Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nộng dân nộp đơn kiện công ty Vedan tại tòa án huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước khi công ty này chấp nhận bồi thường thiệt hại do việc gây ô nhiễm sông Thị Vải. Ảnh: C.T (vnexpress)

Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp tới sẽ hướng đến việc giao quyền cho các tổ chức xã hội khởi kiện theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc vì mục đích công cộng nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết tại buổi thảo luận dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra tại nghị trường Quốc hội vào chiều 29/10/2010.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng cần xem xét, cân nhắc quy định quyền khởi kiện của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với thực tế và pháp luật hiện hành.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế có nhiều trường hợp giá trị các tranh chấp của người tiêu dùng thường không lớn nên người tiêu dùng thường có tâm lý ngại khởi kiện (chẳng hạn, các vụ việc vi phạm như xăng pha aceton, nước tương nhiễm 3-MCPD, gian lận đo lường trong kinh doanh xăng dầu, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường... không có cá nhân người tiêu dùng nào khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình), tuy nhiên, thiệt hại cho xã hội trong các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng này là rất lớn.

Vì vậy, việc giao quyền cho các tổ chức xã hội khởi kiện theo yêu cầu của người tiêu dùng là cần thiết. Việc này phù hợp với thực tế hiện nay và phù hợp pháp luật tố tụng dân sự. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức xã hội có quyền tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.

Về hỗ trợ hoạt động cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. dự thảo Luật quy định theo hướng chỉ khi thực hiện một số nhiệm vụ được cơ quan Nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước mà không quy định kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức này. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định những nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước giao cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện.

Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng mới cũng quy định, để thực hiện việc khởi kiện, người tiêu dùng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật dân sự, tố tụng dân sự. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ muốn được miễn trách nhiệm bồi thường thì phải có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Lỗi thuộc về bên nào do Tòa án quyết định. (Điều 42 “Nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”).

Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Trong hầu hết các vụ việc vi phạm, người tiêu dùng hầu như không thể chứng minh được lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ do thiếu điều kiện về kiến thức, phương tiện cũng như năng lực tài chính. Thực tiễn các vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong thời gian qua cho thấy người tiêu dùng không thể chứng minh được các chất hóa học có hại trong sản phẩm như vụ xăng pha aceton, vụ sữa nhiễm melamine, vụ nước tương nhiễm 3-MCPD...

Về cơ chế và hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền thành lập các tổ chức hòa giải để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ để xã hội hóa công tác giải quyết tranh chấp và giảm tải cho Tòa án, tránh phát sinh những Trung tâm hoà giải là những tổ chức lợi nhuận trá hình hoặc là các công cụ cạnh tranh không lành mạnh.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%