Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bất động sản là các tài sản không thể di dời được gồm đất đai, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đât... Đây là loại tài sản dễ gặp trong việc tổ chức thi hành các loại án như hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình ... nhưng lại khó “xử lý” bất chấp việc quy trình thực hiện đã được quy định khá cụ thể và chặt chẽ trong Luật thi hành án (THA).
Ảnh: congannghean.com.vn |
Muốn lùi THA, cứ đòi... "định giá lại"
Về vấn đề định giá tài sản đã kê biên, hiện nay Luật THADS và Nghị định 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ đều chưa có hướng dẫn cụ thể về thời hạn, thủ tục định giá đối với trường hợp chấp hành viên phải tự định giá do không ký được hợp đồng dịch vụ thẩm định giá. Bên cạnh đó, Luật quy định đương sự có quyền yêu cầu định giá lại nhưng không hạn định số lần, khiến nhiều đương sự cố ý kéo dài việc THA bằng việc nộp yêu cầu hết lần này đến lần khác. Ông Phạm Quang Dũng - Cục THADS thành phố Hà Nội còn cho biết, đối với các vụ THA mà đối tượng là đất canh tác bị bỏ hoang hóa nhiều năm thì nhiều khi “rút” lên trên giải quyết chỉ để “vỗ về” chứ khó định giá và THA.
Đó là với các bản án phải thi hành được tuyên đúng. Còn với các bản án tuyên không sát thực tiễn về số đo, diện tích, các chiều của thửa đất hoặc trên đất có tài sản nhưng bản án không giải quyết, cơ quan THA cũng bó tay. Theo ông Dũng, nhiều khi, từ lệnh kê biên tài sản của cơ quan điều tra (để tránh đương sự tẩu tán tài sản) đến việc triển khai của cơ quan THA là cả một vấn đề. Ông Dũng thí dụ vụ án cưỡng chế căn hộ tại khu đô thị cao cấp The Manor đối với Bùi Tiến Dũng. Theo hợp đồng, Bùi Tiến Dũng mua căn hộ đó làm năm lần trả tiền, nhưng mới thực trả có hai lần. Do đó cơ quan THA không thể kê biên vì chủ căn hộ không chấp nhận do căn hộ đó chưa thuộc quyền sở hữu của Bùi Tiến Dũng.
Về thời hạn ra quyết định THA, Luật quy định thời hạn xác minh của cơ quan THA là 10 ngày kể từ ngày nộp đơn, còn thời hạn ra quyết định THA là năm ngày kể từ ngày nộp đơn. Vậy trong trường hợp xác minh là không đủ điều kiện THA nhưng đã có quyết định THA thì sao?
Rất dễ bị bỏ tiền túi ra bồi thường
Ông Nguyễn Song Hà - Chi cục trưởng chi cục THA quận Thanh Xuân nhận xét: Nếu coi chấp hành viên là những người lính thì vũ khí mà họ có chính là pháp luật. Nhưng chính sự thiếu đống thuận giữa các cơ quan pháp luật cũng khiến công tác của họ gặp nhiều khó khăn. Thí dụ tài sản là bất động sản đã được kê biên, định giá, đấu giá xong rồi mới có quyết định kháng nghị thì chấp hành viên phải bỏ tiền lương ra để bồi thường. Do đó, biện pháp tăng cường hòa giải luôn được các chấp hành viên lựa chọn làm biện pháp tối ưu.
Một trong các biện pháp cuối cùng của khâu THA đối với bất động sản là chuẩn bị phương án di dời người và tài sản để cưỡng chế như: thuê kho để tài sản, thuê nhà cho người đó ở. Theo quy định trước đây thì người được THA phải đi thuê cho người này, nhưng theo pháp luật hiện hành, người phải THA sẽ được trích một khoản tiền để tự đi thuê trong vòng sáu tháng. Vấn đề đặt ra là sau khi bàn giao xong, người kia đi thuê nhà xong sáu tháng, hết tiền dọn về nhà cũ của mình. Lúc này người trúng đấu giá tài sản, người được THA yêu cầu cơ quan THA cưỡng chế ra sao thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Trường hợp này có thể khởi kiện lại thành một vụ án mới hay cơ quan THADS có quyền can thiệp?
Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình THA đối với tài sản là bất động sản và đảm bảo tính thống nhất của quy trình, cần phải nâng cao tuyên truyền cho người dân, rà soát lại các văn bản pháp luật có liên quan để tránh sự chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó còn cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về THA nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những giao dịch ngầm, tẩu tán tài sản THA.
Tuyên án chỉ để chơi?
Trong quá trình THA, nhiều chấp hành viên la trời khi phải tuân thủ yêu cầu của Luật là phải thông báo về việc kê biên tài sản đồng nghĩa với việc khiến nhiều đương sự biết trước và tìm mọi cách tẩu tán tài sản. Dù luật quy định kê biên là biện pháp ngăn chặn đương sự tẩu tán tài sản nhằm bảo đảm quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích các bên, song ai mà biết đương sự tẩu tán hay phá hoại tài sản đó vào lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Lạng - Chi cục THA quận Ba Đình cũng thừa nhận, thà làm trái luật có khi lại THA được chứ cứ đúng luật, thông báo trước thì chẳng thể làm gì được. Thí dụ như nhà bị THA nhưng đã bị đem đi “trao tặng” cho người thân rồi thì biết THA với ai nữa. Điều này thể hiện rõ khi THA đối với các công ty TNHH. Theo luật thì các công ty này hoàn toàn có quyền thay đổi tên công ty với thời hạn thông thoáng, giản tiện. Vì thế trên bản án phải thi hành là trụ sở công ty TNHH T.A nhưng đến ngày THA lại chẳng còn công ty đó nữa mà chỉ có công ty TNHH T.B Ông Lạng cho rằng đối với những đối tượng này, “tuyên án chỉ để chơi” mà thôi.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ rõ ràng là án xử hoàn toàn đúng nhưng cứ bị khiếu kiện khiến cơ quan THA toàn phải dừng lại, không thể thi hành. Thậm chí có những nơi còn “nói thẳng, nói thật” là “ vụ này khó lắm, không đơn giản đâu vì còn vướng vào ông nọ, ông kia...”, bà Đinh Thị Mai Phương - Viện Khoa học pháp lý cho biết. Điều quan trọng là các cơ quan pháp luật phải tham mưu, cố vấn đề đưa ra các giải pháp chấm dứt việc này. |
Để thi hành tốt được một bản án cũng đã khó vì nhiều quy định của pháp luật còn thiếu, còn có sự áp dụng khác nhau giữa các nơi. Song nếu không có sự minh bạch trong tiến trình làm việc, chịu sự “thúc ép, can thiệp” từ nhiều phía thì câu chuyện nan giải của THA chắc sẽ còn tiếp diễn.
(Theo HƯƠNG NGUYÊN // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com