Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mô hình bộ máy quốc gia về nhân quyền ở một số nước và suy nghĩ về cơ chế bảo đảm quyền con người (phần II)

2.2. Vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, hoạt động của Chính phủ có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc đảm bảo, thúc đẩy và phát triển quyền tự do dân chủ của công dân. Trong điều kiện hiện nay, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan bộ máy hành chính đảm bảo tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, mà một trong những yêu cầu đặt ra là bộ máy hoạt động của Chính phủ phải trong sạch, hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch và sách nhiễu nhân dân.

Làm được điều đó đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ những thủ tục phiền hà trong các khâu như xin phép, cấp phép. Tiến tới hành chính nhà nước là phục vụ nhân dân chứ không phải là hành dân, nhân dân xin Nhà nước. Đẩy mạnh và mở rộng các dịch vụ hành chính công và giảm dần việc Nhà nước ôm đồm tất cả mọi việc. Nghiên cứu những vấn đề mà nhân dân có thể tự quản lý được thì chuyển giao cho nhân dân thông qua các tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức xã hội, nghề nghiệp mà không cần thiết Nhà nước phải quản lý; đồng thời một trong những vấn đề không kém phần quan trọng nếu không nói là có tính quyết định đến toàn bộ hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền đó là đội ngũ cán bộ, công chức.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tận tâm phục vụ nhân dân là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề bảo vệ quyền con người. Cán bộ công quyền vừa là người thay mặt cho Nhà nước bảo vệ quyền tự do của nhân dân, nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện công vụ lại là người dễ xâm phạm quyền tự do của nhân dân. Do vậy, một đội ngũ cán bộ có năng lực, có phẩm chất đạo đức, thực hiện nhiệm vụ biết vì dân là yêu cầu cấp bách trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Muốn vậy, phải đặt ra yêu cầu trách nhiệm công vụ. Quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật quy định. Ngoài những quy định của pháp luật, quan chức nhà nước không được phép làm, kể cả những việc mà pháp luật chưa quy định, ngược lại công dân có quyền được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, mở ra chân trời rộng lớn cho quyền tự do của nhân dân.

Xây dựng trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm hại quyền tự do của nhân dân đòi hỏi trong tất cả các hoạt động của cơ quan công quyền phải minh bạch, công khai hoá (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia). Trong thời điểm hiện tại, thực hiện thật tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước đang đặt ra cấp bách hiện nay. Tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan chính là mất dân chủ, không thực hiện chế độ minh bạch, không công khai hoá. Bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin về các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, chế độ công vụ và trách nhiệm công vụ phải được xác định rõ ràng, cả về trách nhiệm và quyền hạn; đồng thời xây dựng tính chịu trách nhiệm đối với những hành vi sai trái xâm hại quyền tự do dân chủ của công dân với những chế tài thích đáng. Xây dựng cơ chế kiểm tra theo quy chế cơ quan. Đòi hỏi kể cả cán bộ cao nhất của cơ quan cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cán bộ trong chính cơ quan mình. Cần thiết xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan.

Nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình quản lý cán bộ thông qua công việc ở một số cơ quan thích hợp. Lấy hiệu quả công việc là thước đo trình độ chuyên môn, nghề nghiệp; không nhất thiết quản lý cán bộ theo giờ hành chính. Đảm bảo hoàn thành công vụ là mục tiêu phấn đấu của cán bộ, công chức. Có thể sử dụng nhiều phương pháp, công cụ khác nhau để đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Chẳng hạn dùng phương pháp định lượng hay định tính tuỳ tính chất công việc của mỗi cơ quan; qua đó là cơ sở, tiêu chuẩn để đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ đúng vị trí. Và đó cũng là cơ sở để nâng lương, nâng ngạch, nhằm giảm thiểu mục tiêu phấn đấu là chức vụ, quyền hạn và tư tưởng dậm chân tại chỗ hay “đến hẹn lại lên”.

