Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cải cách hành chính: Nhiều doanh nghiệp chưa thể cảm nhận

Nhiều doanh nghiệp vẫn có cảm nhận về sự phiền hà khi xin chữ ký, con dấu.

“Có thể tất cả các cố gắng của chúng ta tại Đề án 30 là mới đưa ra minh bạch hóa, thống kê về mặt thủ tục. Còn việc áp dụng các thủ tục đó trong thực tiễn như thế nào chưa tác động đến cảm nhận của doanh nghiệp”, TS. Trần Hữu Huỳnh hướng xuống dưới khán phòng, nói.

Trong bài phát biểu giới thiệu báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2010), vị Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là thước đo yếu tố “nhân hòa” trong môi trường kinh doanh tại các địa phương.

Cho nên, đây cũng có thể xem là đối chiếu giá trị về công tác cải cách hành chính và thực thi pháp luật của chính quyền sở tại.

Cải cách thụt lùi?

Giữa tháng 8/2009, các bộ, ngành, địa phương lục tục công bố bộ thủ tục hành chính thuộc chức phận quản lý của minh. Cho đến mới đây, những con số được các cơ quan chỉ đạo chương trình cải cách thủ tục hành chính quốc gia nêu lên rất ấn tượng: sẽ đơn giản hóa gần 5 nghìn thủ tục hành chính; cắt giảm 37,31% chi phí cho người dân và doanh nghiệp; tiết kiệm gần 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm…

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp trong số 7.300 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trả lời câu hỏi điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do VCCI thực hiện vào giữa năm 2010, cảm nhận về cải cách hành chính tại địa phương nhìn chung là chưa rõ ràng.

Bất chấp những nỗ lực cải cách từ Đề án 30 của Chính phủ, chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp không giữ được chất lượng cải cách như những năm trước. Xét về chi phí thời gian và số lượng thủ tục, năm 2010 đã có bước lùi so với trước đó.

Số ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp mới và sửa đổi nội dung kinh doanh “giậm chân tại chỗ” so với năm 2009, sau khi được cải thiện liên tục trong 4 năm trước.

Đáng buồn hơn, tỷ lệ doanh nghiệp chờ hơn một tháng mới hoàn tất thủ tục đã tăng hơn so với năm 2009. Trong khi tỷ lệ doanh nghiệp chờ ba tháng không nhưng tăng hơn mà còn tụt về mức tương đương năm 2006, trước khi Đề án 30 được thực hiện.

Liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh, gần 1/7 số doanh nghiệp được hỏi cho biết cần thêm giấy phép kinh doanh mới ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Số lượng giấy phép bình quân tăng từ con số 1 của năm 2009 lên 2 của năm 2010, mặc dù trước đó đã được hạ xuống từ con số 4 của năm 2006.

“Có lẽ là do quy định về quản lý chặt hơn chăng?”, TS. Trần Hữu Huỳnh đặt câu hỏi. Theo kết quả điều tra PCI 2010, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng mất hơn 10% thời gian để hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính tăng từ 15,38% năm 2009 lên 19% năm 2010.

Nhưng vấn đề còn bỏ ngỏ, là liệu có chuyện cán bộ thực thi pháp luật kinh doanh cố tình làm phức tạp hơn các quy định, thủ tục để buộc doanh nghiệp trả chi phí “bôi trơn”?

Cũng kết quả cuộc điều tra trên cho thấy, 21% số doanh nghiệp trong nước thừa nhận phải trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh. Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 18% cho biết phải trả chi phí “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục cấp phép và đăng ký kinh doanh.

Vẫn phải nhờ quen biết

“Có lẽ, tính minh bạch là nguyên tắc rường cột khi Việt Nam hội nhập với thế giới và khu vực”, ông Huỳnh lưu ý. Nhưng ở các chỉ tiêu thành phần về tính minh bạch, năm 2010 xuất hiện xu hướng giảm rất rõ so với năm 2009.

Cụ thể là khả năng tiếp cận các tài liệu quy hoạch, kế hoạch giảm từ 2,44 điểm năm 2009 xuống 2,31 điểm năm 2010 trên thang điểm 5, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

“Đây là điều chúng ta cần phải lưu ý”, ông Huỳnh nói. “Trong lúc công nghệ thông tin đã được cải tiến, chúng ta đã triển khai chính phủ điện tử, nhưng cách tiếp cận ở đây cho thấy vẫn còn khó khăn đối với doanh nghiệp”.

Lo ngại cũng nằm ở điểm này, 78,64% doanh nghiệp cho biết cần có mối quan hệ để tiếp cận thông tin, tài liệu, tăng thêm tới 17,38 điểm phần trăm so với năm 2009. “Tôi cũng cần mở ngoặc thêm là năm 2009 tính minh bạch cũng đã giảm hơn so với năm 2008”, ông Huỳnh nhấn mạnh.

Đánh giá kết quả trên thực tế, khoảng 20% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2010 cho biết không quan sát thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về thủ tục hành chính tại địa phương, và cũng chưa cảm nhận được tác động thực tế của quá trình cải cách thủ tục hành chính thời gian qua.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có cảm nhận về sự phiền hà khi xin chữ ký, con dấu. Các vấn đề cải cách thủ tục, giấy tờ, hay chính sách phí và lệ phí cũng được doanh nghiệp nhìn nhận kém hơn năm ngoái.

Nhưng đáng lo hơn là nhiều tỉnh, thành phố dường như đang sụt giảm quyết tâm cải cách.

“Cách đây hai năm tại Tp.HCM, tôi có lưu ý Bình Dương với áp lực gia tăng của đô thị hóa, công nghiệp hóa, cùng các vấn đề lao động, môi trường, chất lượng sống… phải cố gắng có những bước chuyển, nếu không sẽ bị tụt hạng. Thực tế hôm nay, Bình Dương lần đầu tiên rời khỏi nhóm Rất tốt”, ông Huỳnh nhắc lại chuyện cũ.

(Theo Vneconomy)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Đất đai cần sửa những nội dung gì?
  • Luật lại đợi nghị định!
  • Ngại khiếu nại vì sợ thua!
  • Giá sữa - thuốc chữa bệnh: Doanh nghiệp 'lách' luật, quản lý bó tay
  • Kiểm soát các sàn giao dịch BĐS: Phạt nặng nhiều đại gia
  • Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền (Bài 2)
  • Kinh doanh bằng “quan hệ” hay bằng pháp luật? (Bài 1)
  • Thuế Thu nhập cá nhân: Nên nới rộng bậc thuế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%