Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lý lịch tư pháp: nhìn từ góc độ công tác thống kê tội phạm của ngành kiểm sát

1. Công tác cập nhật và cung cấp thông tin về thống kê tội phạm

a. Các thông tin vềlý lịch tư pháp (LLTP) là những thông tin về hình sự (thông tin về việc kết án, thi hành án, xóa án tích...), các thông tin có nội dung về hạn chế, cấm, tước quyền của cá nhân, công dân trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền ngoài hình sự (thông tin về phá sản doanh nghiệp, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề...). Những thông tin này được lấy ra từ các tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền ban hành: Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao (cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài cung cấp thông tin về việc công dân Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài); Cơ quan thi hành án.

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, trong từng giai đoạn tố tụng và từng lĩnh vực hoạt động, Viện kiểm sát nhân dân cũng ban hành các quyết định có liên quan đến hạn chế, cấm hoặc tước bỏ một số quyền của một cá nhân trong lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động... Tuy vậy, về bản chất, các quyết định do Viện kiểm sát ban hành không phải là quyết định cuối cùng về mặt tư pháp của một đối tượng cụ thể. Do vậy, các quyết định của Viện kiểm sát ban hành không có liên quan đến các thông tin về LLTP và Viện kiểm sát không phải là cơ quan cung cấp các thông tin về LLTP. Nhưng các thông tin về LLTP có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi thực hiện chức năng nhiệm vụ, Viện kiểm sát ra yêu cầu Cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can, tự mình khởi tố bị can hoặc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra; hay khi cân nhắc có quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam, phê chuẩn gia hạn tạm giữ, phê chuẩn lệnh tạm giam... với một đối tượng cụ thể trong trường hợp mà Bộ luật Hình sự có quy định điều kiện bắt buộc để một hành vi cấu thành tội phạm là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi...” hoặc “đã bị kết án về tội...”; hoặc khi quyết định truy tố kẻ phạm tội ra trước Tòa án và đề xuất mức hình phạt với các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Các thông tin cần thiết trên về LLTP thường được cơ quan điều tra thu thập và tập hợp ngay trong hồ sơ đề nghị phê chuẩn hoặc hồ sơ điều tra vụ án hình sự, nếu chưa có thì phải ra yêu cầu để cơ quan điều tra thu thập. Viện kiểm sát không có cơ quan quản lý riêng về LLTP.

b. Các thông tin liên quan đến lý lịch, nhân thân người phạm tội tuy cũng được ngành kiểm sát thu thập, nhưng không phải theo từng người phạm tội, mà được tổng hợp chung theo những chỉ tiêu thống kê và được thể hiện bằng số liệu thống kê để giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và phục vụ việc xây dựng báo cáo của Viện kiểm sát các cấp.

Thực hiện Điều 5 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 về thống kê tội phạm và Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 01/7/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật trong công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm về thống kê tội phạm, trong những năm qua, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp để thu thập, tổng hợp và báo cáo số liệu thống kê tội phạm theo định kỳ. Đến nay, hoạt động này đã có nề nếp, kết quả số liệu thống kê tội phạm liên ngành do Viện kiểm sát tổng hợp và cung cấp tới các ngành đã trở thành số liệu thống nhất để đánh giá về tình hình tội phạm và kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, để đề ra các chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và xây dựng báo cáo của các ngành với Hội đồng nhân dân cùng cấp, với Quốc hội, hoặc với các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Cùng với thống kê về tình hình tội phạm và kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, ngày 19/8/2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 114/2004/QĐ-VKSNDTC-TKTP ban hành bổ sung một số loại thống kê thực hiện trong ngành kiểm sát, trong đó có thống kê tội phạm trong giai đoạn khởi tố và thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, mà nội dung các mẫu phiếu thống kê có rất nhiều chỉ tiêu thuộc về lý lịch, nhân thân... cá nhân người phạm tội. Sau khi được Tổng cục Thống kê thẩm định về chuyên môn nghiệp vụ, ngày 23/3/2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 168/2006/QĐ-VKSTC-TKTP ban hành Phương án điều tra thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (cuộc điều tra được tiến hành với thời kỳ 12 tháng từ ngày 01/01/2006 đến 31/12/2006)