2.3. Vai trò của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ quyền con người

Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người (4)”. Việc nhấn mạnh vai trò của cơ quan tư pháp đối với việc bảo vệ công lý và quyền con người trong Nghị quyết của Đảng ở thời điểm đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền, càng chứng tỏ vị trí đặc biệt quan trọng của cơ quan tư pháp đối với việc bảo vệ quyền con người. Bởi lẽ, trong Nhà nước pháp quyền, một khi quyền con người, quyền của cá nhân, công dân bị vi phạm, cách tốt nhất và hiệu quả nhất là cá nhân, công dân viện dẫn đến Toà án. Vì chỉ có Toà án mới có thẩm quyền nhân danh Nhà nước và nhân danh công lý để phán xét hành vi vi phạm pháp luật, xác định mức độ lỗi; mức độ thiệt hại và các biện pháp khắc phục hậu quả. Qua đó, hành vi phạm tội phải bị trừng trị; quyền và các lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, lợi ích của Nhà nước, hay của tập thể được khôi phục và bảo vệ. Vì vậy, một khi quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân bị vi phạm, công dân lại thờ ơ và chưa nhiệt tình viện dẫn tới Toà án, tin tưởng vào sự phán quyết của Toà án thì khó có thể xây dựng Nhà nước ta thành Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Do đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và các tự do cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và các công ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết, phê chuẩn thì điều đặc biệt cần nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Toà án trong việc bảo vệ công lý và quyền con người. Điều này là một trong các chỉ số quan trọng đánh giá bản chất của chế độ XHCN, đến mức độ thành công của chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay.

Do tính chất và tầm quan trọng của hoạt động tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, đòi hỏi cấp thiết hiện nay là phải đẩy mạnh cải cách tư pháp, làm cho hệ thống các cơ quan tư pháp hoạt động có hiệu quả, đảm bảo tính độc lập, khách quan và vô tư. Tính độc lập, khách quan và vô tư phải trở thành nguyên tắc xuyên suốt, nguyên tắc nền tảng trong hoạt động thực hiện chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát và xét xử của Toà án. Trong hoạt động không chịu bất kỳ một tác động nào từ phía cơ quan lập pháp cũng như hành pháp. Đảm bảo rằng phán quyết của Toà án không chỉ nhân danh quyền lực nhà nước mà còn phải nhân danh công lý. Xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và không làm oan người dân vô tội. Muốn vậy, sớm nghiên cứu nhằm xây dựng cơ chế trách nhiệm nghề nghiệp; cá thể hoá trách nhiệm cá nhân trong hoạt động xét xử và hoạt động kiểm sát.

2.4. Vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội; xã hội nghề nghiệp trong việc thúc đẩy quyền con người

Cơ chế bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người thông qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là khâu có ý nghĩa quyết định, nhưng chưa tổng thể, toàn diện trong thể chế chính trị ở nước ta hiện nay. Vì bộ máy nhà nước mới chỉ là một phân hệ trong hệ thống chính trị. ở nước ta hiện nay, cơ chế đảm bảo nhân quyền có thể phải xác định rộng hơn tức là cả hệ thống chính trị. Điều đó đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nhất là việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách về nhân quyền và có liên quan đến nhân quyền, làm chỗ dựa vững chắc về quan điểm chính trị để Nhà nước thể chế hoá thành pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp - những tổ chức đại diện cho quyền lợi của một bộ phận cá nhân con người cùng cảnh ngộ, cùng lợi ích, tiến tới xây dựng xã hội dân sự phải là một trong những hướng ưu tiên vào những năm tiếp theo.

Xu hướng Nhà nước thu hẹp dần - không nên ôm đồm tất cả các công việc - mà dần dần chuyển giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp theo mô hình “dịch vụ hành chính công”, tức các tổ chức xã hội phi nhà nước có thể làm và đảm nhận công việc trước kia thuộc quyền quản lý của Nhà nước là cơ chế tốt trong việc bảo vệ nhân quyền hiện nay ở nước ta cũng như trong tương lai. Xu hướng chung trên thế giới hiện nay liên quan đến thúc đẩy bảo vệ quyền con người, bên cạnh các cơ quan quốc gia, thì các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người.

