Theo quy định tại Quyết định 71, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam “không được cử luật sư nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng" (Ảnh: minh họa) |
Quy định chưa thống nhất?
Theo Chi nhánh Rouse Legal, họ được cấp giấy phép hành nghề trong các lĩnh vực: sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, công ty và thương mại, tài chính ngân hàng, lao động. Tuy nhiên, khi nhận được từ khách hàng yêu cầu thực hiện các vụ việc liên quan đến lĩnh vực tố tụng dân sự, doanh nghiệp này đã “chưa dám” tiếp nhận. Nghiên cứu các quy định tại Điều 70 Luật Luật sư và Nghị quyết 71/2006/QH11 (29/11/2006) của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam, văn bản từ Rouse Legal đưa ra nhận định: “Các quy định này chưa thống nhất về phạm vi hành nghề của chi nhánh các tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam”.
Đại diện doanh nghiệp phân tích, Điều 70 Luật Luật sư cho phép tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam“được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam, tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Tòa án Việt Nam đối với các vụ, việc mà chi nhánh, công ty luật nước ngoài thực hiện tư vấn pháp luật, trừ các vụ án hình sự”.
Nhưng theo Nghị quyết 71, chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam “không được cử luật sư nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Tòa án Việt Nam…”.
Căn cứ vào qui định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp các văn bản do một cơ quan ban hành có mâu thuẫn thì áp dụng theo quy định tại văn bản ban hành sau. Như vậy, quy định của Nghị quyết 71 sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này, song nội dung nêu trên của Nghị quyết 71 được doanh nghiệp coi là không phù hợp với cam kết WTO.
Mở rộng quyền phải được Quốc hội cho phép
Ông Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, trên thực tế, mục 2 phụ lục của Nghị quyết 71 đã “sửa Luật Luật sư” theo hướng không cho tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam cử luật sư tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam nên không có độ “vênh” giữa các quy định của pháp luật trong nước về vấn đề này.
Liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đại diện Vụ pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam vẫn giữ lại quyền được quyết định cho phép hay không cho phép chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Tòa án Việt Nam. Vì vậy, theo chuyên gia này, Bộ Tư pháp có thể xem xét, cân nhắc để chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được cử luật sư Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước Tòa án Việt Nam.
Mặc dù vậy, đa số ý kiến đại biểu bộ ngành tham dự cuộc họp nhìn nhận, nếu Việt Nam cho phép Chi nhánh Rouse Legal được cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách “người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng tại tòa án Việt Nam” thì điều này cần được áp dụng cho tất cả các tổ chức, chi nhánh luật sư nước ngoài khác tại Việt Nam theo nguyên tắc của WTO là không phân biệt đối xử và minh bạch, công khai. Đồng thời, trước khi trao cho Chi nhánh Rouse Legal, Việt Nam phải thông báo cho Ban thư ký WTO về việc “mở rộng quyền cho chi nhánh, tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam” so với cam kết và phải được Quốc hội Việt Nam cho phép. Do đó, trước mắt vẫn sẽ áp dụng quy định của Nghị quyết 71. Về lâu dài, vấn đề này có thể được cân nhắc quy định lại vào thời điểm thích hợp.
(Theo Vũ Hồng // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com