Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Yêu cầu đóng cửa Vedan

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Tất cả những biểu hiện sai phạm có hệ thống, tổ chức tinh vi và gian trá của Vedan trong hơn 10 năm qua là quá đủ căn cứ để xử lý hình sự l Trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai.

“Hành động phá hoại của Vedan là xảo trá, lừa đảo. Họ cam kết rồi lừa gạt các cơ quan chức năng và xã hội để kiếm lợi nhuận. Chỉ đến khi bị “bắt tận tay” sai phạm thì họ mới hết chống chế, viện lý do hay sẵn sàng nộp phạt tới 15 tỉ đồng. Chứng cứ quá rõ ràng, nên đến giờ họ không thể phản đối”. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã “phát pháo” như vậy tại cuộc họp báo vào sáng qua, 17-9, ở Hà Nội nhằm thông báo kết quả kiểm tra và hướng xử lý đối với hành vi xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào sông Thị Vải của Công ty TNHH Vedan VN (Vedan).

Ngoan cố và xảo quyệt

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, không chỉ trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường theo luật định, Vedan còn rất gian dối khi tự đăng ký chất lượng nước thải loại B; ngoài ra, nhà máy còn có trại chăn nuôi heo sai phép... Trung bình mỗi tháng, Vedan đã “giết” sông Thị Vải bằng 45.000 m3 nước bẩn.

Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó Cục Cảnh sát Môi trường (C36) - Bộ Công an, cho hay: Suốt quá trình mật phục điều tra, bắt tận tay đã chứng minh được hành vi sai phạm có tính chất cố ý và được tổ chức hết sức tinh vi của Vedan. Nhưng khi yêu cầu ký vào biên bản sai phạm, đại diện Vedan và những người liên quan hoặc trực tiếp điều khiển hệ thống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải nhất quyết không chịu ký. Bằng những chứng cứ rõ ràng và đấu tranh kiên quyết, đại diện doanh nghiệp (DN) này mới thừa nhận sai phạm và người trực tiếp điều khiển hệ thống xả nước thải ô nhiễm bí mật của Vedan là ông Lâm Mậu Phủ mới chịu ký vào biên bản hiện trường.

Theo ông Thảo, toàn bộ số người tham gia vào quá trình vận hành hệ thống nước thải của nhà máy Vedan có 8 người, gồm 3 người Đài Loan và 5 người VN. Trong đó, việc điều hành các van xả chỉ do 2 người Đài Loan trực tiếp làm là Lâm Mậu Phủ và Vương Kim Điền (hiện đã về Đài Loan); những người VN còn lại trong ê-kíp hoàn toàn bị “ém” thông tin. Nhà máy có tới 50 bể chứa, đường ống, van đóng, xả có số lượng rất lớn, chằng chịt như ma trận. Các đường ống xả nước bẩn và nước sạch đặt cạnh nhau. Để che mắt, Vedan còn đặt một con thuyền nằm che khuất khu vực cửa ống xả ra sông. “Hệ thống đường ống, bể chứa được Vedan coi là xử lý sạch nguồn nước thải đều không hoạt động. Máy bơm gỉ sét, không chạy, ống xả khô ráo, ao tù để lọc nước thải trơ đáy... Trong khi đó, đường ống xả nước bẩn thì liên tục xả ngầm dưới lòng sông Thị Vải khiến cả khúc sông sủi bọt trắng xóa” - ông Thảo bức xúc nói.

Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực nhà máy sản xuất, hệ thống bể chứa và thoát nước của Vedan đổ ra sông Thị Vải (ảnh do C36 cung cấp)

Vedan có thể bị đóng cửa vĩnh viễn

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, không chỉ hủy hoại sông Thị Vải mà hai nhà máy chế biến bột mì ở Quảng Bình, Hà Tĩnh để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy tại Đồng Nai cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo quy định, Vedan phải đầu tư tối thiểu cho hệ thống xử lý nước thải 10-15 triệu USD (chiếm 10% giá trị đầu tư) nhưng sau nhiều lần trì hoãn, mức đầu tư của Vedan chỉ 1,5 triệu USD.

