ẢNH HƯỞNG CỦA QUỐC HỘI ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH THỰC THI
Khi một phán quyết của tòa án liên bang đã được đưa ra, Quốc hội có thể đưa ra rất nhiều phản ứng: Quốc hội có thể hỗ trợ hoặc cản trợ việc thực thi một phán quyết. Bên cạnh đó, nó có thể thay đổi cách diễn giải của tòa án về một đạo luật. Cuối cùng, Quốc hội có thể tiến hành công kích chống lại một thẩm phán cụ thể.
Trong quá trình quyết định các vụ kiện, các tòa án thường được yêu cầu phải diễn giải các quy chế của liên bang. Đôi khi, sự diễn giải của tòa án có thể khác với những gì mà đa số trong Quốc hội dự định. Khi tình hình này xảy ra, Quốc hội có thể thay đổi quy chế bằng một đạo luật mới mà trên thực tế là bác bỏ sự diễn giải ban đầu của tòa án. Tuy nhiên, đa số vượt trội trong các phán quyết về quy chế của tòa án liên bang không bị thay đổi bởi Quốc hội.
Bên cạnh việc phán quyết về các quy chế, các tòa liên bang còn diễn giải Hiến pháp. Quốc hội có hai phương pháp để đảo ngược hoặc thay đổi tác động của một sự diễn giải Hiến pháp mà Quốc hội không thích. Thứ nhất, Quốc hội có thể phản ứng bằng một quy chế khác, được đưa ra nhằm tránh các vấn đề thuộc về Hiến pháp. Thứ hai, một quyết định hợp hiến có thể bị bác bỏ trực tiếp bởi một điều khoản sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ (tu chính án). Mặc dù rất nhiều tu chính án như vậy đã được đưa ra trong nhiều năm, song không dễ dàng gì có thể đạt được hai phần ba số phiếu cần thiết tại mỗi viện của Quốc hội để đề xuất một tu chính án và sau đó được ba phần tư các bang của Hoa Kỳ phê chuẩn. Trong lịch sử tòa án, chỉ có bốn phán quyết của Tòa án tối cao đã bị bác bỏ bởi các tu chính án của Hiến pháp.
Một biện pháp khác để phản ứng lại các phán quyết của tòa án là Quốc hội tiến hành việc công kích các tòa án liên bang nói chung và một số thẩm phán nhất định nói riêng. Những cuộc công kích này có thể dưới hình thức các tuyên bố miệng của một thành viên Quốc hội, đe dọa luận tội thẩm phán đương nhiệm, hoặc tiến hành thẩm tra toàn diện hơn về các triết lý hành xử tại tòa án của các ứng cử viên tiềm năng cho chức vụ thẩm phán liên bang.
Tuy nhiên, Quốc hội và các tòa án liên bang về bản chất là không đối địch. Các cuộc công kích trả đũa đối với các tòa án liên bang là rất hiếm hoi, và hai ngành thường làm việc hòa hợp với nhau để hướng tới những mục tiêu chính sách giống nhau. Một ví dụ là Quốc hội đóng vai trò then chốt trong việc thực thi chính sách xóa bỏ nạn phân biệt đối xử tại trường học của Tòa án tối cao bằng việc ban hành Đạo luật nhân quyền năm 1964, trao quyền cho Bộ Tư pháp khởi xướng những vụ kiện đối với các phân khu trường học không tuân thủ phán quyết của vụ Brown kiện ủy ban giáo dục. Tiêu mục VI của Đạo luật này cũng cung cấp một vũ khí rất hiệu quả cho cuộc đấ u tranh chống nạn phân biệt chủng tộc bằng việc đe dọa cắt bỏ ngân quỹ của liên bang đối với những trường vi phạm. Năm 1965, Quốc hội đã củng cố thêm sự ủng hộ của mình đối với chính sách xóa bỏ nạn phân biệt đối xử giữa các trường học công bằng việc thông qua Đạo luật giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Đạo luật này dành cho chính phủ liên bang một vai trò lớn hơn nhiều trong việc tài trợ cho giáo dục công, do vậy khiến sự đe dọa cắt bỏ ngân sách liên bang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với rất nhiều phân khu trường học vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử. Sự ủng hộ này của Quốc hội là rất có ý nghĩa, bởi vì khả năng tuân thủ một chính sách sẽ tăng lên khi có sự nhất trí giữa các ngành quyền lực trong chính quyền.