Điều tra thông tin về tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm là hình thức thu thập thông tin thống kê do ngành kiểm sát tiến hành thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự đối với các bị cáo đã bị Toà án cấp sơ thẩm xét xử, tuyên án hoặc ra quyết định đình chỉ xét xử theo luật định. Cuộc điều tra được tiến hành theo phương pháp kết hợp điều tra gián tiếp (qua hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm của bị can /bị cáo) và trực tiếp (qua thẩm vấn, xét hỏi tại phiên toà); được tiến hành thường xuyên khi phát sinh đối tượng điều tra trong thời kỳ điều tra. Việc lập phiếu điều tra được thực hiện ngay sau khi Toà án cấp sơ thẩm tuyên án hoặc ra quyết định đình chỉ xét xử đối với bị can /bị cáo.

Trong quá trình thực hiện, việc tổ chức điều tra thống kê tội phạm của ngành kiểm sát có rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

Thuận lợi:

- Việc tổ chức điều tra được chuẩn bị kỹ về nội dung, phương án, có tổ chức tập huấn, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, có sự kiểm tra thẩm định và phê duyệt của cơ quan chuyên môn cấp trên và tổ chức chặt chẽ của cơ quan chủ quản.

- Có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp.

- Có đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê ổn định, có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngành kiểm sát hiện nay đã có một lực lượng thống kê mạnh. Từ năm 2003, tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Cục Thống kê tội phạm; có 30 Viện kiểm sát cấp tỉnh có Phòng Thống kê tội phạm độc lập có từ 3 - 4 cán bộ, các địa phương khác đều có Bộ phận thống kê được bố trí từ 1 - 2 cán bộ chuyên trách; Viện kiểm sát cấp huyện đều có cán bộ thống kê kiêm nhiệm.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê rất mạnh mẽ. Hiện nay, ngành kiểm sát đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao; 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng xong mạng máy tính nội bộ (mạng LAN); Viện kiểm sát cấp huyện đều được trang bị máy vi tính, việc kết nối, trao đổi thông tin giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện và ngược lại được thực hiện thông qua đường truyền tốc độ cao riêng hoặc thông qua Internet. Nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai đến cấp huyện và hiện đang thử nghiệm ứng dụng phần mềm quản lý án hình sự.

Khó khăn:

Tuy có những thuận lợi trên, nhưng công tác điều tra thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử mà Viện kiểm sát tiến hành trong thời gian qua cũng có không ít khó khăn khi triển khai thực hiện:

- Việc xác định trách nhiệm lập phiếu và kiểm tra, thẩm định phiếu của một số cán bộ, kiểm sát viên chưa được cao. Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm cho rằng, đó không phải là việc của khâu công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, mà là của bộ phận thống kê, nên thường lấy lý do bận việc, hoặc phải làm những nhiệm vụ khác nên không quan tâm đến việc lập phiếu này. Cán bộ làm thống kê phần lớn mới vào ngành, chưa có kinh nghiệm trong công tác, vị thế trong cơ quan, đơn vị thấp nên ngại nhắc nhở, phê bình...

- Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo một số Viện kiểm sát địa phương chưa cao, còn có tình trạng phó mặc cho lực lượng làm công tác thống kê. Do vậy, nếu không có sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên của Cục Thống kê tội phạm thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì việc thực hiện sẽ rất khó khăn, có địa phương làm được, nhưng sẽ không ít địa phương không tổ chức được.

2. Một số giải pháp cơ bản

Để thiết lập được một cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin về LLTP, theo chúng tôi, phải tiến hành một số giải pháp cơ bản sau:

a.Xây dựng cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin thống nhất

- Về cập nhật thông tin LLTP

Hiện nay, có quan điểm cho rằng, cần thực hiện việc cập nhật thông tin LLTP theo cách: Tòa án nhân dân các cấp sẽ chuyển toàn bộ số bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho Trung tâm LLTP cấp tỉnh nơi đã xét xử sơ thẩm để phân loại, thu thập và cập nhật các thông tin về LLTP vào từng mẫu riêng cho từng cá nhân cụ thể. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cập nhật này cần thực hiện theo các phiếu cung cấp thông tin LLTP, mà các phiếu này do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền đã ra bản án, quyết định có nội dung cấm hoặc hạn chế các quyền của một cá nhân lập và gửi cho cơ quan quản lý LLTP.