Cũng theo ông Nguyên, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vi phạm nghiêm trọng của Vedan và coi đây là vụ cần xử lý điển hình. Thủ tướng đã yêu cầu điều tra làm rõ và xử thật nghiêm để làm gương, bất kể là DN trong nước hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp thu chỉ đạo, quan điểm của Bộ TN-MT là trước mắt yêu cầu phải đóng cửa nhà máy, dừng sản xuất để kiểm tra toàn bộ hệ thống xử lý nước thải. Nếu sai phạm quá nghiêm trọng, phải bắt giam những người liên quan, đóng cửa vĩnh viễn, chuyển nhà máy đi nơi khác hoặc rút giấy phép đầu tư và xử phạt ở mức cao nhất. “Kết luận cuối cùng về vụ này được đưa ra vào ngày 19-9. Tất cả những biểu hiện sai phạm có hệ thống, tổ chức tinh vi và gian trá của Vedan trong hơn 10 năm qua là quá đủ căn cứ để xử lý hình sự” - ông Nguyên nhấn mạnh.

Các bên đùn đẩy trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của báo giới về trách nhiệm của các cơ quan chức năng hữu quan khi để sai phạm của Vedan kéo dài hơn 10 năm, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng bộ đã làm đúng các thủ tục cấp phép và thẩm duyệt, bộ không thể xuống tận nơi kiểm tra. Cục phó Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) Lê Bắc Huỳnh cũng biện bạch đã thẩm định đúng hồ sơ báo cáo của Vedan sau khi được Sở TN-MT Đồng Nai thẩm duyệt và báo cáo. Việc Vedan sai phạm là họ vượt quá điều kiện cấp phép.

Ông Nguyên cũng thừa nhận, hiện năng lực kiểm tra, giám sát môi trường của VN quá yếu - 3 người trên 1 triệu dân, trong khi các nước từ hàng trăm đến cả ngàn người. Do vậy, Bộ TN-MT không thể nắm hết được tình hình ở địa phương. Điều khó khăn, theo ông Nguyên, là việc đấu tranh bảo vệ môi trường gặp rất nhiều áp lực và cản trở từ chính quyền các địa phương vì sẽ gây khó khăn cho thu hút đầu tư. Thậm chí, các địa phương còn yêu cầu giảm bớt các chỉ tiêu môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đi ngược với chủ trương chung và sai lầm nghiêm trọng.

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Chủ nhiệm bộ môn quản lý môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Cấp phép là một chuyện nhưng quan trọng là phải kiểm tra, giám sát và đây là trách nhiệm của Sở TN-MT Đồng Nai. Việc để xảy ra vấn đề phá hoại môi trường nghiêm trọng trong hơn 10 năm là điều khó lý giải. Vụ Vedan tồi tệ như vậy không thể nói Sở TN-MT Đồng Nai không thấy gì...”.

Ông Lâm Mậu Phủ - người điều hành hệ thống xả nước thải của Vedan đầu độc sông Thị Vải (ảnh do C36 cung cấp)

Tiếp tục xử lý các DN vi phạm khác

Theo Bộ trưởng Bộ TN- MT Phạm Khôi Nguyên, ngoài Vedan, còn nhiều DN khác cũng đã và đang hủy hoại môi trường lưu vực sông Thị Vải. Kết thúc đợt thanh tra này, bộ sẽ xử lý 5-7 DN khác có hành vi vi phạm tương tự. Hiện đoàn thanh tra đã phát hiện thêm 2 DN vi phạm.

Ông Nguyên lo ngại: “Dự báo năm 2050, sông Thị Vải sẽ “chết” hẳn nhưng chỉ sau một năm, từ năm 2007 đến nay, số km sông bị ô nhiễm và hủy hoại nghiêm trọng đã tăng rất nhanh, từ 10 km lên 15 km (tổng số chiều dài sông là 76 km). Nguyên nhân chính là việc xả thải chưa qua xử lý của các nhà máy, các KCN. Hiện 80% các KCN đều chưa hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ ra các con sông, kênh, mương.

T.D

 

(Theo Thế Dũng/nld)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Những “gánh nợ” bên sông Thị Vải
  • Mỗi tháng Vedan xả chui 105.600 m3 dịch thải ra sông Thị Vải!
  • Vedan VN đầu độc sông Thị Vải
  • Vedan lại “cù cưa”
  • Công ty Vedan bị thu hồi giải thưởng "tào lao"
  • Biển thủ 340.000 đôla để... giúp người nghèo
  • Vụ án làm gián điệp cho Mỹ ở Nga
  • Ngày 24-9, Xét xử vụ án tham ô tại PMU18
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%