2.5. Vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực thúc đẩy quyền con người

Do đặc điểm lịch sử cụ thể, việc tuyên truyền, nghiên cứu, và giáo dục nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người ở nước ta phát triển hơi chậm so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Phải đến năm 1994, lần đầu tiên Đảng, Nhà nước mới cho phép thiết lập một cơ quan nghiên cứu quyền con người. Đó là Trung tâm Nghiên cứu quyền con người (nay là Viện Nghiên cứu quyền con người) thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh với chức năng chính là nghiên cứu khoa học về các quan điểm, học thuyết khác nhau về quyền con người; nghiên cứu học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, hình thành quan điểm của Đảng ta về quyền con người; nghiên cứu kinh nghiệm bảo vệ quyền con người trên thế giới, luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế; chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người; thực hiện tuyên truyền, giáo dục và giảng dạy quyền con người cho các cán bộ trung, cao cấp trong hệ thống chính trị…

Kể từ ngày thành lập, Viện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội nói chung; khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở nước ta; các chương trình nghiên cứu và dự án hợp tác quốc tế được triển khai, góp phần quan trọng nâng cao sự hiểu biết chung của bạn bè quốc tế về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và thành tựu trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta.

Bên cạnh thúc đẩy, nâng cao nhận thức xã hội và đào tạo bồi dưỡng quyền con người cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước đang học tập tại Học viện, ở nước ta đã hình thành hai trung tâm nghiên cứu về quyền con người. Đó là Trung tâm Nghiên cứu quyền con người và quyền công dân, trực thuộc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người trực thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Với chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo quyền con người cho sinh viên, đang theo học các khoá chuyên ngành luật tại hai cơ sở đào tạo này.

Hiện nay, hai trung tâm này, mới đi vào hoạt động, nhưng chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, thúc đẩy, nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người ở nước ta trong thời gian tới.

Xét trên tổng thể, ở nước ta chưa có cơ quan quốc gia chuyên trách về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, mặc dù cơ chế vận hành trên lĩnh vực bảo vệ, thúc đẩy quyền con người đã và đang hoạt động khá tích cực. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu và tình hình mới, khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn, trong đó tham gia tích cực cơ chế khu vực; Quốc hội đã phê chuẩn Hiến chương ASEAN, trong đó theo quy định của Hiến chương sẽ thiết lập cơ chế khu vực về quyền con người. Hiện nay, hầu hết các nước ASEAN cũng đã thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người. Trước bối cảnh và xu thế đó và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn Việt Nam cần sớm nghiên cứu thiết lập cơ quan quốc gia về nhân quyền ở nước ta hiện nay là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

(1) Bài tham luận tại Hội thảo quốc tế “Quyền con người: Tiếp cận liên ngành Luật học”, ngày 27 và 28/03/2009 tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

(2) Xem nội dung Nguyên tắc Pari và các cơ quan quốc gia về nhân quyền trên http://www.ohchr.org/EN/Countries/NHRI/Pages/NHRIMain.aspx.

(3) Viện Raoul Wallenberg (1997), Tập hợp các văn kiện về quyền con người, Nxb. Martinus Nijhoff.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, trang 127.

(Theo TS Tường Duy Kiên - Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • Các hệ thống tố tụng hành chính trên thế giới
  • Lập pháp ở Hồng Kông với chính sách "Một quốc gia, hai chế độ"
  • Tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn trong tư pháp hình sự thế giới
  • Tác động của việc thực hiên các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản đến khả năng cạnh tranh của quốc gia
  • Quy định đối với hoạt động khai thác thuỷ sản
  • Đặc trưng của mô hình tài phán hiến pháp Đức
  • Tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật qua Bộ luật dân sự Napoleon 1804
  • Toà án hình sự quốc tế - một thiết chế pháp lý bảo vệ các quyền con người
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%