Các ý kiến trên đều có những lý do để bảo vệ riêng, nhưng theo chúng tôi, việc cung cấp nguyên văn các bản án, quyết định sẽ có điều kiện thuận lợi là cơ quan quản lý LLTP nắm được thông tin chính xác và chính thức có liên quan đến từng người cụ thể. Nhưng nó cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan cung cấp thông tin và cơ quan quản lý LLTP, như: Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự...) không quy định việc phải gửi bản án, quyết định cho cơ quan quản lý LLTP một bản; khối lượng các bản án, quyết định lớn gây tốn kém về kinh phí, nhân lực, cơ sở bảo quản lưu trữ… cho cả cơ quan ban hành và cơ quan tiếp nhận. Việc cung cấp thông tin LLTP theo các phiếu cung cấp thông tin sẽ có thuận lợi cho cơ quan quản lý LLTP khi nhập máy, vào sổ theo dõi, cho việc bảo quản, lưu trữ… Nhưng có khó khăn là không kiểm tra được tính đầy đủ, chính xác, kịp thời… của thông tin; đồng thời phải tổ chức một lực lượng lớn để phân loại, lọc và ghi chép thông tin theo mẫu biểu riêng.

Qua hoạt động tổ chức điều tra thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm của ngành kiểm sát, chúng tôi xin đề xuất cơ chế cung cấp thông tin về LLTP như sau:

+ Việc cung cấp thông tin về LLTP của các cơ quan hữu quan, nhất là của Toà án các cấp được thực hiện theo mẫu chung thống nhất và chỉ ghi những thông tin cần thiết, gọi là Phiếu cung cấp thông tin LLTP. Phiếu này được lập cho từng cá nhân cụ thể, tức là cho từng bị án, từng người bị xử lý hành chính, bị áp dụng biện pháp hạn chế hoặc tước một số quyền.

+ Phiếu được lập ngay sau khi bản án hoặc quyết định có chứa đựng các thông tin thuộc phạm vi quản lý LLTP có hiệu lực pháp luật. Phiếu được ban hành đồng thời với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Tại Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành bản án, quyết định giao cho thẩm tra viên, thư ký giúp việc trực tiếp lập các Phiếu cung cấp thông tin LLTP. Thẩm phán và người có thẩm quyền đã ký ban hành bản án, quyết định là người trực tiếp kiểm tra và ký vào các phiếu trước khi chuyển cho Văn phòng của cơ quan gửi cho cơ quan quản lý LLTP cấp tỉnh tại địa phương.

Nhân viên văn thư văn phòng cơ quan Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra án văn, quyết định và các phiếu cung cấp thông tin LLTP trước khi đóng dấu chuyển gửi cho cơ quan quản lý LLTP cấp tỉnh tại địa phương. Nếu thiếu hoặc phiếu chưa đầy đủ thông tin thì chưa gửi và chuyển lại nơi đã lập phiếu để sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ.

+ Cơ quan quản lý LLTP cấp tỉnh có trách nhiệm thu nhận toàn bộ các phiếu cung cấp thông tin LLTP chuyển đến, vào sổ theo dõi và cập nhật vào máy vi tính theo phần mềm ứng dụng đã được xây dựng và truyền dữ liệu về Trung tâm tích hợp dữ liệu của cơ quan quản lý LLTP quốc gia đặt tại Bộ Tư pháp để lưu trữ. Các phiếu cung cấp thông tin LLTP được lưu trữ tại cơ quan quản lý cấp tỉnh - nơi đã cập nhật thông tin vào máy vi tính. Số lượng cán bộ của cơ quan quản lý LLTP cấp tỉnh sẽ căn cứ vào khối lượng công việc của từng địa phương để có biên chế cho phù hợp.

