Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không nên ngại hình thức tố cáo qua e-mail hay điện thoại. |
Mặc dù Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng tố cáo qua e-mail có thể dẫn đến những tình huống “cực kỳ nguy hiểm”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật vẫn kiên trì quan điểm “hình thức tố cáo không quan trọng”.
Đã qua thảo luận tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa 12, song một số vấn đề lớn về dự án Luật Tố cáo vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/8. Một trong các vấn đề đó là hình thức tố cáo.
Tổng hợp nội dung thảo luận của đại biểu Quốc hội cho thấy, nhiều ý kiến tán thành cao với việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử (e-mail), fax, điện thoại.
Có ý kiến đề nghị tố cáo bằng ghi hình, ghi âm, các bài viết trên báo chí, diễn đàn có thông tin, nội dung vụ việc và về con người cụ thể cũng là hình thức cần được bổ sung vào dự luật.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến cho rằng chưa nên bổ sung các hình thức nói trên. Vì điều kiện hiện nay khó có thể quản lý, kiểm tra, xác minh các thông tin được tiếp nhận bằng các hình thức này.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - thì vấn đề quan trọng không phải tố cáo theo hình thức nào mà là nội dung có đầy đủ, chính xác hay không.
Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh thông tin tố cáo phải có đủ họ tên, địa chỉ người tố cáo với nội dung tố cáo trung thực, rõ ràng.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị phải cân nhắc rất kỹ việc quản lý, vì “con tôi ngày thay mấy cái e-mail, không biết ai quản lý”. Rồi sim điện thoại chỉ có 20 nghìn thì ai chả mua được.
Bởi thế, “khi nội dung tố cáo chưa biết đúng hay không đã được tung lên mạng, cỡ chúng tôi trở xuống cũng đỡ nguy hiểm, chứ nếu với cả Chủ tịch Quốc hội hay Tổng bí thư, xin lỗi, thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Hiện quan ngại.
Không quá lo lắng như ông Hiện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước và một số ý kiến khác đều cho rằng, tố cáo qua e-mail là “hay”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi, nếu e-mail tố cáo mà có chữ ký điện tử thì còn an toàn hơn cả thư gửi qua bưu điện. Song, ông Thi cũng nhấn mạnh việc đề phòng phát tán thông tin, vì rất hại cho người bị tố cáo.
Không đồng ý với phân tích của Chủ nhiệm Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không nên ngại hình thức tố cáo qua e-mail hay điện thoại. Vì việc gửi và nhận thư tố cáo đều phải tuân theo quy định chặt chẽ, còn “nếu phát tán thì đơn viết tay cũng phát tán được”.
Bên cạnh hình thức tố cáo, bảo vệ người tố cáo cũng là nội dung còn khiến nhiều vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, khi luật mới chỉ có những quy định mang tính nguyên tắc, chưa có các nội dung cụ thể.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra sốt ruột khi dự thảo luật chưa ghi một từ nào về chính sách cho người tố cáo trong trường hợp bị hại.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần rà soát và tính toán thêm khi vừa phải đảm bảo yêu cầu bí mật nhưng vừa phải bảo vệ được người tố cáo. Vì có thể trong cùng cơ quan, ông thủ trưởng bị tố cáo nghỉ rồi thì ông phó lên thay vẫn có thể trù dập người tố cáo.
Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, cho dù có tố cáo đúng sự thật thì người tố cáo cũng cũng khó làm việc ở nơi cũ. Vì vậy cần phải bổ sung việc giữ liên hệ với người tố cáo trong dự thảo luật.
Dự án Luật Tố cáo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com