Các luật sư của chính quyền trong thủ tục tố tụng
Các luật sư của chính quyền làm việc tại mọi cấp độ của thủ tục tố tụng, từ những tòa án sơ thẩm đến những tòa án phúc thẩm cấp cao nhất của bang và liên bang.
Công tố viên liên bang. Mỗi hạt tư pháp liên bang có một viên chưởng lý nhà nước và một hoặc nhiều phó chưởng lý. Những người này chịu trách nhiệm khởi tố các bị cáo trong các vụ án hình sự ở tòa án hạt liên bang và bào chữa cho nước Mỹ khi nước Mỹ bị kiện ở một tòa án sơ thẩm liên bang.
Chưởng lý nhà nước được tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn. Những người được chỉ định phải có quyền lực ở hạt mà họ được bổ nhiệm và phải là luật sư. Họ làm việc chính thức trong một nhiệm kỳ bốn năm nhưng có thể được tái bổ nhiệm không thời hạn hoặc bị bãi miễn tùy theo quyết định của tổng thống. Các phó chưởng lý được tổng chưởng lý Hoa Kỳ bổ nhiệm chính thức, mặc dù trên thực tế họ được chưởng lý nhà nước lựa chọn cho hạt của mình; người chưởng lý nhà nước này sẽ chuyển quyền lựa chọn cho tổng chưởng lý để phê chuẩn. Phó chưởng lý có thể bị tổng chưởng lý sa thải.
Trong vai trò giữ quyền công tố, các chưởng lý nhà nước có quyền tự quyết đáng kể trong việc quyết định những vụ án hình sự nào để khởi tố. Họ cũng có thẩm quyền xác định những vụ án dân sự nào sẽ cố gắng giải quyết ngoài tòa án và những vụ án nào sẽ đưa ra xét xử. Do vậy, chưởng lý nhà nước ở vào vị trí rất thuận lợi để có thể tác động đến sổ ghi án của tòa án hạt liên bang. Tương tự như vậy, do tham gia vào kiện tụng ở các tòa án hạt nhiều hơn bất kỳ ai khác nên chưởng lý nhà nước và nhân viên của họ là những người tham gia cực kỳ quan trọng trong việc hoạch định chính sách ở các tòa án sơ thẩm liên bang.
Các công tố viên cấp bang. Những người khởi tố những người bị buộc tội vi phạm các điều luật hình sự của bang thường được gọi là các chưởng lý hạt. Ở hầu hết các bang, các chưởng lý hạt do các quan chức của địa hạt bầu ra; tuy nhiên, ở một số ít bang họ được chỉ định. Văn phòng của chưởng lý hạt thường tuyển dụng rất nhiều phụ tá làm hầu hết công việc xét xử trên thực tế. Phần lớn những phó chưởng lý hạt là sinh viên mới tốt nghiệp trường luật, những người sẽ thu thập kinh nghiệm xét xử quý báu từ những vị trí đó. Nhiều người sau đó tham gia vào hoạt động tư nhân, thường với tư cách là luật sư bào chữa các vụ án hình sự. Những người khác sẽ tìm cách trở thành chưởng lý hay thẩm phán hạt sau một vài năm.
Văn phòng của chưởng lý hạt có quyền tự quyết rất lớn trong việc xét xử các vụ án. Với những hạn chế về ngân sách và nhân lực, không phải tất cả các vụ án đều có thể được dành một lượng thời gian và nghiên cứu như nhau. Do vậy, một số vụ án bị bãi bỏ, một số vụ không được khởi tố và những vụ khác được khởi tố quyết liệt tại tòa án. Tuy nhiên, hầu hết các vụ án đều phụ thuộc vào sự thương lượng lời khai với bị cáo. Điều này có nghĩa là văn phòng chưởng lý hạt đồng ý chấp nhận lời biện hộ có tội của bên bị ở mức độ giảm cáo buộc hoặc bác bỏ một số cáo buộc đối với bên bị để đổi lấy cơ sở buộc tội những người khác.