ẢNH HƯỞNG CỦA NGÀNH HÀNH PHÁP ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH THỰC THI
Đôi khi, tổng thống có thể được triệu tập trực tiếp để thực thi một phán quyết của tòa án. Một ví dụ là vụ Hoa Kỳ kiện Nixon (1974). Một cuộc điều tra do ủy ban của Thượng viện tiến hành về chi tiết vụ đột nhập vào trụ sở của Đảng Dân chủ tại Khách sạn Watergate tại Washington, D.C., đã viện dẫn trực tiếp tới các quan chức cao cấp của chính phủ làm việc gần gũi với tổng thống. Cuộc điều tra cũng đã phát hiện thấy rằng Tổng thống Richard Nixon đã cho lắp đặt một hệ thống ghi âm tự động trong Văn phòng tổng thống. Leon Jaworski, người đã được chỉ định làm ủy viên công tố đặc biệt để điều tra vụ Watergate, đã yêu cầu phải đưa ra trước tòa một số cuốn băng mà ông cảm thấy có thể là bằng chứng cần thiết cho việc khởi tố các quan chức cao cấp. Nixon từ chối giao các cuộn băng này dựa trên cơ sở đặc quyền hành pháp và yêu cầu bảo mật đối với các cuộc thảo luận dẫn tới những quyết định của tổng thống. Phán quyết của Tòa án tối cao đã chỉ thị cho Tổng thống phải giao những cuốn băng đó cho Thẩm phán John J. Sirica, người đang điều khiển các phiên tòa xét xử các quan chức chính phủ. Nixon đã tuân thủ chỉ thị của Tòa án tối cao và như vậy đã thực thi một phán quyết mà nhanh chóng dẫn đến sự sụp đổ của ông. Trong vòng hai tuần, ông đã từ chức tổng thống, vào tháng Tám 1974.
Ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào việc thực thi một chính sách của tòa án, tổng thống cũng có thể ảnh hưởng tới tác động của nó. Do vị thế và sự nổi bật của chức vụ này, một tổng thống có thể khuyến khích sự ủng hộ hoặc sự chống đối một chính sách mới của tòa án chỉ đơn giản bằng lời nói và hành động của mình.
Tổng thống có thể đề xuất một đạo luật trực tiếp tác động tới các tòa án. Một ví dụ là Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã không thành công trong việc thúc đẩy Quốc hội mở rộng quy mô của Tòa án tối cao để ông có thể đưa vào đó những thẩm phán ủng hộ chương trình lập pháp của chính quyền của ông.
Quyền bổ nhiệm thẩm phán cũng mang lại cho tổng thống một cơ hội để ảnh hưởng tới các chính sách của tòa án liên bang, do tổng thống có thể chỉ định tất cả các thẩm phán liên bang, với sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện.
Tổng thống có thể ảnh hưởng tới quá trình ra quyết sách của tòa án thông qua các hoạt động của Bộ Tư pháp, một bộ phận của ngành hành pháp. Viên chưởng lý và các nhân viên dưới quyền có thể nhấn mạnh vào những vấn đề cụ thể theo các mục tiêu chính sách chung của tổng thống. Tuy nhiên, mặt trái của việc này là Bộ Tư pháp có thể tùy tiện giảm bớt tầm quan trọng của một số chính sách cụ thể bằng cách không nỗ lực theo đuổi chúng trước tòa.
Một quan chức chính quyền khác có thể ảnh hưởng tới quá trình ra quyết sách của tòa án là đại diện của chính phủ tại Tòa án tối cao. Về mặt lịch sử, quan chức này được xem như có trách nhiệm kép đối với cả ngành hành pháp và tư pháp. Do mối quan hệ gần gũi giữa quan chức này với Tòa án tối cao, nên đôi khi người này còn được nhắc tới như là “thẩm phán thứ mười”. Đại diện của chính phủ tại Tòa án tối cao cũng được coi như một cố vấn về pháp lý, người chuyên đưa ra những ý kiến tư vấn cho Tòa án tối cao về ý nghĩa của các quy chế liên bang và của Hiến pháp. Quan chức này cũng quyết định những vấn đề gì trong các vụ kiện mà chính phủ liên bang là một bên có thể được kháng án lên Tòa án tối cao. Hơn nữa, ông / bà ta có thể khởi kiện dưới danh nghĩa “luật sư cố vấn của tòa án” để hối thúc tòa án cho phép hoặc từ chối đơn đề nghị tòa án cấp trên xem xét lại một vụ kiện của một nguyên đơn khác, hoặc ủng hộ hay phản đối một chính sách cụ thể được đưa ra để Tòa án tối cao thông qua.
Có rất nhiều quyết định của tòa án trên thực tế được thực thi bởi nhiều ngành, cơ quan, văn phòng và các ủy ban hành pháp. Ví dụ, phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ Frontiero kiện Richardson (1973) đã đòi hỏi Không quân Hoa Kỳ đóng vai trò chủ đạo trong việc thực thi. Vụ Frontiero đã đặt câu hỏi đối với quy định của Quốc hội về việc cấp các khoản phúc lợi cho những nhân viên nam đã kết hôn trong lực lượng không quân, song lại không cung cấp những phúc lợi tương tự cho nhân viên nữ đã kết hôn phục vụ trong lực lượng nà y. Trung úy Sharon Frontiero đã khởi kiện chính sách này dựa trên lý lẽ rằng chính sách này tạo ra sự phân biệt đối xử về giới. Một tòa án hạt của liên bang ở Alabama đã đưa ra một phán quyết ủng hộ chính sách của Không quân Hoa Kỳ. Trung úy Frontiero đã đệ đơn phúc thẩm lên Tòa án tối cao, nơi đã bác bỏ phán quyết của tòa cấp dưới và yêu cầu Không quân Hoa Kỳ phải đưa ra một chính sách mới.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Bài thuộc chuyên đề: Giới thiệu sơ lược hệ thống pháp luật Hoa Kỳ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com