- Việc cấp thông tin về LLTP

Việc cấp thông tin LLTP của cơ quan quản lý LLTP cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cần được phân loại ra theo từng mức độ: cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng, cấp cho cá nhân người sử dụng với mục đích chứng minh về lịch sử đời tư, cấp cho cơ quan quản lý sử dụng nhân lực lao động... Sở Tư pháp các địa phương là đơn vị trực tiếp cấp phiếu LLTP trên cơ sở nguồn dữ liệu của Trung tâm LLTP quốc gia. Tuỳ theo mục đích sử dụng phiếu LLTP, khi cấp phiếu LLTP cũng cần phân biệt từng loại để cấp cho từng đối tượng cho phù hợp, như cấp cho:

+ Các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội khi có yêu cầu. Phiếu này là phiếu chứa đựng đầy đủ những thông tin về LLTP của một cá nhân, nhưng tùy vào mục đích yêu cầu của từng cơ quan mà phiếu lý lịch được cấp ra có thể được lược bớt một số thông tin cho phù hợp.

+ Các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân khi có yêu cầu. Đây là bản trích một bộ phận của thông tin LLTP, trong đó loại trừ một số thông tin như: các án hình sự đã được xóa án tích; các quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp đã hết hạn bị tước quyền theo quyết định; các quyết định xử phạt hành chính có áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, trục xuất, quản chế hành chính đã hết 2 năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt.

b. Xây dựng cơ quan quản lý LLTP thống nhất

Từ năm 1993, theo quy định của Nghị định số 38-CP ngày 4/6/1993 và sau này là Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ phủ thì Bộ Tư pháp là cơ quan thống nhất quản lý LLTP. Sở Tư pháp có nhiệm vụ “cấp phiếu LLTP và chịu trách nhiệm về việc cập nhật nội dung phiếu LLTP theo quy định của pháp luật”. Nhưng do chưa đủ điều kiện tổ chức quản lý được về LLTP nên ngày 8/2/1999 Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA quy định việc cấp phiếu LLTP. Trong đó quy định việc cấp phiếu LLTP của Sở Tư pháp cấp tỉnh được tiến hành trên cơ sở kết quả tra cứu, xác minh của cơ quan Công an. Trong trường hợp kết quả tra cứu của cơ quan Công an chưa đầy đủ, rõ ràng về tình trạng tiền án của đương sự, thì Sở Tư pháp liên hệ với Tòa án đã xét xử vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ án lưu, nhằm làm rõ đương sự có án hay không có án. Như vậy, có thể nói, đến nay việc cập nhật và cung cấp thông tin về LLTP vẫn chủ yếu dựa vào Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát của ngành công an, nên không chủ động và không thể đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhân dân. Vì thế, cần phải củng cố bộ máy của cơ quan quản lý LLTP, đưa cơ quan này vào hoạt động đồng bộ và thống nhất từ trung ương tới địa phương với lực lượng riêng để thu thập, quản lý và cung cấp thông tin về LLTP theo đúng quy định của pháp luật.

Theo các quy định hiện hành và theo chúng tôi, cơ quan quản lý LLTP chỉ cần tổ chức ở hai cấp (cấp quốc gia và cấp tỉnh):

+ Cấp quốc gia: Trung tâm LLTP quốc gia trực thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chung về LLTP, thực hiện chức năng tiếp nhận các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nước ngoài xét xử với công dân Việt Nam ở nước ngoài chuyển về.

+ Cấp tỉnh: Trung tâm LLTP cấp tỉnh tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng tiếp nhận phiếu cung cấp thông tin LLTP được trích từ các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án sơ thẩm cấp tỉnh và cấp huyện tại địa phương mình và các bản án phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm xét lại các bản án do Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh của địa phương mình đã xét xử sơ thẩm; tổ chức kiểm tra, phân loại và cập nhật các thông tin về LLTP có trong các phiếu vào máy vi tính theo chương trình phần mềm riêng; tra cứu và cấp phiếu LLTP cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn khi có yêu cầu.

c. Quy định rõtrách nhiệm của cơ quan cung cấp thông tin và cơ quan quản lý LLTP

- Đối với cơ quan cung cấp thông tin về LLTP (Tòa án, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao...) có trách nhiệm tổ chức việc trích, lập phiếu cung cấp thông tin LLTP từ các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có nội dung cấm hoặc hạn chế các quyền của một cá nhân trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế và hành chính gửi cho Trung tâm LLTP cấp tỉnh có thẩm quyền ngay sau khi bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật.