Bào chữa viên nhà nước. Thông thường người bị buộc tội vi phạm một đạo luật hình sự của bang hay liên bang không có khả năng trả tiền để được một luật sư bào chữa. Trong một số lĩnh vực, một quan chức chính phủ, được gọi là bào chữa viên nhà nước, sẽ nhận trách nhiệm đại diện cho những bị đơn nghèo khổ. Do vậy, bào chữa viên nhà nước là một đối trọng của công tố viên. Tuy nhiên, không giống như chưởng lý, bào chữa viên nhà nước thường được chỉ định chứ không phải bầu chọn. Ở một số vùng của đất nước, có những hệ thống bào chữa viên nhà nước trên toàn bang; ở các vùng khác, bào chữa viên nhà nước là một quan chức địa phương, thường liên kết với một chính quyền địa hạt. Giống như chưởng lý hạt, bào chữa viên nhà nước tuyển dụng các nhân viên phụ thẩm và điều tra cho mình.
Các luật sư khác của chính quyền. Ở cả cấp độ bang và liên bang, một số luật sư của chính quyền được biết đến vì công việc ở tòa phúc thẩm nhiều hơn ở tòa án sơ thẩm. Chẳng hạn, mỗi bang có một tổng chưởng lý giám sát một nhóm các chưởng lý, những người bị ràng buộc với trách nhiệm xử lý những công việc pháp lý của bang. Ở cấp độ liên bang, Bộ Tư pháp có những trách nhiệ m tương tự thay mặt cho nước Mỹ.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Mặc dù Bộ Tư pháp là một cơ quan của bộ máy hành pháp của chính phủ nhưng nó có sự liên kết tự nhiên với ngành tư pháp. Nhiều vụ án xét xử ở các tòa án liên bang liên quan đến chính quyền quốc gia ở vai trò này hay vai trò khác. Đôi khi chính quyền bị kiện; trong những trường hợp khác, chính quyền khởi xướng vụ kiện. Trong cả hai trường hợp này, một chưởng lý phải đại diện cho chính quyền. Phần lớn các vụ kiện tụng liên quan đến chính quyền liên bang đều do Bộ Tư pháp xử lý mặc dù nhiều cơ quan chính phủ khác cũng có luật sư riêng.
Văn phòng Tổng cố vấn pháp luật của Bộ Tư pháp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với những vụ án được tranh tụng trước Tòa án tối cao. Bộ cũng có một vài ban pháp lý, mỗi ban có các luật sư chuyên biệt do một phó tổng chưởng lý đứng đầu. Các ban pháp lý giám sát việc xử lý kiện tụng của chưởng lý nhà nước, đưa các vụ án ra tòa phúc thẩm và hỗ trợ văn phòng Tổng cố vấn pháp luật trong các vụ án tranh cãi trước Tòa án tối cao.
Tổng Cố vấn pháp luật Hoa Kỳ. Tổng cố vấn pháp luật Hoa Kỳ, quan chức cao cấp thứ ba trong Bộ Tư pháp, được hỗ trợ bởi năm phó tổng cố vấn và khoảng hai mươi trợ lý tổng cố vấn. Chức năng chủ yếu của tổng cố vấn pháp luật là đại diện cho nước Mỹ quyết định những vụ án nào sẽ được hay không được đưa ra Tòa án tối cao để xem xét lại. Bất cứ khi nào một cơ quan hay tổ chức thuộc bộ máy hành pháp bị thua trong một vụ kiện ở một trong những tòa phúc thẩm và muốn Tòa án tối cao xem xét lại thì cơ quan hay tổ chức đó sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp có được một lệnh lấy lên xem xét lại (certiorari). Tổng cố vấn pháp luật sẽ xác định có kháng nghị phán quyết của tòa án thấp hơn hay không.
Nhiều yếu tố phải tính đến khi đưa ra một quyết định như vậy. Có lẽ cân nhắc quan trọng nhất là Tòa án tối cao bị giới hạn về số vụ án mà nó có thể xét xử trong một nhiệm kỳ nhất định. Do vậy, tổng cố vấn pháp luật phải xác định liệu một vụ án cụ thể có nên đưa ra xem xét đặc biệt tại Tòa án tối cao hay không. Ngoài việc quyết định có nên đưa ra Tòa án tối cao để xem xét lại, tổng cố vấn pháp luật còn biện hộ cho hầu hết các vụ án của chính phủ do Tòa Tối cao xét xử.
