK) của Chính phủ Croatia xác nhận rằng họ đang mở cuộc điều tra về vụ Daimler hối lộ các quan chức nước này trong quá khứ.

Người phát ngôn của USKOK xác nhận việc cơ quan điều tra nhà nước Croatia đã yêu cầu phía Mỹ cung cấp thông tin cụ thể về những vụ hối lộ của Daimler liên quan đến Croatia.

Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, Daimler đã hối lộ các quan chức Croatia để bán được 201 xe cứu hỏa trị giá 84 triệu euro.

Thương vụ nói trên diễn ra năm 2003 dưới trào Chính phủ Croatia của Đảng Dân chủ Xã hội (SDP). Theo báo chí Croatia, cũng vì vụ này mà ông Peter Heir và Wolker Schmidt, hai nhà lãnh đạo của Daimler, bị cách chức hồi năm 2008. Tuy nhiên, những người nhận hối lộ cho đến nay vẫn chưa được làm rõ và xử lý.

Trong khi đó tại Hy Lạp, chính quyền nước này cho biết sẽ yêu cầu các nhà điều tra Đức cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến chuyện quan chức Hy Lạp nhận tiền hối lộ của Daimler.

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, Daimler đã lót tay một số quan chức Hy Lạp để bán 6.500 xe Jeep do hãng Daimler sản xuất.

Nhật báo Vima, xuất bản tại Athens, cho biết Bộ trưởng Tư pháp Haris Kastanidis nói sẽ chính thức yêu cầu Mỹ và Đức cung cấp thông tin. Kastanidis sẽ họp với Tòa án Tối cao Hy Lạp về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Vụ thu hồi đất của ông Lê Phúc Thủy ở Long Biên – Hà Nội: Dừng việc cưỡng chế trước phiên tòa
  • Kinh hoàng công nghệ chế biến dầu ăn (I)
  • Vinafood lì lợm chưa chịu tiêu hủy 8 tấn thịt ‘bẩn’
  • Oan khó giải
  • Lật tẩy vụ đầu độc môi trường quy mô như Vedan
  • Truy tố sáu bị can thuộc Công ty xuất nhập khẩu và Xây dựng nông - lâm nghiệp Hà Nội
  • Hải Dương: Phát hiện vụ xả trộm chất thải lớn ở Công ty Tung Kuang
  • Mafia lộng hành ở Ý
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%