-Đối với cơ quan quản lý LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia đặt tại Bộ Tư pháp và Trung tâm LLTP cấp tỉnh tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có trách nhiệm:

+ Tiếp nhận toàn bộ các phiếu cung cấp thông tin LLTP được trích từ các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có nội dung cấm hoặc hạn chế các quyền của một cá nhân trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế và hành chính được gửi tới để kiểm tra, phân loại, cập nhật vào sổ, vào máy vi tính theo chương trình phần mềm ứng dụng thống nhất.

+ Cấp phiếu LLTP cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu.

+ Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách để thu thập, cập nhật và quản lý LLTP thống nhất trong toàn quốc.

d. Xây dựng một hạ tầng về công nghệ thông tin mạnh, thống nhất một đầu mối

Xây dựng một trung tâm tích hợp dữ liệu mạnh tại Bộ Tư pháp, kết nối và trao đổi thông tin với 64 Trung tâm LLTP của cấp tỉnh. Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Bộ Tư pháp sẽ quản lý dữ liệu về LLTP của toàn quốc; các Trung tâm LLTP cấp tỉnh chỉ là đơn vị cập nhật thông tin đầu vào và lấy những thông tin về phiếu LLTP mà đơn vị mình được phép lấy. Việc bảo mật thông tin được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định về bảo mật. Bảo mật thông tin trên đường truyền cũng phải được phối kết hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ để thực hiện. Thực hiện theo mô hình này sẽ loại bỏ được những khó khăn, bất cập về quản lý LLTP theo nơi sinh hay nơi thường trú... Thực hiện việc xây dựng Trung tâm tích hợp này tuy có đòi hỏi sự đầu tư ban đầu rất lớn về vật chất, kỹ thuật, nhân lực; nhưng khó khăn đó chỉ là ban đầu, sau sẽ đi vào nề nếp và sẽ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý LLTP chủ động trong công việc, thực hiện đúng chức tránh nhiệm vụ được giao và dần nâng được vị thế của mình trong công tác.

3. Một số kiến nghị

Để thực hiện được cơ chế cập nhật và cung cấp thông tin LLTP như đã nêu ở trên, chúng tôi xin có một số kiến nghị như sau:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh Thi hành án...; trong đó phải có quy định bắt buộc về việc Tòa án, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm lập các phiếu cung cấp thông tin LLTP gửi cho cơ quan quản lý LLTP sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

- Các cơ quan có liên quan, như Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao... sớm ban hành Thông tư liên tịch quy định về quy trình, thủ tục phối kết hợp trong việc cung cấp, tiếp nhận những thông tin, tài liệu có liên quan đến LLTP.

- Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quản lý và cung cấp thông tin về LLTP theo quy định hiện hành; đồng thời có biện pháp tận dụng tiềm năng sẵn có của các hệ thống dữ liệu hiện có (hệ thống hồ sơ nghiệp vụ của ngành công an, hệ thống hồ sơ án lưu của Tòa án...) cũng như tiếp tục củng cố và kết nối với những cơ sở dữ liệu này nhằm xây dựng hệ thống hồ sơ LLTP để sử dụng chung cho nhiều ngành theo đúng tinh thần cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay./.

(Theo TS. Nguyễn Minh Đức // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan hành pháp và tư pháp
  • Khắc phục những xung đột và lỗ hổng trong pháp luật
  • Các bất hợp lý trong quy định về giao dịch bảo đảm
  • Bảo vệ ai?
  • Mở rộng thủ tục hải quan điện tử: Vẫn vướng!
  • Thành lập Trạm cân xe trên quốc lộ 18: Lợi... bất cập hại?
  • Vụ cám Con heo Vàng: Minh bạch nhưng không đáng tin!
  • Viết tiếp vụ Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội: CII cố tình thu lợi bất chính
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%