Các tổng chưởng lý của bang. Mỗi bang có một tổng chưởng lý phục vụ với tư cách là quan chức pháp lý hàng đầu của bang đó. Ở hầu hết các bang, quan chức này được bầu trên cơ sở một cuộc bỏ phiếu kín của đảng trên toàn bang. Tổng chưởng lý giám sát một nhóm chưởng lý, những người mà công việc chủ yếu là giải quyết các vụ án dân sự liên quan đến bang. Mặc dù việc khởi tố những bị cáo hình sự nhìn chung do các chưởng lý hạt địa phương giải quyết, nhưng văn phòng của tổng chưởng lý vẫn thường đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tra những hoạt động phạm tội trên toàn bang. Do đó, tổng chưởng lý và nhân viên của mình có thể phối hợp chặt chẽ với các chưởng lý hạt địa phương trong việc chuẩn bị cho một vụ án khởi kiện một bị cáo cụ thể.
Các tổng chưởng lý của bang cũng đưa ra những ý kiến cố vấn cho các cơ quan của bang và địa phương. Thông thường, những ý kiến này diễn giải một khía cạnh của luật bang mà chưa được các tòa án xét xử. Mặc dù một ý kiến cố vấn cuối cùng có thể bị bãi bỏ trong một vụ án đưa ra trước tòa, nhưng ý kiến của tổng chưởng lý vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lối hành xử của các cơ quan của bang và địa phương.
Các luật sư tư trong thủ tục tố tụng
Trong các vụ án hình sự ở Mỹ, bị cáo có một quyền hiến định là được đại diện bởi một luật sư. Một số khu vực tài phán đã thiết lập các văn phòng bào chữa viên nhà nước để đại diện cho những bị cáo nghèo khổ. Trong những khu vực khác, có một số phương pháp là bổ nhiệm một luật sư tư để đại diện cho một bị cáo không có khả năng thuê luật sư bào chữa. Những bị cáo không có khả năng thuê luật sư cho mình cũng làm theo cách này.
Trong các vụ án dân sự, cả bên nguyên và bên bị đều không có quyền hiến định được luật sư bào chữa. Tuy nhiên, trong phạm vi dân sự thì các vấn đề pháp lý thường phức tạp đến mức phải có luật sư bào chữa. Những hình thức hỗ trợ pháp lý khác nhau thường sẵn có cho những người cần được giúp đỡ.
Luật sư bào chữa được chỉ định / bổ nhiệm. Khi một luật sư tư phải được bổ nhiệm để bào chữa cho một bị cáo nghèo khổ thì việc bổ nhiệm này thường do một thẩm phán độc lập thực hiện trên cơ sở từng trường hợp. Các hiệp hội luật sư địa phương hay bản thân các luật sư thường cung cấp cho tòa án một danh sách những luật sư sẵn sàng cho việc bào chữa như vậy.
Luật sư bào chữa tư. Một số luật sư trong hoạt động cá nhân của họ thường chuyên tâm vào công việc bào chữa cho tội phạm hình sự. Mặc dù cuộc sống của những luật sư bào chữa cho tội phạm hình sự có thể được mô tả rất hào nhoáng trên truyền hình hay phim ảnh, song trên thực tế những luật sư này phải làm việc nhiều giờ với đồng lương và thanh thế rất thấp.
Nhóm làm việc tại phòng xử án
Không chỉ đơn thuần hoạt động theo kiểu thỉnh thoảng tập hợp những người lạ để giải quyết một xung đột nào đó rồi ai đi đường nấy, các luật sư và thẩm phán, những người cùng làm việ c trong một phòng xử án hình sự, trở thành một phần của nhóm làm việc.
Những thành viên hiện hữu nhất của nhóm làm việc – thẩm phán, công tố và luật sư bào chữa – được gắn với những chức năng cụ thể: Bên công tố thúc ép để có lời buộc tội những người bị kết tội vi phạm hình sự đối với chính quyền, luật sư bào chữa tìm mọi cách để khách hàng của mình được trắng án, và thẩm phán đóng vai trò người phân xử trung gian để bảo đảm có mức án công bằng. Mặc dù có những vai trò khác nhau nhưng các thành viên của nhóm làm việc tại phòng xử án có cùng một số giá trị và mục đích và không phải là những kẻ thù ghê gớm của nhau như nhiều người thường nghĩ. Sự hợp tác giữa các thẩm phán, bên công tố và luật sư bào chữa là quy phạm của nhóm làm việc tại phòng xử án.
Mục đích quan trọng nhất của nhóm làm việc tại phòng xử án là giải quyết các vụ án một cách mau chóng. Các thẩm phán và bên công tố quan tâm đến việc giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng để thể hiện một hình ảnh hoàn thiện và hiệu quả. Do những luật sư bào chữa tư cần giải quyết rất nhiều vụ án để bảo đảm về vấn đề tài chính nên việc giải quyết các vụ án một cách nhanh chóng là lợi thế của họ. Và những bào chữa viên nhà nước thường tìm cách nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách đơn giản vì họ thiếu những nguồn lực cần thiết để giải quyết khối lượng công việc của mình.
Một mục tiêu quan trọng khác của nhóm làm việc tại phòng xử án là duy trì sự gắn kết trong nhóm. Xung đột giữa các thành viên làm cho công việc trở nên khó khăn hơn và cản trở việc giải quyết nhanh chóng các vụ án.
Cuối cùng, nhóm làm việc tại phòng xử án quan tâm đến việc giảm bớt và kiểm soát sự bất ổn. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tất cả thành viên của nhóm làm việc đều nỗ lực tránh các vụ xử án. Các vụ xử án, đặc biệt là các vụ xử án có bồi thẩm đoàn, gây ra rất nhiều bất ổn khi chúng đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức mà không thể bảo đảm chắc chắn sẽ có được kết quả mong muốn.
Để duy trì những mục tiêu này, các thành viên của nhóm làm việc phải có một số kỹ năng. Mặc dù có những quyết định đơn phương và thủ tục đối lập nhưng đàm phán là kỹ năng được sử dụng phổ biến nhất tại các phòng xử án hình sự. Các thành viên đàm phán về hàng loạt vấn đề - chẳng hạn sự đình lại (trì hoãn trong thủ tục tại tòa án), các ngày xét xử và trao đổi thông tin. Tuy nhiên, thương lượng lời khai là cách thức quyết định nhất trong việc đàm phán.
Các dịch vụ pháp lý cho người nghèo
Mặc dù các bị đơn hình sự có quyền hiến định được đại diện bởi một luật sư, nhưng những người là bị đơn trong một vụ án dân sự hoặc muốn bắt đầu một vụ án dân sự không có quyền được có đại diện. Do vậy, những người không có tiền để thuê luật sư có thể gặp khó khăn trong việc xét xử.
Để giải quyết vấn đề này, những dịch vụ hỗ trợ pháp lý hiện nay đã xuất hiện trong nhiều lĩnh vực. Các hiệp hội hỗ trợ pháp lý được thành lập rất sớm ở New York và Chicago, ngay từ cuối những năm 1880, và nhiều thành phố lớn khác đã làm như vậy trong thế kỷ XX. Mặc dù một số hiệp hội hỗ trợ pháp lý được các tổ chức luật tài trợ, hầu hết những hiệp hội này đều được hỗ trợ bở i những đóng góp cá nhân. Các văn phòng hỗ trợ pháp lý cũng liên kết với các tổ chức từ thiện trong một số lĩnh vực, và nhiều trường luật đưa vào hoạt động các khoa hỗ trợ pháp lý để mang đến sự trợ giúp về pháp luật cho người nghèo và cho các sinh viên luật thực tập. Ngoài ra nhiều luật sư còn cung cấp những dịch vụ pháp lý “pro bono publico” (tiếng Latinh có nghĩa là “vì lợi ích chung”) vì họ coi đó là một trách nhiệm nghề nghiệp.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Bài thuộc chuyên đề: Giới thiệu sơ lược hệ thống pháp luật Hoa Kỳ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com